Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ khoa xuất sắc ở nhà nuôi lợn: Đừng tự hạn chế cơ hội của bản thân

Câu chuyện của Bùi Thị Hà, một trong 100 thủ khoa xuất sắc được vinh danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, sau một năm vẫn thất nghiệp, thu hút nhiều ý kiến tranh luận.

Không ít người thông cảm với hoàn cảnh của nữ thủ khoa đầu ra của Đại học Sư phạm 2, nhưng nhiều ý kiến cũng cho rằng cô gái chưa chủ động trong việc tìm kiếm cho mình một công việc khác.

thu khoa nuoi lon anh 1
Bùi Thị Hà trong ngày tuyên dương 100 thủ khoa xuất sắc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Bằng cấp chỉ là công cụ

Tiến sĩ Đàm Quanh Minh, nguyên hiệu trưởng Đại học FPT, cho rằng không ai trả lương cho việc học thi lấy điểm cao, mà trả thù lao cho người hoàn thành tốt công việc, mang lại giá trị cho cuộc sống. Thế nên, việc là thủ khoa không có gì đảm bảo chắc chắn có công việc tốt.

"Cuộc sống luôn thay đổi và biến động, là thủ khoa chỉ minh chứng việc có thể hoàn thành một cách máy móc các bài học và trả điểm cao nhất nhưng không chứng minh được năng lực về sự sáng tạo, khả năng hợp tác trong công việc và nhiều kỹ năng khác. Cuộc sống là của chính mình, nếu không tự lo được thì cũng đừng mong ai có thể giúp đỡ", TS Minh nêu quan điểm.

Một số ý kiến khác nêu thực tế 4 năm ở giảng đường trôi qua nhanh, nhiều sinh viên không biết viết một lá đơn xin việc, chưa được dạy cách mở đầu email, chẳng biết cách trang điểm, ăn mặc khi tới công sở, không biết chu trình làm một báo cáo...

Ước mơ, hoài bão rất tốt nhưng không ít người có những suy nghĩ viển vông, xa rời cuộc sống và những điều kiện hiện có. Chỉ có số điểm trên giấy, không dám dấn thân cọ xát, không chấp nhận bầm dập, không bảo vệ chính kiến bản thân, thiếu kỹ năng sống, khả năng thức thời và nỗ lực của cá nhân, người trẻ sẽ bị cuộc đời xô ngã.

Chị Vũ Thị Thu Hằng, ngươi sáng lập Giờ chơi đến rồi khẳng định không thể đem chuyện vài cá nhân để đánh đồng cho nhận định rằng học giỏi chẳng quyết định được gì nhiều cho thành công, nhưng học giỏi chỉ là điều kiện cần để có thể vững vàng bước vào cuộc sống.

Chị Hằng kể lại ngay từ thời đại học năm thứ nhất, cô gái đến từ vùng quê đã đi làm thêm ở Sài Gòn. Ngoài chuyện tiền nong, lý do chính vẫn là để "dắt lưng" kinh nghiệm.

"Năm thứ hai, mình đã tự tin ứng tuyển làm giáo viên tiếng Anh ở một trung tâm, lương tháng còn cao hơn viên chức lúc đó. Khi ra trường, mình có việc ngay nhờ những kinh nghiệm dạy và học ở 'trường đời'", phụ nữ này nói. 

thu khoa nuoi lon anh 2
Các thủ khoa được vinh danh vào năm 2016.

Hạn chế cơ hội việc làm của chính mình

Nhà văn có nick name Mèo Xù thắng thắn sẽ là sai lầm khi cứ ngồi nhà chờ sở này, tỉnh kia gọi, để được vào cơ quan Nhà nước. 

"Nếu thực sự có tài năng, bạn trẻ không thiếu cơ hội tìm việc làm, chỉ là có chịu đón nhận hay không, hay cứ khư khư phải được trở thành cô giáo dạy văn truyền đạt kiến thức tại ngôi trường công lập?

Năm tới, một thế hệ sinh viên mới với bằng giỏi ra trường, cơ hội càng khép lại. Lúc đó, ngay cả cơ quan hành chính, công ty tư nhân cũng không nhận nữa, vì nhìn vào CV đã ra trường một năm mà chẳng làm gì", tác giả Bơ đi mà sống nêu quan điểm.

Luật sư Lê Luân nhận định nhiều cử nhân, thạc sĩ chỉ muốn trở thành công chức Nhà nước mà không chọn môi trường bên ngoài, vì nghĩ rằng đó là nơi an toàn, ổn định.

Vì chỉ muốn lựa chọn làm việc gần nhà, nhiều cô gái, chàng trai tự khoanh vùng cơ hội của mình, từ chối việc làm ở các thành phố, quận, huyện khác, bó buộc tự do cũng như cơ hội trải nghiệm trong cuộc sống.

"Vì sao em kiên quyết ngồi đợi kỳ thi biên chế một năm một lần? Trường học, gia đình, cơ quan Nhà nước là tổ ấm an toàn khi người trẻ chưa đủ can đảm ra ngoài đối diện với thế gian, nhưng cũng là chiếc lồng quá lớn, ngăn cản nhiều người dũng cảm bước ra khỏi vùng chăn ấm đệm êm", luật sư Luân nói.

thu khoa nuoi lon anh 3
Tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ là bài toán nan giải của ngành giáo dục nhiều năm nay. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng sinh viên sư phạm nên chủ động "lao vào cuộc sống", không nên thụ động chờ đợi, tự làm giới hạn cơ hội của bản thân. Ảnh: Phượng Nguyễn.

Đã quá thừa những tâm thư

Một lý do khác đến từ tư tưởng học giỏi sẽ được tạo điều kiện, giúp đỡ trong công việc khiến nhiều thủ khoa có tâm lý ỷ lại.

Theo TS Đàm Quang Minh, việc viết thư xin việc với bí thư tỉnh ủy thể hiện sự thiếu kỹ năng. Đáng lẽ, nơi gửi đơn phải là cơ quan cần mình, như sở GD&ĐT, trường học...

"Chúng ta quá thừa những tâm thư. Không thể mãi kể hoàn cảnh để nhận sự giúp đỡ trong học tập, công việc hay nghề nghiệp", thạc sĩ Tâm lý học Trần Minh Thư nhận xét.

Đừng bao giờ trách người khác không giúp đỡ, quan tâm mình, hay hoàn cảnh đã khiến cuộc sống của mình như hiện tại. Vì đơn giản, tảng đá không rơi xuống bàn chân, làm sao họ hiểu được bạn có bao nhiêu đau đớn?

Chuyện vừa ra trường có ngay công việc ổn định, lãnh đạo yêu thương, đồng nghiệp hòa thuận, lương tháng hài lòng mà không cần bươn trải có lẽ là truyện cổ tích.

Chuyên gia này khuyên rằng hãy cất tấm bằng thủ khoa đi, tự lao ra tìm một công việc, chứng minh mình sống tốt và làm tốt với kiến thức đã học được ở trường.

Cuộc sống không cần điểm số mà cần bàn tay và khối óc có thể tự lập, kiến tạo được những tri thức thực sự khi bắt tay vào làm việc.

Nỗi buồn của thủ khoa sư phạm thất nghiệp, ở nhà nuôi lợn

Ngày này năm trước, Bùi Thị Hà được vinh danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, vì là một trong 100 thủ khoa xuất sắc. Năm nay, em thất nghiệp, ở nhà bán hoa quả, nuôi lợn.




Ngân Giang

Bạn có thể quan tâm