Theo các ghi chép lịch sử, bác sĩ người Anh Edward Jenner (1749-1823) được coi là người đầu tiên tìm ra vaccine trên thế giới. Con đường khám phá ra loại dược phẩm quan trọng cho y học diễn ra hết sức tình cờ.
Thử nghiệm liều lĩnh
Năm 1788, dịch đậu mùa quét qua quê hương của bác sĩ Edward Jenner, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng.
Khi còn đi học, ông từng nghe thông tin những người bị “đậu bò” (bệnh đậu mùa ở bò) sẽ miễn nhiễm với căn bệnh này ngay cả khi tiếp xúc với nguồn lây nhiễm. Để chứng minh cho điều này, năm 1769, bác sĩ Edward Jenner quyết định thử nghiệm quan trọng.
Ông liều lĩnh cắt hai vết trên cánh tay của cậu bé 8 tuổi James Phipps - người đã tiếp xúc với bệnh nhân đậu mùa. Sau đó, tiêm dịch của người mắc đậu bò vào máu của James.
Sau khi được tiêm vi trùng đậu bò, bệnh nhân James Phipps không còn mắc bệnh đậu mùa nữa. Ảnh: Guardian. |
Các bệnh nhân sau 12 ngày tiếp xúc với virus đậu mùa sẽ có triệu chứng sốt, đau đầu, đau lưng và nôn mửa. 3 ngày sau, xuất hiện các vết phát ban. Các vết loét có ở miệng, lưỡi và lan sang các phần còn lại trên cơ thể.
Ngày thứ 4, các vết phát ban hình thành mủ, vỡ ra và để lại sẹo sâu trên da. Trong các trường hợp nặng, bệnh nhân có thể tử vong vì ngộ độc máu, nhiễm trùng thứ cấp hoặc chảy máu trong.
Trái ngược với các triệu chứng kể trên, cơ thể cậu bé 8 tuổi sau khi được tiêm vi trùng đậu bò chỉ có phản ứng sốt cao. Sau đó, James hạ sốt và cơ thể sớm trở lại bình thường. Các triệu chứng của đậu mùa cũng không xuất hiện. Vài tuần sau, bác sĩ Edward Jenner lặp lại thí nghiệm của mình và James không nhiễm bệnh.
Thời điểm đó, chưa có kính hiển vi hay dụng cụ y khoa nào có thể quan sát phản ứng cấp độ tế bào của cơ thể James. Tuy nhiên, có thể thấy cậu bé 8 tuổi đã sản sinh ra một loại miễn dịch, chống lại virus gây đậu mùa.
Qua thí nghiệm, Edward Jenner phát hiện ra phương pháp tiêm chủng vaccine và giúp thế giới đẩy lùi đại dịch.
Những người mắc đậu bò sẽ miễn nhiễm với bệnh đậu mùa. Ảnh: Global News. |
Cơ chế hoạt động của vaccine
Trước khi bác sĩ Edward Jenner tiêm vi trùng đậu bò để tạo miễn dịch với virus đậu mùa, nhiều người khác đã từng thử cách "lấy độc trị độc" tương tự.
Vaccine bảo vệ con người đến thế kỷ XVIII mới được phát triển hoàn chỉnh nhưng con người đã sớm nhận ra cơ chế hoạt động và tầm quan trọng của hệ miễn dịch.
Theo phần 6 của bài nghiên cứu Science and Civilisation in China của Joseph Needham mà History of vaccines dẫn lại, trong thế kỷ thứ 10, các thầy thuốc ở Trung Quốc cũng thực hiện phương pháp này.
Cụ thể, các bác sĩ lấy vẩy, mủ của các bệnh nhân đã khỏi bệnh đậu mùa lên mũi của người khỏe mạnh với hy vọng cơ thể sẽ sản sinh ra một loại chất giúp bảo vệ cơ thể khỏi virus. Sau khi nhiễm vẩy, mủ của bệnh nhân, những người này sẽ gặp dạng nhẹ của bệnh. Họ sớm hồi phục trở lại và miễn nhiễm với virus gây đậu mùa. Trong những năm 1700, cách chữa trị này rất phổ biến tại châu Âu và New England.
Sốt là phản ứng thường gặp sau khi tiêm vaccine. Ảnh: Getty. |
Năm 1714, phu nhân Mary Wortley Montagu sống sót sau bệnh đậu mùa nhưng để lại vết sẹo xấu xí trên mặt. Hai năm sau, bà đến Thổ Nhĩ Kỳ cùng chồng. Theo National Geographic, để ngăn bệnh lây cho con gái, bà đã đề nghị các bác sĩ ngừa bệnh cho cô bé bằng cách trên.
Sau khi vaccine đầu tiên trên thế giới được bác sĩ Edward Jenner công bố, Louis Pasteur - sau này được gọi là "cha đẻ" của vaccine - nhận ra mầm bệnh yếu có thể giúp động vật tăng cường miễn dịch. Điều này đã tạo nên bước ngoặt trong sự nghiệp của ông, giúp ông tiếp nối thành tựu của Edward Jenner trước đó một thế kỷ.
Pasteur nảy sinh ý định điều chế vaccine cho các bệnh khác. Ông nghiên cứu được vaccine bệnh than, sau đó là bệnh dại. Tuy nhiên, ông không còn tiêm trực tiếp vi trùng vào cơ thể bệnh nhân mà sử dụng thử nghiệm trên động vật.
Tiêm chủng là hình thức truyền chất kháng nguyên vào cơ thể nhằm kích thích hệ miễn dịch sản sinh ra các chất thích ứng đối phó với virus, vi khuẩn. Vaccine có thể ngăn ngừa hoặc cải thiện các hiệu ứng lây nhiễm của nhiều tác nhân gây bệnh.
Do đó, sau khi tiêm vaccine, sốt, đau nhức, sưng tấy ở vị trí tiêm là phản ứng thường gặp nhất. Nó chứng tỏ hệ miễn dịch trong cơ thể đang phản ứng với các kháng nguyên được tiêm vào và sản sinh chất thích ứng cần thiết.
Theo WebMD, các tác dụng phụ thường biến mất trong một vài ngày và không gây hại. Tuy nhiên, nếu cơ thể gặp triệu chứng sốc, co giật, sốt cao cần lưu ý và can thiệp y tế kịp thời.