Theo CNN, báo cáo năm 2015 cho thấy có tới 2,1 triệu ca nhiễm HIV mới, 2/3 trong số đó xảy ra ở châu Phi cận Sahara. Một thử nghiệm nhỏ, gọi là HVTN100, đã diễn ra ở Nam Phi vào năm 2015 để đánh giá sự an toàn và miễn dịch của các phiên bản sửa đổi của các loại vắc xin trước khi thử nghiệm quy mô lớn hơn.
252 tình nguyện viên khỏe mạnh đã tham gia tiêm vắc xin ALVAC HIV/gp120 hay còn gọi là giả dược để so sánh mức độ đáp ứng miễn dịch tạo ra. Kết quả được đưa ra vào ngày 19/7 tại Hội nghị quốc tế lần thứ 21 về AIDS tại Durban, Nam Phi.
Linda Gail Bekker, Phó giám đốc Trung tâm HIV Desmond Tutu ở Cape Town (Nam Phi) đồng Chủ tịch mới đắc cử của Hiệp hội AIDS quốc tế khẳng định đây là cách thử nghiệm để đảm bảo tính khả quan của vắc xin. Vắc xin này ra đời từ một thử nghiệm mang tính bước ngoặt ở Thái Lan vào năm 2009, có khả năng làm giảm 31% nguy cơ lây nhiễm HIV. Đây là tin đáng mừng của giới khoa học sau nhiều năm nghiên cứu không thành công.
Một loại vắc xin chống HIV mới sẽ được thử nghiệm tại Nam Phi vào cuối năm nay. Ảnh: Upi. |
"Câu hỏi đặt ra là: chúng ta có thể tái tạo lại kết quả và chúng ta có thể cải thiện chúng với khả năng cao hơn, quy mô lớn hơn, có hiệu lực hơn hay không?", ông Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm cho biết.
Vắc xin này đã được cải thiện để sử dụng trong những vùng có nguy cơ cao hơn ở châu Phi cận Sahara, nơi còn tồn tại một phân nhóm khác của virus. Một thành phần mới được xem là chất bổ trợ, cũng được xem xét để kích thích miễn dịch mạnh hơn. 4 tiêu chuẩn mới được thiết lập để đánh giá khả năng của vắc xin, bao gồm cả khả năng của tế bào T và các kháng thể chống lại virus nếu nó lây nhiễm. "Chúng tôi muốn thấy một hình ảnh miễn dịch cụ thể, hiệu quả để thực hiện một thử nghiệm lớn hơn", bà Linda cho biết.
Một thử nghiệm lớn hơn sẽ được thực hiện với 5.400 người tại 4 địa điểm ở Nam Phi vào tháng 11/2016 và kéo dài trong 3 năm. Một liều vắc xin thứ 5 cũng sẽ được đưa ra trong niềm hy vọng bảo vệ lâu dài hơn. Nghiên cứu trước đó ở Thái ban đầu cho thấy vắc xin này có thể chống lại HIV tới 60% sau 1 năm, nhưng sau đó giảm xuống 31% vào cuối thử nghiệm. Nhóm nghiên cứu hy vọng phác đồ mới sẽ mang lại kết quả cao hơn. "Chúng tôi muốn nó có thể bảo vệ tới 60% và giữ nguyên mức đó lâu dài. Đó là lý do cần tới các chất bổ trợ", ông Anthony cho biết.
Theo bà Linda, nghiên cứu hy vọng điều này có thể trở thành phác đồ vắc xin được cấp phép đầu tiên trên thế giới. Nhưng nếu không được, bà cũng mong kết quả sẽ cung cấp những bằng chứng cần thiết để các nhà sản xuất và quản lý vắc xin nghiên cứu thêm.