Hãy công bằng hơn khi nói về thu nhập của bác sĩ. Chẳng có ai biếu bác sĩ 10.000 đô la bao giờ cả, cho dù bác sĩ có cứu cả gia đình họ, cho dù bác sĩ có đi nghỉ ở Tuần Châu hoặc đi khám chữa bệnh ở Mèo Vạc hay Chắc Cà Đao.
Đại đa số các bác sĩ có thu nhập cao ở nước ta đều phải làm việc với thời gian và cường độ có thể nói gấp nhiều lần những người có thu nhập tương ứng ở nhiều ngành khác. Đồng tiền của các bác sĩ làm ra đều thấm đẫm mồ hôi, thậm chí có cả nước mắt trong đó.
Tôi lớn lên trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, lang thang sơ tán hết nơi này đến nơi khác. Vì những lí do đặc biệt, gia đình tôi không trở về Hà Nội khi hòa bình lập lại mà định cư luôn tại một vùng quê nghèo ở Miền Bắc cho đến năm 1975. Nhân viên y tế cao cấp nhất tôi được biết lúc bấy giờ là một ông y tá già. Tôi không biết ông được đào tạo ở đâu, làm việc ở đâu, chỉ biết khi nào bệnh nặng lắm người ta mới đến gặp ông. Ngôi nhà ông ở khá khác biệt so với những ngôi nhà khác. Trước sân và xung quanh trồng toàn hoa với những bông thược dược to như cái dĩa, đủ thứ màu sắc. Giữa cái thời mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc, giữa cái nơi mà con người ta phải chạy ăn từng bữa, ông cứ như một ông tiên, ung dung, đĩnh đạc.
Chỉ đến khi ba tôi bị chấn thương cột sống, tôi mới biết là trên đời này còn có những nhân viên y tế cấp cao hơn y tá. Những năm cuối học trường Y, tôi quen biết với nhiều bác sĩ, được các anh cho đến nhà chơi hoặc cho đi đến những gia đình khá giả xem những cuốn phim video đầu tiên du nhập vào thành phố, tôi bắt đầu biết chút ít về cuộc sống tiện nghi. Lúc đó, nhu cầu của tôi không cao, ăn cơm nhà, đi xe đạp, đa phần gởi xe không mất tiền, trực bệnh viện thì các anh trả tiền cho ăn tối, ăn sáng, uống cà phê khuya… thỉnh thoảng có đi chơi đâu các anh cũng không bao giờ để cho tôi phải trả tiền gì cả.
Ra trường, tôi được phân công về bệnh viện lớn. Tôi dự định lần đầu tiên lãnh lương sẽ mời các anh đi ăn sáng, một phần sẽ mang về chiêu đãi cả nhà một bữa ăn. Có 5 người đi ăn sáng cùng tôi, khi được biết tôi có ý định dùng tiền của tháng lương đầu tiên để mời các anh ăn sáng, các anh chỉ cười. Thật may là các anh thông cảm, vì tháng lương đầu tiên ấy của tôi không đủ trả cho 6 người ăn một bữa sáng. Đành phải lỗi hẹn với gia đình. Kể từ đó, áp lực cơm áo gạo tiền bắt đầu xuất hiện. Không ai đòi hỏi gì ở tôi, chẳng qua tôi tự thấy rằng mình đã lớn, đã là một bác sĩ, ít nhất thì cũng phải tự nuôi được mình.
Khi còn sinh viên, tôi được biết một vài bác sĩ vì muốn kiếm tiền mà bắt ép hoặc làm các “thủ thuật” để người bệnh phải trả tiền cho họ (hồi đó bao cấp, bệnh nhân gần như chưa phải trả tiền gì cho bệnh viện cả), và kết cục của họ đều không hay ho gì, đặc biệt, các đồng nghiệp rất coi thường họ. Tôi quyết định không đi theo con đường đó. Có mấy gia đình nhà giàu, có con gái tới tuổi cập kê, bắn tiếng sẽ cho nhà cao cửa rộng, tài sản này nọ nếu tôi đồng ý làm rể của họ. Một vài người bạn đã đi theo con đường này. Riêng tôi có lẽ không có “duyên” với con nhà giàu, những cô gái làm cho tôi rung động đều chỉ là con nhà nghèo.
Các anh khuyên tôi nên làm phòng mạch. Trước khi tôi ra trường, chỉ có bác sĩ chế độ cũ mới được phép làm phòng mạch. Tôi vẫn thường nói tôi là người may mắn. Khi tôi ra trường, nhà nước bắt đầu cân nhắc việc cho phép tất cả các bác sĩ làm phòng mạch ngoài giờ. Các anh chị quản lí ủng hộ tôi một cách vô tư, không một chút vụ lợi. Một gia đình bệnh nhân giúp tôi tìm địa đểm, thuê nhà, lại còn cho mượn một số tiền để làm vốn ban đầu. Tự mình tôi xoay trần ra cùng với cưa, bào, búa, đục, đóng được một cái phòng để làm chỗ khám bệnh.
Lại một lần nữa tôi may mắn. Bệnh nhân vừa đến khám bệnh, vừa chỉ cho tôi cách giao tiếp, cách thu tiền, cách tổ chức, còn góp ý cả về giá tiền thu nữa. Các anh thì chỉ dạy về chuyên môn, chẳng ai giấu tôi cái gì cả. Chủ nhà và những gia đình xung quanh luôn là những tình nguyện viên tiếp nhận bệnh nhân, nói chuyện với bệnh nhân khi tôi chưa có mặt. Khi đó, vì công việc ở bệnh viện rất bận rộn, tôi ít khi kết thúc công việc đúng giờ, thường phải đến phòng mạch khá trễ.
Tài sản đầu tiên tôi mua được bằng đồng tiền do tôi thực sự làm ra là chiếc đồng hồ báo thức. Kể từ đó, tôi tự trang trải cuộc sống của mình, lấy vợ, nuôi con, phụ giúp cha mẹ, các em. Một số tiền từ nguồn thu nhập phòng mạch được trích ra mua tài liệu, sách vở, mua một số dụng cụ để mổ cho bệnh nhân và chi trả cho các chi phí nghiên cứu. Ngoài phần tiền được các hội đoàn và các bệnh viện nước ngoài chi trả, toàn bộ số tiền còn lại phục vụ cho việc ra nước ngoài học của tôi cũng từ những thu nhập do phòng mạch mang lại.
Năm đầu tiên, tôi bị cắt lao động tiên tiến theo đề xuất của trưởng phòng tổ chức, lí do là “bảng phòng mạch to quá”. May mà sau đó việc làm phòng mạch chính thức được công nhận, cấp phép, và mọi người trong bệnh viện cũng thấy rằng chúng tôi (không phải riêng tôi) hoàn thành rất tốt các công việc của bệnh viện, thường xuyên dùng tiền cá nhân (đương nhiên là từ thu nhập phòng mạch) chi cho các nghiên cứu, mua dụng cụ mổ (lúc đó chưa có mổ dịch vụ, chỉ có mổ trong giờ thôi) nên không ai có ý kiến gì.
Năm tháng trôi qua, phòng mạch tôi thường xuyên đông đúc, thu nhập cũng khá dần lên. Tôi gần như không còn thời gian cho gia đình, bạn bè và công việc xã hội. Một đôi khi phòng mạch chiếm mất thời gian đọc sách nghiên cứu. Tôi thường xuyên phải thức rất khuya để hoàn tất các chương trình học tập, nghiên cứu. Rất nhiều bệnh nhân khi chứng kiến tôi làm việc đều phải nói làm bác sĩ vất vả quá, chỉ có vợ con của bác sĩ là sung sướng thôi. Nhưng thực tình mà nói thì vợ con bác sĩ cũng không sung sướng gì. Cuộc sống của họ cũng tràn ngập sự bất ngờ, giờ giấc đảo lộn theo những hoạt động bất thường của các bác sĩ. Rất hiếm có cơ hội để cho cả gia đình của một bác sĩ có phòng mạch được hưởng một kì nghỉ cùng nhau. Mỗi lần như vậy, mọi thứ phải chuẩn bị công phu từ mấy tháng trời, vậy mà các kì nghỉ trong mơ đó lại rất dễ bị hoãn lại vào giờ chót, chỉ vì một bệnh nhân của bác sĩ bị trở nặng không đúng lúc. Tỉ lệ li hôn của các bác sĩ, đặc biệt là trong nhóm các bác sĩ thành đạt trong chuyên môn là khá cao.
Một mặt, tôi cảm thấy khá thoải mái khi thu nhập đủ cho cuộc sống, cho các nhu cầu về sách vở, nghiên cứu, học hỏi, phát triển khả năng chuyên môn, còn có thể phụ giúp cho cha mẹ và các em. Mặt khác, phòng mạch chiếm hết thời gian và sức lực, dù muốn dù không, nó cũng tác động ít nhiều đến khả năng trau dồi nghề nghiệp, đến sự tận tụy cống hiến ở bệnh viện. Đa số các bác sĩ thành đạt với phòng mạch nhìn ra được điều này. Mặc dù vậy, họ vẫn phải duy trì phòng mạch như một phương cách kiếm sống, vì đồng lương chính thức không thể đủ cho họ tồn tại chứ chưa nói là sống. Họ giảm giờ làm việc, hạn chế số lượng bệnh nhân khám. Một số rất ít các bác sĩ thành đạt với phòng mạch quên mất công việc ở bệnh viện, lao vào làm giàu. Trong khi đó, đa số các bác sĩ ở các bệnh viện tuyến huyện và một số bệnh viện tư nhân nhỏ, mới thành lập đều có khó khăn trong cuộc sống, mà đối với họ, điều kiện để làm phòng mạch thành công là rất ít, gần như mọi thứ đều phải trông chờ vào đồng lương.
Nhìn các bác sĩ ở các nước tiên tiến cùng chuyên ngành, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Họ cũng vất vả, cũng làm việc nhiều hơn người bình thường, nhưng họ có thời gian nghỉ, họ có lịch nghỉ hè, nghỉ đông, du lịch, hội nghị… Họ có đủ thời gian dành cho gia đình và các hoạt động xã hội. Thu nhập của họ thì rất cao, một số có thể có máy bay riêng, cho dù họ không thông minh hơn, cũng chẳng giỏi hơn chúng tôi bao nhiêu và sự vất vả thì thua xa chúng tôi.
Khi bước ra tư nhân, tôi luôn tâm niệm làm sao để cho các bác sĩ đủ sống mà không phải làm phòng mạch. Không nhất thiết các bác sĩ phải có vila, xe sang hay máy bay, và tôi nghĩ không có bác sĩ nào đặt mục tiêu đó khi hành nghề y cả. Thế nhưng, với yêu cầu cực kì cao ở đầu vào trường y, với hàng chục năm học hành cường độ rất cao, họ xứng đáng có được một cuộc sống tương đối tươm tất so với mặt bằng chung của xã hội mà không phải bươn chải đến mức không còn thời gian cho cuộc sống riêng của mình. Các bác sĩ ở chỗ tôi hiện không phải làm phòng mạch, thế nhưng họ không biết đến nghỉ trưa, thường xuyên phải ở lại sau giờ làm việc chính thức, về đến nhà cũng không được thoải mái nghỉ ngơi vì thường xuyên phải tư vấn cho bệnh nhân qua điện thoại khi bệnh trở nặng hoặc có dấu hiệu bất thường, ngay cả lúc nửa đêm.
Hiện nay, ở hầu hết các cở sở y tế nhà nước và không ít cơ sở y tế tư nhân , đồng lương chính thức của các bác sĩ không thể nào đủ trang trải cho một cuộc sống ở mức tương đối tằn tiện. Có thể có một số bác sĩ có thu nhập cao nhờ moi móc tiền từ bệnh nhân, nhưng số này nếu có cũng không thể nhiều được. Đa số phải lao vào phòng mạch, phải làm thêm ở nhiều phòng khám tư, bệnh viện tư khác nhau, phải “chạy sô” hết chỗ này đến chỗ khác để có thể có thêm thu nhập cho gia đình và cho bản thân.