Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ phạm khiến nhiều bệnh nhân tiểu đường bị loét bàn chân

Bệnh lý bàn chân ở người mắc tiểu đường nếu không được điều trị có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng như liệt, nhiễm trùng, loét, hoại tử.

Tiểu đường là tình trạng rối loạn chuyển hóa carbonhydrat, có đặc điểm tăng glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, tác động của insulin, hoặc cả hai. Theo Liên đoàn Tiểu đường Quốc tế (International Diabetes Federation), ước tính năm 2020, thế giới có khoảng 462 triệu bệnh nhân bị tiểu đường. Dự kiến, năm 2030, con số này có thể đạt đến hơn 700 triệu người, tăng 51%.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, khoảng 50% bệnh nhân mắc tiểu đường gặp các vấn đề về tổn thương thần kinh. Trong đó, dây thần kinh ở bàn chân, cẳng chân bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Tại Việt Nam, 17% bệnh nhân nhập viện là do biến chứng ở bàn chân. Số liệu từ Bệnh viện Việt Đức cho thấy tỷ lệ phải cắt cụt chân do biến chứng tiểu đường còn cao hơn số bệnh nhân bị tai nạn giao thông, sinh hoạt.

Nguyên nhân

Biến chứng bàn chân ở bệnh nhân tiểu đường có nhiều cấp độ như rối loạn cảm giác, hình thành mảng chai sần, thiếu dinh dưỡng dẫn đến loét, hoại tử, biến dạng chân.

Nguồn gốc sinh ra biến chứng bàn chân đến từ 3 yếu tố. Trước hết, đường huyết tăng cao đi kèm các tổn thương mạch máu tới chân. Nó làm giảm máu nuôi bàn chân, khiến vết thương chậm lành và lan rộng. Trường hợp bị tắc mạch hoàn toàn, bàn chân hoặc vùng ngón chân có thể bị hoại tử, buộc phải can thiệp ngoại khoa như cắt cụt chi, hay tháo khớp.

Ngoài ra, tổn thương thần kinh (cảm giác, vận động, thực vật) còn làm giảm khả năng nhận biết cơn đau, nóng, lạnh. Bệnh nhân khó cảm nhận vết thương, xước ở chân. Khi một vết xước nhỏ không được phát hiện để xử lý kịp thời sẽ dễ dẫn đến nhiễm trùng và loét bàn chân bệnh tiểu đường.

benh nhan tieu duong bi loet ban chan anh 1

Bệnh nhân tiểu đường dễ gặp biến chứng ở bàn chân như rối loạn cảm giác, hình thành mảng chai sần, thiếu dinh dưỡng dẫn đến loét, hoại tử, biến dạng... Ảnh: Getty.

Yếu tố thứ 3 là bệnh nhân tiểu đường dễ bị nhiễm trùng do hệ miễn dịch bị suy giảm. Đường trong máu cao là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn. Hệ miễn dịch suy giảm khiến cơ thể nếu bị vi khuẩn tấn công sẽ khó chống đỡ, dễ gây nhiễm trùng, vết thương khó lành.

Các tổn thương ở bàn chân thường diễn biến chậm, mạn tính. Bệnh nhân sẽ trải qua giai đoạn không có triệu chứng đến dấu hiệu mơ hồ, kéo dài. Người bị bệnh lý bàn chân khi mắc tiểu đường không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến loét, nhiễm trùng chân, thậm chí phải cắt cụt chi.

Triệu chứng và cách nhận biết

Biến chứng bàn chân ở bệnh nhân tiểu đường có thể nhận biết qua những triệu chứng như: Cảm giác ngứa ran hoặc kim châm (tê bì); đau rát hoặc âm ỉ; rụng lông chân; mất cảm giác ở bàn chân hoặc chân; sưng tấy; chân không đổ mồ hôi; vết thương, xước lâu lành; chuột rút ở bắp chân khi nghỉ ngơi hoặc đi bộ.

Ngoài ra, một số người khi bệnh diễn biến nặng còn gặp phải tình trạng thay đổi màu sắc, hình dạng bàn chân; bàn chân lạnh hoặc nóng; vết thương hở bốc mùi; da khô nứt; móng chân dày, vàng hoặc mọc ngược; vết phồng rộp xuất hiện nhưng người bệnh không thể cảm nhận.

benh nhan tieu duong bi loet ban chan anh 2

Thứ tự kiểm tra cảm giác ở chân của người bị tiểu đường. Ảnh: Diabetes UK.

Biến chứng bàn chân ở người mắc tiểu đường có thể điều trị hay không phụ thuộc lớn vào giai đoạn phát hiện. Tổ chức Diabetes (Anh) đã chỉ ra một số cách phát hiện bệnh nhân gặp phải biến chứng ở bàn chân.

Với bài kiểm tra này, người nhà sẽ chạm vào 6 ngón chân (3 ngón trên mỗi bàn chân) và bệnh nhân viết ra giấy vị trí mà họ cảm nhận được. Mỗi lần chạm sẽ nhẹ và không quá một giây. Chúng ta cũng không nên chạm nhiều hơn một lần với từng ngón chân.

Để thực hiện, bệnh nhân cởi tất, giày và thư giãn bằng cách nằm trên sofa hoặc giường. Bạn sẽ giúp bệnh nhân phân biệt trước đâu là chân bên phải, đâu là chân bên trái. Sau đó, người bệnh nhắm mắt. Khi kiểm tra, bạn chạm vào các ngón chân theo thứ tự: Ngón cái chân phải, ngón út chân phải, ngón cái chân trái, ngón út chân trái, ngón giữa chân phải, ngón giữa chân trái.

Bệnh nhân bị mất cảm giác bàn chân sẽ không thể trả lời chính xác các vị trí trên. Khi đó, chúng ta nên tới gặp bác sĩ để được thăm khám và có biện pháp điều trị phù hợp.

benh nhan tieu duong bi loet ban chan anh 3

Phát hiện sớm bệnh lý ở bàn chân giúp người mắc tiểu đường hạn chế các biến chứng đáng tiếc. Ảnh: Freepik.

Các phòng ngừa

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, để phòng ngừa và phát hiện sớm các biến chứng ở bàn chân, bệnh nhân tiểu đường nên kiểm tra bộ phận này mỗi ngày, xem có vết xước, mẩn đỏ, sưng tấy hoặc bất kỳ thay đổi bất thường hay không.

Mỗi ngày, chúng ta nên rửa chân bằng nước ấm. Tuy nhiên, tuyệt đối bạn không nên ngâm chân. Sau khi rửa, chân cần được lau khô hoàn toàn, thoa kem dưỡng, trừ phần kẽ các ngón chân.

Bệnh nhân tiểu đường không nên đi chân đất, luôn mang giày, vớ, dép đi trong nhà để tránh bị thương. Giày nên được chọn vừa chân. Móng chân cũng cần được cắt gọn gàng, thẳng hàng để tránh tình trạng móng mọc ngược và đâm vào thịt. Khi bị các vết thương, vết chai trên chân, bệnh nhân không được tự lý cắt bỏ vì có thể làm bỏng da, nhiễm trùng...

Điều quan trọng cuối cùng là luôn giữ cho máu lưu thông tới chân tốt nhất, nên tập massage, hoạt động các ngón chân vài phút/lần, vài lần/ngày hoặc bơi lộ, đi bộ.

Cứu bệnh nhân bị sốc tim

Cụ ông 88 tuổi nhập viện trong tình trạng chóng mặt, khó thở, đau tức ngực trái.

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm