Mới đây, Ladbible đưa tin về Klyde Warren, nữ nhà văn tự do ở Nebraska (Mỹ), có bộ râu rậm rạp như nam giới từ năm 15 tuổi. Klyde Warren không phải phụ nữ duy nhất trên thế giới có râu, lông mọc nhiều trên cơ thể. Theo Guardian, nghiên cứu cho thấy tỷ lệ phụ nữ bị rậm lông là 1/14.
Tất cả phụ nữ đều có râu, lông trên mặt, cơ thể. Khác với nam giới, hầu hết lớp lông trên mặt và cơ thể phái nữ thường sáng màu và mịn. Chúng còn được gọi với cái tên khác là lông tơ.
Tuy nhiên, không ít phụ nữ lo lắng khi lông mọc quá nhiều hoặc râu rậm rạp trên khuôn mặt, cánh tay, lưng, ngực, chân. Chứng rậm lông ở phụ nữ (hirsutism) đến từ nhiều nguyên nhân.
Klyde Warren quyết định để râu dài, rậm từ năm 15 tuổi. Ảnh: Mercury Press & Media. |
Mất cân bằng nội tiết tố nam
Phụ nữ bị rậm lông, mọc râu dài trên mặt thường liên quan nội tiết tố nam androgen (bao gồm cả testosterone) trong cơ thể. Theo tạp chí Da liễu Ấn Độ, chứng rậm lông ảnh hưởng 5-10% phụ nữ trên thế giới và có xu hướng di truyền. Vì vậy, bạn có thể bị rậm lông nếu mẹ, bà hoặc trong gia đình có tiền sử phụ nữ mắc chứng tương tự. Phụ nữ gốc Nam Á, Trung Đông, Địa Trung Hải cũng có nguy cơ nhiều hơn.
Những người này có lượng nội tiết tố androgen trong cơ thể cao hơn mức bình thường. Tất cả phụ nữ đều sản xuất nội tiết tố androgen. Tuy nhiên, đa số nồng độ của loại hormone này trong cơ thể phái nữ khá thấp. Vì một số lý do, quá trình sản xuất androgen bị ảnh hưởng, khiến cơ thể sản sinh nhiều hơn bình thường. Điều này khiến các vùng da như nách, khuôn mặt, lưng, ngực, chân, của họ rậm rạp hơn.
Ở nam giới, sản xuất quá nhiều androgen cũng gây hiện tượng mọc lông rậm tương tự. Đi kèm với nó là nam giới có giọng thấp, trầm hơn. Lông, râu rậm rạp không nguy hiểm cho sức khỏe của phụ nữ. Tuy nhiên, nó xuất phát từ sự mất cân bằng nội tiết tố thì bạn nên đi kiểm tra để tránh những ảnh hưởng tiêu cực.
Hội chứng buồng trứng đa nang
Buồng chứng đa nang (PCOS) là nguyên nhân phổ biến nhất gây rậm lông ở phụ nữ, khiến không ít người thậm chí mọc râu dài, đen như nam giới. Đây là thủ phạm gây ra gần 35% các ca rậm lông ở phụ nữ trên thế giới.
Bệnh xảy ra ở những phụ nữ dư thừa hormone sinh dục nam. Trong khi đó, lượng hormone sinh dục nữ không đủ. Với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, tỷ lệ mắc hội chứng buồng trứng đa nang là từ 6% đến 10%.
Các u nang lành tính hình thành trên buồng trứng có thể ảnh hưởng việc sản xuất hormone, dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt không đều, giảm khả năng sinh sản. Phụ nữ mắc hội chứng này sẽ khó mang thai, tăng cân, rụng tóc, da dầu hoặc mọc nhiều mụn trứng cá, rậm lông ở mặt, ngực, lưng, mông, mệt mỏi, đau đầu và vùng xương chậu, thay đổi tâm trạng, "cô bé" khô hạn...
Khảong 35% phụ nữ bị rậm lông quá mức là do hội chứng buồng trứng đa nang. Ảnh: MSD Manuals. |
Theo Viện nghiên cứu sức khỏe Mỹ, những năm 1990, các bác sĩ chủ yếu chẩn đoán phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang dựa vào những triệu chứng như rậm lông, mụn trứng cá, hói đầu kiểu nam giới.
Theo tổ chức Dịch vụ Y tế Anh, đây là hội chứng chưa tìm ra nguyên nhân. Các bác sĩ khuyến cáo những người bị tiểu đường type II, béo phì, cholesterol cao có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn. Ngoài ra, hội chứng này còn liên quan nồng độ hormone bất thường trong cơ thể, insulin cao.
Rối loạn tuyến thượng thận
Ngoài những nguyên nhân trên, mất cân bằng ở tuyến thượng thận cũng gây phát triển quá mức lông, râu, tóc trên cơ thể. Rối loạn tuyến thượng thận bao gồm ung thư thượng thận, có khối u, tăng sản, bệnh Cushing…
Tuyến thượng thận là cơ quan nằm ngay trên thận, chịu trách nhiệm sản xuất hormone. Những người bị tăng sản thượng thận bẩm sinh sẽ không có enzyme cần thiết để sản xuất hormone. Người mắc bệnh Cushing có mức cortisol cao hơn bình thường khiến họ căng thẳng gấp nhiều lần. Tất cả điều kiện này đều gây ảnh hưởng cách cơ thể sản xuất nội tiết tố androgen.
Người bị rối loạn tuyến thượng thận còn gặp triệu chứng như huyết áp cao; xương và cơ yếu; trọng lượng thừa ở phần trên cơ thể; đau đầu; mất cân bằng lượng đường trong máu...
Mọc râu, rậm lông có thể do rối loạn hormone, nội tiết tố. Tình trạng này có thể gây ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng, do đó, chị em không nên bỏ qua. Ảnh: Freepik. |
Hội chứng “người sói”
Căn bệnh này còn có tên khoa học là Hypertrichosis, Ambras. Hội chứng “người sói” là bệnh do sự phát triển bất thường của râu, tóc và các khu vực khác trên cơ thể. Hội chứng này được xếp vào loại cực hiếm gặp với xác suất 1/1.000.000 người. Thế giới mới chỉ ghi nhận khoảng 50 người mắc tính từ thời Trung cổ. Ca mắc bệnh đầu tiên phát hiện từ thế kỷ XVI.
Đến nay, các chuyên gia y tế vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh Hypertrichosis. Một số giả thuyết đặt ra là do bẩm sinh, suy dinh dưỡng, phản ứng với thuốc mọc tóc, thuốc ức chế miễn dịch và steroid androgenic. Hiện tại, không có phương pháp trị tận gốc bệnh này.
Ngoài những yếu tố trên, nhiều phụ nữ mọc râu, lông rậm rạp có thể do tự phát, tăng prolactin trong máu hoặc dùng các thuốc nội tiết kéo dài như trị liệu androgen (nội tiết tố nam), steroid (K-cort, dexamethason, prednisolon), minoxidil (kích thích mọc tóc), cyclosporine (loại ức chế miễn dịch, thường được dùng trước khi cấy ghép nội tạng), thuốc tránh thai… Đặc biệt, một số trường hợp không thể xác định nguyên nhân. Tình trạng này thường mạn tính và khó điều trị.