Trứng nhiễm khuẩn Salmonella có thể gây ngộ độc nguy hiểm, đặc biệt đối với người già và trẻ nhỏ. Ảnh minh họa: Unsplash. |
Mới đây, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) vừa phát cảnh báo về nguy cơ nhiễm khuẩn Salmonella từ trứng gà khiến ít nhất 65 người ở 9 tiểu bang bị bệnh, trong đó có 24 trường hợp phải nhập viện.
Một trang trại lớn tên Milo's Poultry Farms ở Bonduel, Wisconsin buộc phải thu hồi toàn bộ trứng gà và ngừng sản xuất mặc dù con số chính xác vẫn chưa được thông báo. Người tiêu dùng được khuyến cáo nên vứt bỏ bất kỳ quả trứng nào mang nhãn hiệu Milo's Poultry Farms hoặc Tony's Fresh Market.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Salmonella "thủ phạm" số một gây ra bệnh tiêu chảy trên toàn cầu, trong đó có nhiều vụ ngộ độc quy mô lớn.
Làm thế nào trứng nhiễm khuẩn Samonella?
Theo Live Science, Phó Giáo sư Benjamin Chapman, chuyên gia an toàn thực phẩm tại Đại học bang North Carolina (Mỹ), cho biết với trứng, việc nhiễm khuẩn Salmonella thường xảy ra bên trong con gà.
Salmonella có thể xâm nhập vào buồng trứng, sau đó là trứng trong quá trình hình thành quả trứng. Điều đó có nghĩa là ngay cả quả trứng có vẻ bình thường cũng có thể chứa Salmonella ẩn bên trong.
Nhiễm khuẩn cũng có thể xảy ra sau khi trứng được đẻ. Khi đó, con gà nhiễm Salmonella trong ruột và thải ra qua phân, vi khuẩn có thể bám ra bên ngoài vỏ trứng trong quá trình làm tổ. Do đó, để giảm nguy cơ nhiễm Salmonella từ vỏ trứng, Bộ Nông nghiệp Mỹ yêu cầu trứng phải được rửa sạch trước khi bán.
Tuy nhiên, theo ông Chapman, ngay cả khi đã áp dụng các biện pháp an toàn, ước tính có khoảng 1/20.000 - 1/10.000 quả trứng bị nhiễm Salmonella. Đó là lý do CDC khuyến cáo nên nấu trứng cho đến khi cả lòng đỏ và lòng trắng đều chín hẳn.
Cơ quan y tế khuyến cáo nên nấu chín kỹ nguy cơ nhiễm vi khuẩn Salmonella từ trứng. Ảnh: Shutterstock. |
Triệu chứng khi nhiễm khuẩn Salmonella
Theo Mayo Clinic, Salmonella gây ra tình trạng nhiễm khuẩn đường ruột. Các triệu chứng thường xuất hiện khoảng 12-72 giờ sau khi ăn thực phẩm bị nhiễm bẩn.
Các triệu chứng thường gặp là đau bụng, tiêu chảy, sốt, buồn nôn, nôn, ớn lạnh, đau đầu. Hầu hết người khỏe mạnh sẽ hồi phục trong vòng vài ngày đến một tuần mà không cần điều trị cụ thể.
Trong một số trường hợp, tiêu chảy có thể gây mất nước nghiêm trọng, lúc này, người bệnh cần được chăm sóc y tế kịp thời. Một số loại Salmonella gây ra bệnh thương hàn, loại bệnh dễ gây nguy hiểm tính mạng và phổ biến ở các nước đang phát triển.
Trong trường hợp hiếm gặp, nhiễm khuẩn Salmonella có thể khiến sinh vật xâm nhập vào máu, gây các bệnh nghiêm trọng hơn như nhiễm trùng động mạch, viêm nội tâm mạc và viêm khớp.
Nên gọi cho bác sĩ hoặc đi khám nếu người bệnh bị:
- Tiêu chảy không cải thiện sau 3 ngày (trẻ nhỏ là sau 1 ngày).
- Nôn mửa kéo dài hơn 2 ngày (trẻ sơ sinh là hơn 12 giờ, trẻ dưới 2 tuổi là 1 ngày).
- Có dấu hiệu mất nước, bao gồm đi tiểu ít hoặc không đi tiểu, khát nước quá mức, miệng rất khô, chóng mặt hoặc choáng váng hoặc nước tiểu rất sẫm màu.
- Sốt cao hơn 39 độ C.
- Phân có máu.
Các triệu chứng thường gặp khi ngộ độc Salmonella bao gồm đau bụng, tiêu chảy, sốt, buồn nôn, nôn mửa. Ảnh minh họa: Thestateman. |
Theo CDC, một số trường hợp có nguy cơ cao bị nhiễm Salmonella và tiến triển bệnh nặng, bao gồm:
- Trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh (dưới 12 tháng tuổi), có nguy cơ nhiễm khuẩn cao nhất.
- Người mắc các bệnh như HIV/AIDS, bệnh hồng cầu hình liềm, sốt rét.
- Người đang dùng các thuốc như corticosteroid hay thuốc chống thải ghép sau khi cấy ghép nội tạng.
- Trẻ sơ sinh, người từ 65 tuổi trở lên và những người có hệ miễn dịch yếu có nhiều khả năng bị nhiễm trùng nặng nhất.
Cách phòng nhiễm khuẩn Salmonella khi ăn trứng
Một số lời khuyên dưới đây giúp mọi người giảm nguy cơ nhiễm vi khuẩn Salmonella từ trứng:
- Mua trứng từ các cửa hàng và nhà cung cấp có bảo quản trứng trong tủ lạnh.
- Bảo quản trứng trong tủ lạnh ở nhiệt độ dưới 4,5 độ C.
- Loại bỏ những quả trứng đã nứt.
- Nấu trứng cho đến khi cả lòng đỏ và lòng trắng đều chín hẳn.
- Nấu các món trứng có chứa thịt hoặc gia cầm ở nhiệt độ từ 74 độ C.
- Nấu các món trứng không chứa thịt hoặc gia cầm ở nhiệt từ độ 71 độ C.
- Ăn hoặc làm lạnh trứng và thực phẩm có chứa trứng ngay sau khi nấu. Làm lạnh chúng trong vòng 2 giờ hoặc 1 giờ nếu trứng tiếp xúc với nhiệt độ trên 32 độ C (như trên ôtô nóng hoặc đi dã ngoại).
- Dùng xà phòng và nước để rửa tay và các vật dụng tiếp xúc với trứng sống (mặt bàn, đồ dùng, bát đĩa và thớt).
Trong nhiều năm hành nghề y và từng giữ chức trưởng khoa dinh dưỡng của một bệnh viện lớn, tác giả Hạ Manh đã điều trị hơn 10.000 ca bệnh liên quan đến chế độ ăn uống không lành mạnh. Cuốn sách "Ăn chuẩn ít bệnh" (tập 1) được viết ra từ những kinh nghiệm chuyên môn của vị bác sĩ này, mang đến cho người bệnh những kiến thức hữu ích về dinh dưỡng, xây dựng chế độ ăn hợp lý.