Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thu Phương ôm chặt Khánh Ly trên sân khấu

Nữ ca sĩ sinh năm 1972 không giấu niềm xúc động khi ngồi dưới hàng ghế khán giả, theo dõi từng tiết mục của Khánh Ly trong đêm nhạc tối 9/5 tại Hà Nội.


Tối 9/5, Thu Phương về Việt Nam cùng chồng là Dũng Taylor (Dũng "đen") để tới dự đêm nhạc của Khánh Ly tại Trung tâm hội nghị Quốc Gia, Hà Nội.  
Thu Phương ôm chầm lấy Khánh Ly sau khi buổi diễn kết thúc. Còn Khánh Ly lại âu yếm, trìu mến gọi Thu Phương là "con gái tôi đấy". Theo lời chia sẻ của Hà Anh Tuấn, Khánh Ly rất yêu thích giọng ca của Thu Phương và ngược lại, nữ ca sĩ gốc Hải Phòng vô cùng cảm mến tiếng hát Khánh Ly. 
Ngồi trên hàng ghế đầu, Thu Phương say sưa nghe Khánh Ly hát. Lúc nhắm mắt ngẫm theo từng giai điệu, lời ca của nhạc Trịnh, khi hào hứng, vỗ tay không ngớt dành cho giọng ca đã bước sang tuổi 70. 
Sân khấu của đêm nhạc Live concert Khánh Ly tại Hà Nội được đạo diễn Phạm Hoàng Nam thiết kế đơn giản với những vòng tròn đồng tâm tạo hiệu ứng thị giác. Xen kẽ là màn hình điện tử để chiếu những hình ảnh phông nền cũng như các tư liệu quý giá về cuộc đời Khánh Ly và Trịnh Công Sơn. 
Ngoài Khánh Ly, chương trình còn có sự xuất hiện của 4 nam ca sĩ khách mời. Trong đó, Quang Thành - học trò của Khánh Ly, song ca cùng bà trong ca khúc viết về tình phụ tử Ca dao mẹ. Khánh Ly tâm sự: "Tôi là một người mẹ, trước đó, tôi cũng đã là con của một người mẹ. Tôi hiểu tình cảm của người mẹ dành cho những đứa con của mình, có những đứa con hạnh phúc, có những đứa con bất hạnh và cả những người con nằm lại trong lòng quê hương...". Thưở thiếu thời, Khánh Ly từng có một tuổi thơ không mấy hạnh phúc khi sống cùng mẹ và cha dượng. Bà thường xuyên phải chịu những trận đòn vô cớ. Để rồi mỗi khi bị đánh, bà thường nén nhịn và chui vào góc nào đó để khóc một mình. 
Với Thái Châu, Khánh Ly ngọt ngào và hòa quyện trong tình khúc Niệm khúc cuối của Ngô Thụy Miên. Ca khúc với giai điệu và lời ca ngọt ngào giống như lời hẹn ước trăm năm của đôi lứa. Khánh Ly chia sẻ, bà yêu thích giọng hát của Thái Châu từ năm 1969, khi được nghe ông hát ca khúc Lần đầu cũng là lần cuối
Tình cảm quê hương, đất nước dạt dào được Khánh Ly gửi trọn trong Xin cho tôi - hát cùng Hà Anh Tuấn. Người nghe đôi lúc nổi da gà vì những tầng lớp cảm xúc dâng trào trong bài hát. 
Hai giọng ca thuộc hai thế hệ khác nhau, hòa quyện và ăn ý trong một tình khúc da vàng, mà sợi dây nối kết lại là những cuộn trào tình yêu quê hương.
Trong phần hát solo của mình, Hà Anh Tuấn thể hiện ca khúc mà Khánh Ly say mê từ nhỏ - Áo anh sứt chỉ đường tà (Phạm Duy). Khánh Ly kể lại mối duyên với nhạc Phạm Duy: "Từ khi còn là một đứa bé 8 tuổi, chạy dọc theo phố Hàng Bông, tôi đã mê mẩn những ca khúc viết về em gái quê, bà mẹ quê, mà không biết đấy là những sáng tác của ai. Mãi sau này mới biết đó là của nhạc sĩ Phạm Duy". Những sáng tác của cố nhạc sĩ đã len lỏi vào tâm hồn Khánh Ly, ươm mầm một tình yêu dành cho âm nhạc, thi ca từ những ngày thơ bé. 
Khánh Ly thể hiện Tuổi đá buồn  - một ca khúc khiến bà gợi nhớ về khoảng thời gian học giáo lý tại Nhà thờ Chánh Tòa (nay là Nhà thờ Con Gà) ở Đà Lạt. "Tôi từng hỏi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về ý nghĩa của hình ảnh giáo đường xuất hiện trong ca khúc. Ông có trả lời tôi rằng, giáo đường ở đây không mang nặng yếu tố tôn giáo, mà đó là giáo đường tình yêu. Để cho những ai yêu nhau hay đau khổ vì chuyện tình cảm đều có thể bước tới giáo đường này". 
Danh ca Tuấn Ngọc song ca cùng Khánh Ly trong nhạc phẩm Hãy yêu nhau đi.
Tuấn Ngọc tiết lộ, ông biết Khánh Ly từ lâu, hát chung với nhau từ thưở bé. "Cả hai hát chung với nhau đến khi người ta mời chúng tôi rời khỏi ban Nhi đồng vì cả hai đều đã qua cái tuổi đấy. Sau này, tôi và chị Khánh Ly cũng có nhiều dịp đi hát cùng ở nhiều nơi". Danh ca hải ngoại dí dỏm nói tiếp: "60 năm mới trở về nơi chôn rau cắt rốn, được khán giả yêu thế này thì quá hạnh phúc".
Đêm nhạc Khánh Ly khép lại, khán giả vỗ tay tán thưởng không ngớt sau mỗi phần trình diễn của bà. Giọng ca sinh năm 1945 bộc bạch: "Tôi ước ao có một lần nào đó được hát đến khi nào tắt tiếng luôn thì thôi, giống như ngày hôm nay. Tất cả những ca sĩ, nhạc sĩ, không chỉ riêng tôi, họ hát không phải vì tiền đâu, cũng không phải vì để gọi là ca sĩ, mà chỉ vì cái lòng đam mê". 

Hoàng Ca

Ảnh: Tuấn Đào, Lý Võ Phú Hưng

Bạn có thể quan tâm