Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thứ trưởng Bộ Y tế: 'Đeo khẩu trang không đúng cách có thể lây bệnh'

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn chứng từ WHO: "Không cần đeo khẩu trang y tế vì chưa có bằng chứng khoa học cho thấy có lợi ích bảo vệ với những người không bị bệnh".

Khẩu trang không phải cứu tinh chống lại virus corona Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định không cần đeo khẩu trang y tế vì chưa có bằng chứng khoa học cho thấy có lợi ích bảo vệ với những người khỏe mạnh khỏi virus corona.

Virus corona (2019-nCoV) lan rộng đã lan rộng đến gần 30 nước và vùng lãnh thổ với hơn 24.000 người nhiễm. Việt Nam đã ghi nhận 10 trường hợp dương tính với virus corona. Vì vậy, đeo khẩu trang được xem như một cách phòng ngừa loại virus nguy hiểm này. Tuy nhiên, đây có phải "vị cứu nhân" giúp người dân tránh hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm virus corona?

Bộ Y tế khuyến khích sử dụng khẩu trang ở nơi đông người

Trong buổi họp báo thông tin về dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona gây ra của Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long dẫn khuyến cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới WHO: "Không cần đeo khẩu trang y tế vì chưa có bằng chứng khoa học cho thấy có lợi ích bảo vệ với những người không bị bệnh". Điều này có nghĩa là khoa học chưa chứng minh được khẩu trang có thể ngăn ngừa virus corona.

Theo ông Long, rất may là virus corona nhạy cảm với ánh sáng, nhiệt độ, tia cực tím. Đồng thời, nó rất sợ gió, tức là môi trường thông thoáng khí. Vì vậy, ông cũng khuyên phải mở các cửa sổ để tạo thông thoáng khí, và ở những môi trường tự nhiên nắng gió như miền Nam, Tây Nguyên, không nhất thiết phải sử dụng khẩu trang, đặc biệt là khẩu trang y tế.

Thứ trưởng cũng cũng cho rằng khẩu trang không phải là giải pháp dành cho mọi người và khuyên người dân nên theo khuyến cáo của WHO. "Sử dụng khẩu trạng tùy vào văn hóa và để đảm bảo sức khỏe, phòng một số bệnh. Đặc biệt dự phòng cho việc phát tán mầm bệnh từ chính mình ra môi trường xung quanh. Điều đó có nghĩa khuyến khích sử dụng khẩu trang ở những nơi đông người, bến tàu xe. Bộ Y tế cũng đã đưa ra khuyến cáo với người dân khi nào sử dụng khẩu trang y tế hay khẩu trang thông thường", Thứ trưởng Long thông tin.

Trích dẫn câu nói của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long: "Không nên quá trông cậy quá nhiều vào khẩu trang, gây ra những an toàn giả tạo, không cần thiết và tốn kém, lãng phí", Thứ trưởng Long cảnh báo: "Khi chúng ta đeo không đúng cách, nó có thể lây bệnh".

Không có khẩu trang nào ngăn cản hoàn toàn mầm bệnh

Theo bác sĩ PGS.TS.BS Huỳnh Wynn Trần, Los Angeles, California, Mỹ, cho đến nay, các nghiên cứu nhận thấy sự lây lan của nCoV thường qua đường hô hấp, có phần giống SARS 2003.

Một nghiên cứu từ Viện Khoa Học Trung Quốc năm 2004 đăng trên tạp chí Antiviral Therapy, cho thấy kích cỡ của virus corona trong dịch SARS năm 2003 là 150 nm-200 nm. Để so sánh, virus cúm Influenza A (cúm Flu) là 80 nm-120 nm. Như vậy, nCoV "mập" hơn Influenza A. Những nghiên cứu khẩu trang trên Influenza A có thể áp dụng vào virus corona. Để bạn dễ hình dung, một chuỗi DNA ở người trung bình dài khoảng 2,5 nm, cho thấy kích cỡ hai loại virus này rất nhỏ.

Hai loại khẩu trang thông dụng trên thị trường để phòng ngừa lây lan bệnh cúm là khẩu trang y tế và N95.

Bác sĩ Huỳnh Wynn Trần cho hay sau đại dịch cúm 1918 Spanish Flu, khẩu trang y tế được dùng rộng rãi như một cách ngăn ngừa cúm. Đây là loại khẩu trang không đeo khít mặt, mỏng, bán đại trà. Đeo khẩu trang y tế nên đeo có mặt màu ra bên ngoài (do có tính chống nước), mặt trắng (có hút ẩm) bên trong, và che hoàn toàn miệng, mũi. Khẩu trang này khi tháo ra chỉ nên dùng tay tháo dây, không dụng vào phần che mũi miệng và bỏ ngay vào thùng rác.

khau trang nao ngan can hoan toan mam benh anh 1

Li Zichao là một trong hai người đầu tiên dương tính với virus corona tại Việt Nam. Ảnh: Lê Quân.

N95 là khẩu trang đeo khít mặt dành cho công chúng và cho nhân viên y tế làm việc, tiếp xúc trong môi trường có khả năng lây nhiễm cao. Chữ 95 trong N95 nghĩa là khi dùng đúng cách, mặt nạ có khả năng ngăn ngừa đến 95% các hạt có kích cỡ 0,3 micro (300 nm).

Do kích cỡ của Influenza A (120 nm) và virus corona (200 nm) đều nhỏ hơn kích cỡ lọc của N95 nên hiệu quả lọc của N95 không cao. Một điểm khác là khẩu trang N95 không dùng cho trẻ em và người có nhiều râu. N95 dùng cẩn thận với người có các bệnh về suyễn, tim mạch, hay hô hấp mạn tính.

Đồng quan điểm, ông Trương Hoàng Hưng, bác sĩ Nhi khoa và giảng dạy lâm sàng tại Texas Tech University (TTU), Texas, Mỹ, cho biết nhiều nghiên cứu tìm hiểu hiệu quả của khẩu trang y tế và N95 trong việc ngăn ngừa các hạt kích cỡ nano (cỡ virus). Ví dụ, nghiên cứu do bác sĩ Balazy năm 2005 về N95 cho thấy ở tốc độ thổi 30 L/phút, khẩu trang N95 có 0,5% đến 2,5 % hạt nano vượt qua. Khi tăng tốc độ thổi lên 85 L /phút, N95 có đến 0,5%-5% hạt nano xuyên qua. Với khẩu trang y tế, tỷ lệ xuyên qua là 2%-15% (có loại 20-80%) ở tốc độ thổi 30L/phút, tỷ lệ xuyên qua tăng lên 5-21% (có loại 30-85%) khi tăng tốc độ thổi lên 80 L/phút.

Nhiều người cho rằng N95 lọc tốt hơn khẩu trang y tế nên ngừa lây nhiễm tốt hơn? Bác sĩ Hoàng Hưng nhận định không hẳn vậy.

"Kích thước virus nhỏ hơn khả năng lọc của hai loại nên đều có khả năng xuyên qua chúng. Tuy nhiên, virus trong không khí thường không đi một mình mà nằm trong các hạt chất tiết li ti trong đàm nhớt. Kích thước các hạt này lớn hơn, đều bị chặn lại bởi hai loại. Vì vậy, lợi thế về khả năng lọc của N95 không quá cao. N95 kín hơn nên có thể giúp hạn chế hít các hạt nước chứa virus trong không khí. Điều này là đúng, nhưng chỉ khi đeo N95 đúng cách và không có kẻ hở giữa khẩu trang và da mặt", bác sĩ Hưng nói.

Vì vậy, N95 có khả năng ngừa lây nhiễm bệnh cao hơn khẩu trang y tế khoảng 10-20% (trên nghiên cứu với virus cúm mùa). Chỉ khi kết hợp với rửa tay, khả năng ngừa bệnh mới tăng lên 30%.

Cả hai chuyên gia này cùng khẳng định không có loại khẩu trang nào ngăn cản hoàn toàn mầm bệnh.

Đeo khẩu trang trong trường hợp nào?

Có người cho rằng chỉ ở gần người bệnh mới cần đeo khẩu trang. Thực tế không phải vậy. Người bệnh chắc chắn cần sử dụng khẩu trang, mỗi lần ho hay hắt hơi sẽ phát tán hàng chục nghìn con virus vào không khí. Người không mắc bệnh nên đeo khẩu trang khi phải làm việc hay đi vào môi trường có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Khẩu trang giúp ngăn chặn các chất tiết như nước bọt bắn vào mặt hay vào không khí xung quanh khi người bệnh xung quanh ho khạc.

khau trang nao ngan can hoan toan mam benh anh 2

Khẩu trang chỉ là một trong các biện pháp để ngăn ngừa giọt bắn của người xung quanh ho, hắt hơi, khạc nhổ bám vào. Ảnh: Quỳnh Trang

TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, Mỹ, cho biết khẩu trang chỉ là một trong các biện pháp để ngăn ngừa giọt bắn của người xung quanh ho, hắt hơi, khạc nhổ bám vào.

Người dân cần đeo khẩu trang khi:

- Tiếp xúc trực tiếp với người bệnh truyền nhiễm.

- Trong môi trường có khả năng tiếp xúc virus gây bệnh qua đường hô hấp, vùng dịch vì nguy cơ gặp người bệnh xung quanh cao.

- Phải sống, sinh hoạt trong một không gian kín với thời gian kéo dài như xe buýt, máy bay.

- Đám đông trong vùng dịch.

Bác sĩ Hoàng Hưng khuyến cáo nên sử dụng N95 trong môi trường nguy cơ cao. Tuy nhiên, nếu không có, khẩu trang y tế vẫn rất tốt. N95 chỉ nên sử dụng một ngày rồi bỏ. Khi sử dụng khẩu trang quá đắt tiền, người dùng thường có xu hướng dùng lại. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh vì virus bám mặt ngoài lại có cơ hội nhiễm vào mũi miệng người dùng. Lúc này, không phải bạn đang ngừa bệnh mà là nuôi vi trùng rồi hít đi hít lại.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo chỉ những người chăm sóc, điều trị bệnh nhân, đi vào ổ dịch mới dùng khẩu trang N95, mặc đồ bào hộ đặc biệt. Người dân không nên quá hoang mang.

Tuy nhiên, trong trường hợp không mang khẩu trang theo bên người mà muốn ho, hắt hơi, PGS Huỳnh Wynn Trần hướng dẫn người dân nên dùng khăn giấy che miệng và mũi, không dùng tay che hoặc ho vào khuỷ tay. Nếu không che miệng, virus có thể đi xa hơn 3 m (11 feet). Che miệng bằng tay, virus vẫn có thể len qua khe ngón tay. Che bằng khuỷ tay, virus có thể đi xuống đất hoặc dính vào quần áo.

Nếu khẩu trang bằng vải, sau khi dùng xong phải ngâm trong dung dịch chloramine B 0,5% hoặc nước javel để sát trùng. Sau đó, ta có thể dùng lại.

Khẩu trang chỉ là 1 trong 3 biện pháp để phòng lây nhiễm ra cộng đồng

Nghiên cứu từ bệnh viện Đại học Michigan, Mỹ, năm 2010 cho thấy rửa tay và với đeo khẩu trang có thể giảm bệnh cúm hữu hiệu (31-51%). Như vậy, chỉ dùng khẩu trang (cho dù loại N95 hay loại thường) vẫn không hiệu quả mà cần phải kết hợp với rửa tay và các biện pháp phòng ngừa khác.

Trong Hướng dẫn Chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi cấp do chủng virus corona mới (nCoV) của Bộ Y tế cũng cho thấy đeo khẩu trang chỉ là 1 trong 3 biện pháp phòng lây nhiễm ngoài cộng đồng.

Người dân cần đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế ngay khi có triệu chứng hô hấp. Ngoài ra, người dân nên tuân thủ các biện pháp vệ sinh cá nhân như rửa tay sạch thường xuyên bằng xà phòng và nước, hoặc bằng dung dịch rửa tay có cồn, đặc biệt sau khi ho, hắt hơi hoặc chùi mũi. Che mũi, miệng khi có ho và hắt hơi, vứt khăn giấy lau mũi, miệng vào thùng riêng có lắp đậy.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên có để độ ăn uống đầy đủ, không hút thuốc lá. Trong việc vệ sinh môi trường, người dân nên lưu ý duy trì không khí nơi ở hoặc nơi làm việc tốt, tránh tiếp xúc, tụ tập nơi đông người, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi, động vật hoang dã. Tiêm phòng vắc xin đầy đủ, uống nhiều nước và tập thể dục thường xuyên để tăng sức đề kháng trước virus.

khau trang nao ngan can hoan toan mam benh anh 3
Đồ họa: Minh Hồng.
Chuyên gia WHO hướng dẫn đeo khẩu trang y tế đúng cách Ông Seto Wing Hong, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết khẩu trang y tế có tác dụng phòng dịch bệnh hiệu quả nếu được sử dụng đúng cách.

Nhiều bệnh nhân nhiễm virus corona ở Việt Nam được xuất viện

Tính đến 4/2, Việt Nam ghi nhận 10 trường hợp dương tính với virus corona. Trong đó, 3 bệnh nhân âm tính với nCoV đã được xuất viện sau khi điều trị.

Tuệ Anh - Phương Mai

Bạn có thể quan tâm