Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thứ trưởng Bộ Y tế: 'Phải bảo vệ chiến sĩ áo trắng không bị thương'

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn cho biết y bác sĩ mắc Covid-19 có khu cách ly riêng để đảm bảo thời gian hồi phục, sớm quay trở lại tham gia chống dịch.

Chỉ trong 11 ngày, Đà Nẵng phát hiện 139 người nhiễm virus SARS-CoV-2. Trao đổi với báo chí bên lề buổi làm việc tại một số cơ sở y tế tư nhân và bệnh viện dã chiến ở Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, đánh giá tình hình dịch Covid-19 phức tạp và khó lường.

Cách ly riêng nhân viên y tế mắc Covid-19

- Từ ngày 25/7 đến nay, 8 nhân viên y tế đã mắc Covid-19. Theo ông, chúng ta nên làm gì để bảo vệ y bác sĩ khi họ là những người phải điều trị cho bệnh nhân?

- Trong cuộc chiến chống Covid-19, thầy thuốc làm việc tại các bệnh viện là chiến sĩ ở tuyến đầu. Việc bảo vệ cho "chiến sĩ áo trắng" không bị thương rất quan trọng. Tại Đà Nẵng, một số nhân viên y tế mắc bệnh, tôi rất buồn vì điều đó.

Tuy nhiên, đây là những bệnh nhân mắc Covid-19 trước khi phát hiện ra ca đầu tiên (BN416). Sau đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo cho ngành y tế Đà Nẵng tăng cường đảm bảo môi trường an toàn cho bệnh viện, người bệnh, người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế.

Nhân viên bệnh viện muốn an toàn phải đảm bảo đủ đồ bảo hộ và tuân thủ đúng quy trình chống nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường, khử khuẩn, lau chùi bề mặt thường xuyên trong bệnh viện cũng cần đúng quy trình.

- Đà Nẵng có thiếu đồ bảo hộ, khẩu trang y tế?

- Hiện tại, theo dự trù của các sở y tế, đặc biệt là Sở Y tế Đà Nẵng và Bộ Y tế, trong giai đoạn một, kho dự trữ quốc gia đảm bảo đủ đồ bảo hộ. Đối với phương án dài hơi, các cơ sở trong nước cũng được huy động để tăng cường sản xuất khẩu trang, trang phục phòng hộ và nhận sự hỗ trợ từ cộng đồng.

- Các y bác sĩ mắc Covid-19 được điều trị như thế nào?

- Nhân viên y tế mắc bệnh cũng sử dụng trang thiết bị, phác đồ như những bệnh nhân khác. Tuy nhiên, chúng ta có khu cách ly riêng để đảm bảo thời gian hồi phục, giúp sớm đưa y bác sĩ quay trở lại hoạt động bình thường, phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Chong dich Covid-19 o Da Nang anh 1

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam đang phức tạp, khó lường. Ảnh: T.D.

Xây dựng bệnh viện dã chiến là quyết định sáng suốt

- 3 bệnh viện lớn bị phong tỏa, ngành y tế Đà Nẵng có gặp khó khăn?

- Bệnh viện C, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng bị phong tỏa, tạo áp lực lớn cho ngành y tế thành phố này. Chúng tôi đã đề xuất với lãnh đạo Sở Y tế Đà Nẵng tận dụng các hệ thống bệnh viện nói chung, đặc biệt bệnh viện tư nhân tham gia tiếp nhận, khám, chữa bệnh.

- Đà Nẵng đang khẩn trương xây dựng bệnh viện dã chiến. Bộ Y tế có sự hỗ trợ ra sao?

- Việc quan trọng nhất khi xây bệnh viện dã chiến là đảm bảo an toàn cho người bệnh. Quy trình tiếp nhận, xử lý, điều trị, bố trí phân luồng cần thực hiện hợp lý nhất để đảm bảo điều kiện môi trường y tế an toàn, nhân viên thuận lợi khi khám, chữa bệnh.

Chúng tôi đã đi thị sát hiện trường của bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn ở Đà Nẵng. Theo tôi, đây là quyết định kịp thời, sáng suốt của lãnh đạo thành phố và sở y tế. Việc lắp đặt vách ngăn các giường bệnh cũng được triển khai khẩn trương, quyết liệt.

Chúng tôi thường xuyên cử người ở bộ phận thường trực của Bộ Y tế tại Đà Nẵng đến giám sát, xây dựng bệnh viện theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Chong dich Covid-19 o Da Nang anh 2
Số bệnh nhân mắc Covid-19 mới được phát hiện tại Đà Nẵng từ 25/7 đến 4/8. Đồ họa: Minh Hồng.

- Nhân sự của bệnh viện dã chiến được huy động từ đâu?

- Sở Y tế Đà Nẵng sẽ là nơi điều động nhân lực. Bộ Y tế cũng điều động một bác sĩ, một chuyên gia hỗ trợ bệnh viện. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ ngành y tế Đà Nẵng, đưa nhân lực vào bệnh viện dã chiến.

- Khi tình hình dịch bệnh phức tạp hơn, vượt quá khả năng của bệnh viện dã chiến này, chúng ta có phương án dự phòng nào khác?

- Thành phố đã có kế hoạch chuẩn bị cho phương án người bệnh tăng lên, vượt quá khả năng của bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn. Thành phố sẽ tiếp tục sử dụng khu triển lãm để xây dựng bệnh viện dã chiến.

- Người dân Đà Nẵng nên làm gì để bảo vệ bản thân trước virus SARS-CoV-2?

- Tại Đà Nẵng, chúng ta đang cố gắng tận dụng mọi nỗ lực để khoanh vùng những điểm có bệnh nhân dương tính, phân loại, cách ly đối tượng F1. Tôi hy vọng công cụ quan trọng là xét nghiệm trong cộng đồng sẽ tiếp tục phát hiện ra F1, cách ly bệnh nhân, để ca mới không lây lan.

Tình hình dịch hiện nay rất phức tạp, khó lường, nhiều bệnh nhân nặng, tử vong, chúng tôi xin khuyến cáo người dân Đà Nẵng cần tuân thủ Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Người dân thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội, người cách người, nhà cách nhà.

Đà Nẵng đang có những thiết bị hiện đại nhất được đưa vào điều trị như máy thở, máy ECMO, máy lọc thận chậm. Đây là những phương tiện rất cần thiết cho việc hồi sức, cấp cứu bệnh nhân diễn biến nặng. Vì vậy, người dân không nên quá lo sợ. Chúng ta sẽ tiếp tục ứng dụng thành tựu nghiên cứu trên thế giới để phát hiện nhanh những trường hợp dương tính, cứu chữa bệnh nhân nặng.

Việc cần làm khi Covid-19 bùng phát trở lại Bộ Y tế khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài, rửa tay thường xuyên, hạn chế tụ tập nơi đông người để ngăn ngừa nhiễm bệnh khi đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại.

Thêm 10 ca mắc Covid-19 liên quan Bệnh viện Đà Nẵng

Thông báo sáng nay (4/8) của Bộ Y tế cho hay Việt Nam ghi nhận thêm 10 ca mắc Covid-19, đều liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng.

Tuấn Dũng - Phương Anh

Bạn có thể quan tâm