Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết để sẵn sàng cho công tác tiếp nhận, điều trị người mắc Covid-19, TP.HCM đã xây dựng mô hình điều trị "tháp 5 tầng". Trong đợt dịch bùng phát lần 4, Bộ Y tế đã có nhiều thay đổi trong phương pháp điều trị Covid-19.
F0 diễn biến nặng sau vài giờ
Trao đổi với báo chí chiều 27/7, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TP.HCM, nhận định công tác điều trị Covid-19 trong giai đoạn hiện nay có nhiều thay đổi, đặc biệt với bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Theo thứ trưởng, thông qua những thay đổi trong y văn, theo các nghiên cứu, khuyến cáo của tài liệu y khoa, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và thực tiễn tại Việt Nam, sự lây lan nhanh của chủng Delta gây nhiều khó khăn trong công tác điều trị.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn (giữa) trao đổi tình hình điều trị Covid-19 với TS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (phải) và bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (trái). Ảnh: Duy Hiệu. |
"Chủng Delta lây lan nhanh, đã có những F0 chuyển nặng trong khoảng vài giờ dù không có triệu chứng trước đó. Nhiều F0 chuyển nặng gây khó khăn cho ngành y tế. Do đó, việc theo dõi, chăm sóc F0 không triệu chứng rất quan trọng, đặc biệt tại tầng 1 và tầng 2", Thứ trưởng nhận định.
Bên cạnh đó, về cơ chế bệnh sinh, các nhà khoa học cũng đã phát hiện nhiều thay đổi. Từ đó, phương pháp điều trị Covid-19 tại Việt Nam cũng có những can thiệp sớm hơn. Cụ thể, các bệnh viện dã chiến tiếp nhận, điều trị Covid-19 không triệu chứng cũng được trang bị oxy. Một số đơn vị sẵn sàng sử dụng máy oxy dòng cao, máy thở hiện đại. Điều này nhằm tránh để người bệnh rơi vào suy hô hấp.
Ngoài ra, trong điều trị, một số loại thuốc cũng được khuyến cáo sử dụng sớm hơn như kháng đông, Corticoid... Trước đó, những thuốc này được sử dụng ở giai đoạn muộn. Bên cạnh đó, các loại thuốc như kháng sinh, kháng nấm, hệ thống lọc máu liên tục, hệ thống hồi sức người bệnh được đưa vào sử dụng sớm hơn.
Dịch tại TP.HCM vẫn phức tạp
"Chủng Delta nguy hiểm và trước số ca mắc tăng nhanh, khó có thể cầu toàn, đâu đó, vài trường hợp F0 trở nặng mà ngành y tế trở tay không kịp. Điều này phụ thuộc vào thời gian phát hiện sớm những dấu hiệu chuyển nặng và khả năng đáp ứng của ngành y tế", ông nói.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn trao giấy ra viện cho một người vừa điều trị khỏi Covid-19 và chuẩn bị xuất viện. Ảnh: Duy Hiệu. |
Theo Thứ trưởng Sơn, khi người bệnh Covid-19 có triệu chứng gọi điện thoại đến ngành y tế, phải có người tư vấn, nhân viên y tế đến nhà thăm khám và chuyển họ đến cơ sở y tế. Đây là điều rất cần thiết.
"Tôi nghĩ rằng trong thời gian tới, hệ thống y tế hoạt động đồng bộ, hy vọng người dân được chăm sóc tốt hơn", Thứ trưởng nói.
TP.HCM đã và đang thay đổi nhiều chiến lược trong truy vết, xét nghiệm, cách ly và điều trị Covid-19. Thành phố triển khai mô hình điều trị Covid-19 "tháp 5 tầng", trong đó, 2 tầng dưới cùng có nhiệm vụ theo dõi, chăm sóc F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ và vừa. Các bệnh viện tầng hơn cao là các đơn vị chuyên khoa, Bệnh viện Hồi sức Covid-19, Chợ Rẫy, Bệnh viện Quân y 175.
"Chủng Delta nguy hiểm và trước số ca mắc tăng nhanh, khó có thể cầu toàn, đâu đó, vài trường hợp F0 trở nặng mà ngành y tế trở tay không kịp"
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn
Với việc triển khai chiến lược xét nghiệm mới, nhờ giãn cách xã hội, hầu hết người dân đã ở nhà nên có thể vẫn còn nhiều F0 chưa được phát hiện.
Trong khi đó, một số cơ sở cách ly F1 và F0 không triệu chứng hiện tại được giải phóng. Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ xây dựng đủ cơ sở cách ly cho bệnh nhân không triệu chứng.
Dự đoán về khả năng kiểm soát dịch trong 2 tuần tới, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng việc đưa ra thời gian cụ thể trong tình hình này rất khó. Nguyên nhân là dịch đang diễn biến rất phức tạp.
"Nhưng với tất cả biện pháp cùng với giãn cách xã hội, chúng ta có thể giảm được dịch. Sự chấp hành nghiêm chỉnh của người dân hay kiểm soát chính quyền và việc tham gia vào cuộc của hệ thống y tế là những điều rất quan trọng", Thứ trưởng cho hay.
Ông nhận định nếu đáp ứng tốt, dịch sẽ giảm. Khi đáp ứng không tốt hoặc do ý thức người dân hay yếu tố bên ngoài, có thể thành phố vẫn phải sẵn sàng, chủ động kéo dài thêm thời gian giãn cách.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.