Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại TP.HCM, cho biết Bộ đã chuyển khẩn cho thành phố 800.000 liều vaccine để mở rộng chiến dịch tiêm chủng.
Sớm tiêm vaccine cho người lao động
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết TP.HCM là địa phương được ưu tiên phân bổ số lượng lớn nhất cả nước. Ông đề nghị thành phố sớm đẩy nhanh công tác tiêm chủng theo Nghị quyết 21 của Chính phủ.
"Ngoài các trường hợp được ưu tiên theo quy định, thời gian tới, TP.HCM cần tập trung tiêm vaccine cho các công nhân, người lao động ở khu công nghiệp", ông nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế để hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu. |
Thứ trưởng cũng đánh giá TP.HCM có năng lực tiếp nhận vaccine Covid-19 cao nhất cả nước. Với 800.000 liều, các kho chứa của Viện Pasteur TP.HCM có năng lực tiếp nhận, bảo quản số vaccine này.
Ngoài ra, để triển khai tiêm chủng rộng rãi, thành phố có thể huy động lực lượng quân đội, đại học y, bệnh viện từ Trung ương đến địa phương và các trạm y tế phường, xã. Ngoài ra, ngành y tế cần sẵn sàng tổ chức các điểm lưu động để đảm bảo triển khai tiêm vaccine trong thời gian ngắn nhất.
Giáo sư Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết trong thời gian tới, khi TP.HCM được Chính phủ thông qua cơ chế tự quyết về vaccine, số lượng được nhập về có thể rất lớn.
“Thành phố cần tính toán đến kế hoạch tiêm chủng cho toàn dân trong thời gian sớm nhất để đạt được độ bao phủ miễn dịch trong cộng đồng. Trước đó, thành phố cần tính phương án tổ chức, tiếp nhận, bảo quản thật tốt, không gây tình trạng quá tải”, GS Lân nói.
Đồ họa: Bích Huệ. |
Về tình hình dịch tại TP.HCM, Thứ trưởng Sơn cho rằng thành phố đã xây dựng các kịch bản ứng phó trong tình huống số ca vượt mốc 1.000 và cao hơn.
"Các phương án về cách ly, điều trị hiện nay đã được tính toán, chuẩn bị sẵn sàng và không có chuyển biến đột ngột. TP.HCM có nhiều đặc điểm khác biệt so với các tỉnh. Chỉ tính riêng quận Gò Vấp vừa trải qua Chỉ thị 16, hệ quả để lại đã rất lớn. Nếu áp dụng cả thành phố, ảnh hưởng kinh tế - xã hội sẽ rất lớn", Thứ trưởng nói.
Vì vậy, ông khẳng định trong thời gian tới, khi có số lượng vaccine về nhiều, Bộ Y tế sẽ ưu tiên phân bổ cho TP.HCM và Hà Nội để tăng cường độ bao phủ miễn dịch. Hiện tại, chủ trương chung của Chính phủ và ngành y tế là cố gắng cho toàn dân tiếp cận vaccine càng nhanh, càng nhiều càng tốt.
Thiếu nguồn cung vaccine
Về nguồn cung ứng vaccine Covid-19, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định: “Trong thời điểm hiện nay, tôi nghĩ tiền chúng ta chưa chắc thiếu, hay doanh nghiệp nhập khẩu chúng ta cũng không thiếu, mà vấn đề là chỉ thiếu nguồn cung cấp”.
Ông cho biết vaccine ngừa Covid-19 đang được phân bổ theo nguyên tắc đảm bảo công bằng cho tất cả quốc gia. Do đó, doanh nghiệp nếu tiếp nhận vaccine thì chỉ có số lượng nhỏ lẻ.
Chuyến bay chở lô vaccine Covid-19 đầu tiên hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Duy Hiệu. |
"Con đường chính thống nhập khẩu vaccine về Việt Nam vẫn là nguồn viện trợ từ Tổ chức COVAX Facility. Cơ chế này được thiết lập nhằm đảm bảo cho các quốc gia được tiếp cận công bằng với vaccine Covid-19. Hoặc nguồn cung từ doanh nghiệp thông qua cam kết của Chính phủ. Nếu doanh nghiệp tự chủ thì vẫn có được vaccine nhưng số lượng rất nhỏ", ông nói.
Ngoài ra, vị lãnh đạo này cũng cho biết khi tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu nhập vaccine về nước phải tuân thủ quy định pháp luật, trong đó có quy định về xuất nhập khẩu vaccine, kho lưu trữ trên lãnh thổ Việt Nam. Các trường hợp được tiêm chủng đều phải tuân theo quy định của Chính phủ.
Do đó, chúng ta có thể giải quyết việc tự chủ tìm nguồn cung vaccine trên địa bàn một thành phố, còn trên toàn quốc, việc này phải thông qua điều phối của Bộ Y tế.
Chia sẻ với Zing, một chuyên gia dịch tễ cho rằng vaccine luôn là giải pháp tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan của virus, đặc biệt ở địa phương dễ xảy ra bùng phát dịch bệnh như TP.HCM. Hiện tại, việc phân bổ vaccine cho thành phố khá thấp so với tỷ lệ dân số. Trong khi đó, thành phố có đủ năng lực tiếp nhận, vận chuyển, lưu trữ và phân phối vaccine.
"Việc bổ sung vaccine sớm nhất cho TP.HCM sẽ mang lại hiệu quả phòng, chống dịch tối ưu. Một thành phố lớn có độ bao phủ vaccine tốt thì không chỉ bảo vệ người dân ở đây mà cũng là bảo vệ cho sự an toàn của các tỉnh, thành khác", chuyên gia này nhấn mạnh.
Hiện tại, sau 3 đợt phân bổ vaccine Covid-19 theo kế hoạch của Bộ Y tế, TP.HCM tiếp nhận hơn 140.000 liều. Số lượng người được tiêm chủng là hơn 74.000. Thành phố có 7,2 triệu dân từ 18 tuổi trở lên. Như vậy, tỷ lệ người trong độ tuổi này được tiêm chủng ở TP.HCM là 1,03%.
Theo công bố của Bộ Y tế, tính từ ngày 27/4 đến sáng 17/6, TP.HCM có tổng cộng 1.105 bệnh nhân Covid-19, xếp thứ 3 cả nước chỉ sau 2 điểm nóng Bắc Ninh, Bắc Giang.
Trong khi ổ dịch liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng cơ bản được kiểm soát, thành phố tiếp tục đối mặt nguy cơ mới từ các chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây. Đặc biệt, dịch đã xâm nhập nhiều bệnh viện lớn (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM).
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.