Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thứ trưởng GD&ĐT: 'Quy đổi điểm trúng tuyển khá đơn giản'

Theo thứ trưởng GD&ĐT, về mặt khoa học, tính toán, việc quy đổi tương đương điểm trúng tuyển khá đơn giản, các trường đều có thể làm được.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn. Ảnh: Trần Hiệp.

Chiều 3/4, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết năm nay, quy chế tuyển sinh đại học có hai điểm mới nổi bật là bỏ xét tuyển sớm và quy đổi tương đương điểm trúng tuyển.

Quy đổi điểm trúng tuyển để đảm bảo công bằng

Theo ông Sơn, đối với những ngành/chương trình đào tạo chỉ sử dụng một phương thức, các trường không cần thực hiện quy đổi.

Ngược lại, nếu một ngành có từ hai phương thức xét tuyển trở lên, các trường cần đặt ra câu hỏi "Vì sao điểm thi tốt nghiệp THPT lấy điểm chuẩn là 25/30 điểm, nhưng kỳ thi đánh giá năng lực lại lấy 120/150 điểm, trong khi học bạ là 24-26/30 điểm?”.

Lãnh đạo bộ khẳng định khi một ngành có nhiều phương thức xét tuyển, việc quy đổi điểm trúng tuyển phải thể hiện được sự tương đương về năng lực của thí sinh.

Đây là lý do Bộ GD&ĐT đưa ra yêu cầu về quy đổi điểm trúng tuyển giữa các phương thức xét tuyển.

Yêu cầu này xuất phát từ những bất cập lớn của các năm trước, khi các trường xét điểm chuẩn theo chỉ tiêu, nhưng việc phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức không có căn cứ khoa học rõ ràng.

"Rõ ràng, việc đưa ra điểm chuẩn dựa trên phân tích và quy đổi tương đương sẽ khoa học và công bằng hơn nhiều so với việc quyết định điểm chuẩn dựa trên phân bổ chỉ tiêu", ông Sơn nói.

Cũng theo thứ trưởng, quy chế tuyển sinh mới không bắt buộc các trường phải quy đổi tương đương cho tất cả phương thức xét tuyển, mà chỉ áp dụng trong phạm vi cùng một ngành hoặc chương trình đào tạo có nhiều phương thức xét tuyển.

Có ý kiến cho rằng không thể quy đổi giữa các kỳ thi có bản chất đánh giá khác nhau. Ví dụ, kỳ thi ACT, SAT, TSA, HSA khác với kỳ thi tốt nghiệp THPT, làm sao quy đổi chính xác?

Bộ GD&ĐT đồng ý với quan điểm này. Nếu các kỳ thi đánh giá các năng lực hoàn toàn khác nhau, rõ ràng không thể dùng các phương thức khác nhau đó để đánh giá năng lực của thí sinh vào cùng một ngành; chỉ có thể dùng cho nhiều ngành khác nhau với yêu cầu khác nhau.

Ngược lại, nếu các phương thức dùng để xét thí sinh vào một ngành thì phải đặt ra yêu cầu giống nhau (hoặc chỉ khác nhau một phần nhỏ). Các phương thức có thể khác nhau về cách đánh giá nhưng phải đánh giá được cùng một năng lực cốt lõi của thí sinh.

"Đây là nguyên tắc để đảm bảo công bằng trong xét tuyển. Vì vậy, điểm chuẩn trúng tuyển phải quy đổi được”, thứ trưởng nhấn mạnh.

Trước lo ngại việc quy đổi điểm có thể ảnh hưởng đến quyền tự chủ của các trường, ông Sơn khẳng định tự chủ không có nghĩa là tùy ý, mà phải đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch và có trách nhiệm giải trình.

Các trường vẫn có quyền quyết định phương thức xét tuyển, nhưng bộ sẽ hướng dẫn việc quy đổi điểm để đảm bảo các phương thức xét tuyển trong cùng một ngành có sự tương đồng về đánh giá năng lực thí sinh.

Quy đổi điểm không phức tạp

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay có nhiều phương pháp quy đổi điểm, bộ hướng dẫn các trường theo các cách chung nhất.

"Về mặt khoa học hay tính toán, việc quy đổi điểm khá đơn giản, các trường đều có thể làm được", ông Sơn nói.

Thứ nhất là sử dụng phương pháp phân vị. Từ nguồn dữ liệu các thí sinh tham gia nhiều phương thức xét tuyển khác nhau (điểm tốt nghiệp THPT, học bạ, đánh giá tư duy, đánh giá năng lực), trên cơ sở đó, đại học xác định mức điểm đạt top 1%, top 5% hay top 10% trong từng kỳ thi để tiến hành quy đổi tương đương.

Ví dụ, top 1% của kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội có thể tương đương với top 1% của kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Thứ hai là sử dụng phương pháp hồi quy tuyến tính. Các trường tiến hành chia khoảng điểm, tìm tương quan giữa các mức điểm của từng phương thức xét tuyển.

Ví dụ, nếu nhóm thí sinh đạt 20-21 điểm ở kỳ thi này tương đương với ngưỡng điểm 80-90 ở kỳ thi kia, có thể sử dụng mô hình hồi quy tuyến tính để tìm công thức chuyển đổi.

Công thức quy đổi có dạng y = ax + b, trong đó x là điểm thi của một phương thức, y là điểm quy đổi sang phương thức khác, a, b là các hệ số quy đổi.

Có nhiều phương pháp để quy đổi, nhưng nhìn chung, các trường đại học hoàn toàn có thể thực hiện được việc này một cách khoa học.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.

Công thức quy đổi điểm xét tuyển đại học của các trường ra sao?

Bộ GD&ĐT yêu cầu quy tắc quy đổi điểm tương đương phải đơn giản, dễ hiểu, thuận lợi cho việc áp dụng. Hiện, một số trường đã có công thức quy đổi dự kiến.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm