Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thứ trưởng GD: ‘Nên thi tốt nghiệp 4 môn’

Mặc dù Bộ GD - ĐT đưa ra hai phương án thi tốt nghiệp THPT, nhưng Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển lại bày tỏ quan điểm nghiêng về cách tổ chức thi 4 môn.

Trong buổi họp báo công bố dự thảo về thay đổi thi và đánh giá tốt nghiệp THPT chiều 2/1, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã giải đáp các thắc mắc xung quanh vấn đề này.

Phương án 4 môn thi tốt nghiệp THPT nhiều ưu điểm

- Trong hai phương án thi tốt nghiệp THPT được đưa ra trong dự thảo, Bộ GD - ĐT nghiêng về phương án nào?

- Chúng tôi nghiêng về phương án thi tốt nghiệp 4 môn. Trong đó, 2 môn bắt buộc là Văn, Toán; còn lại do thí sinh tự chọn (Vật lý, Hóa, Sinh, Địa, Lịch sử).

Ngoài ra, Ngoại ngữ chỉ là môn thi khuyến khích các em dự thi để được cộng điểm. Cụ thể, bài thi đạt 9 điểm trở lên sẽ được cộng 2 điểm; 7 điểm trở lên cộng 1,5 điểm; 5 điểm trở lên cộng 1 điểm.

Phương án này có ưu điểm là giảm áp lực cho học sinh, đảm bảo đánh giá môn Ngoại ngữ thực chất hơn, tạo điều kiện để Bộ và các trường có thời gian triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học theo yêu cầu của đề án ngoại ngữ 2020.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển tại buổi họp báo chiều 2/1.

- Hiện nay, giáo dục đang hướng tới đào tạo công dân toàn cầu. Để làm được điều đó, các trường phải chú trọng học ngoại ngữ. Tại sao Bộ GD - ĐT lại cho rằng môn thi này chỉ nên dùng để cộng điểm khuyến khích?

- Ngoại ngữ là công cụ rất cần thiết trong quá trình hội nhập. Tuy nhiên, Bộ GD - ĐT nhận thấy rằng việc kiểm tra như hiện nay không đánh giá thực chất trình độ ngoại ngữ của các em nên không cần thiết phải duy trì. Chúng tôi không coi nhẹ môn học này mà thậm chí còn khuyến khích các em học tốt vẫn có thể thi để được cộng điểm.

Sau khi áp dụng để án ngoại ngữ năm 2020, Bộ GD - ĐT sẽ thay đổi cách kiểm tra để đánh giá đầy đủ các kỹ năng của học sinh (nghe, nói, đọc, viết), thay vì chỉ chú trọng học ngữ pháp như hiện nay.

Học lệch chính đáng là điều tốt

- Bộ GD - ĐT có lo ngại nếu chỉ thi 4 môn, các em sẽ học lệch?

- Trong quy chế hiện hành, học sinh phải đạt được mức độ học lực yếu, hạnh kiểm khá vẫn được thi tốt nghiệp, nhưng thực tế cho thấy các em vẫn học lệch theo khối thi đại học.

Theo quan điểm của tôi, học lệch một cách chính đáng là điều tốt. Các em chỉ cần đảm bảo kiến thức cơ bản, còn theo ngành nghề nào thì cần chú trọng vào các môn học tương ứng. Chương trình mới của Bộ GD - ĐT sau khi tiến hành đổi mới cũng hướng tới điều đó. Nhưng các học sinh cần chú ý, điểm xếp loại tốt nghiệp THPT vẫn bao gồm tổng điểm cả năm lớp 12.

Theo quan điểm của Bộ GD - ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ nên thi 4 môn - Ảnh: Hoàng Hà.

- Cách đánh giá tốt nghiệp có sử dụng kết quả phổ thông này có đảm bảo tính khách  quan, công bằng?

- Chúng tôi cho rằng việc kiểm tra đánh giá là trách nhiệm của cả giáo viên, học sinh và phụ huynh. Thay đổi này sẽ tăng cường khả năng giám sát của đồng giáo dục và xã hội.  Nếu có bất cứ phản ánh tiêu cực nào, những ai làm sẽ phải trực tiếp chịu trách nhiệm.

- Bộ GD - ĐT dựa vào đâu để đưa ra con số 20% học sinh sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT?

- Theo kinh nghiệm, hàng năm con số học sinh đủ tiêu chuẩn miễn thi tốt nghiệp THPT còn nhiều hơn 20%. Vì vậy, dự thảo này yêu cầu các trường phải làm chặt chẽ hơn khi rút xuống chỉ còn 20%. Các đối tượng thuộc diện này cũng đều là những học sinh giỏi, nếu thi cũng đỗ. Vì vậy, việc miễn thi cho các em sẽ giảm nhẹ căng thẳng và khâu tổ chức cũng đỡ tốn kém hơn.

- Bộ GD - ĐT dự định thời điểm nào sẽ áp dụng thay đổi này?

- Sau khi công bố rộng rãi để xin ý kiến của dư luận, nếu đồng tình có thể áp dụng ngay trong 2014. Tôi nghĩ rằng điều đó cũng không có gì đột ngột đối với học sinh. Thực chất, mức độ yêu cầu của đề thi vẫn không có gì thay đổi.

Tốt nghiệp THPT tính luôn điểm tổng kết lớp 12

Theo dự thảo của Bộ GD - ĐT, việc xét tốt nghiệp sẽ bao gồm điểm trung bình các bài thi và điểm trung bình tổng kết lớp 12.

An Hoàng

Bạn có thể quan tâm