Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng chỉ đạo chấn chỉnh việc đào tạo tiến sĩ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ GD&ĐT có biện pháp tạo chuyển biến chất lượng giáo dục các cấp, đặc biệt là giáo dục đại học và sau đại học, chấn chỉnh việc đào tạo tiến sĩ.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 4/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Bộ GD&ĐT rà soát, chuẩn bị các điều kiện, tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016; có biện pháp tạo chuyển biến về chất lượng giáo dục ở các cấp, đặc biệt là giáo dục đại học và sau đại học, chấn chỉnh việc đào tạo tiến sĩ.

Trước đó, nhiều ý kiến nêu bất cập về chất lượng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam. Cụ thể, Học viện Khoa học Xã hội (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) có 350 chỉ tiêu tiến sĩ mỗi năm, được cư dân mạng ví là “lò đào tạo mỗi ngày cho ra một tiến sĩ”.

dao tao tien si anh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: 

Hoàng Hà.

Liên quan vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Quyền Vụ trưởng Vụ Đại học, Bộ GD&ĐT thông tin: Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ thống kê ở Việt Nam có hơn 24.000 tiến sĩ.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2015, Việt Nam có khoảng 15.000 tiến sĩ (bao gồm cả các giáo sư, phó giáo sư) công tác tại các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng thuộc ngành giáo dục.

Cũng theo bà Phụng, việc đánh giá luận án để cấp bằng là quyền tự chủ và trách nhiệm của cơ sở đào tạo; đánh giá cán bộ, công chức, người lao động… đang làm việc thuộc thẩm quyền của người sử dụng lao động.

Thời gian tới, các cơ sở đào tạo sẽ phải công khai thông tin về thành tích nghiên cứu khoa học, các nghiên cứu sinh đã và đang hướng dẫn… của những tiến sĩ làm việc tại cơ sở.

Theo nhóm dự án Trắc lượng Khoa học Việt Nam, năm 2011-2015, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam có 22 bài đăng trên các tạp chí khoa học được Viện Thông tin Khoa học (ISI) công nhận. Con số này được cho là quá ít.

GS.TS khoa học Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng quy chế đào tạo tiến sĩ hiện còn nhiều lỗ hổng. Nguyên nhân được đánh giá vì không có kế hoạch dài hạn về đào tạo. Ví dụ, chúng ta không thống kê từ nay đến năm 2020 mỗi ngành cần bao nhiêu tiến sĩ, bao nhiêu thạc sĩ, nên đào tạo có thể thừa, có thể thiếu. 

Bên cạnh đó, nhiều tiến sĩ nhưng trình độ không đúng tiến sĩ, không đúng tầm của một tiến sĩ nên dư luận kêu, có nghĩa đào tạo nhưng không dùng được.

Đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam ‘vàng thau lẫn lộn’

"Tình trạng tiến sĩ giấy đang gây tiếng xấu oan cho các nhà khoa học chân chính", TS Vũ Thu Hương, khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội, chia sẻ quan điểm.

 

Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm