Ngày 28/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng dẫn đầu đoàn kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao tại Bộ GD&ĐT và tiến độ rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh.
Thủ tướng biểu dương nỗ lực của Bộ GD&ĐT
Phát biểu mở đầu buổi kiểm tra, Tổ trưởng Tổ công tác truyền đạt ý kiến Thủ tướng ghi nhận sự cố gắng rất lớn của cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành giáo dục thời gian qua, nhất là tập trung cho xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, sửa đổi Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học.
Lãnh đạo bộ và cá nhân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có nhiều nỗ lực trong tiếp cận những xu thế mới của khu vực và thế giới để hội nhập và cải cách mạnh mẽ.
Thủ tướng cũng biểu dương những kết quả trong năm 2017 của ngành, như hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non; chất lượng giáo dục phổ thông tiếp tục được nâng lên.
Đặc biệt, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương, hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tinh giản và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Kỳ thi THPT quốc gia 2017 rất đổi mới.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng dẫn đầu đoàn kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao tại Bộ GD&ĐT và tiến độ rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh. Ảnh: Chinhphu.vn. |
Đổi mới giáo dục đạt nhiều kết quả, được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Đặc biệt, ngày 15/3 vừa qua, Ngân hàng Thế giới khẳng định 7 trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới nằm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, hệ thống giáo dục của Việt Nam và Trung Quốc có thể trở thành những bài học kinh nghiệm quan trọng cho các quốc gia khác trên thế giới.
Nhiều bất cập được khắc phục, như bộ đã tích cực, khẩn trương sửa đổi Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học. Cũng trong năm 2017, bộ đã hoàn thành 100% nhiệm vụ xây dựng văn bản.
Bộ đã có các quy định chấn chỉnh, nâng cao chất lượng giáo dục đại học và sau đại học, đây là vấn đề nhận được sự quan tâm rất lớn của xã hội. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục được chú trọng hơn.
Từ đầu năm 2017 tới ngày 15/3, Bộ GD&ĐT được giao 684 nhiệm vụ, đã hoàn thành 525 nhiệm vụ (trong đó hoàn thành quá hạn 51 nhiệm vụ), còn 156 nhiệm vụ chưa hoàn thành trong hạn.
“Như vậy, tỷ lệ nhiệm vụ hoàn thành quá hạn còn cao so với các bộ nhưng bộ đã có nhiều cố gắng”, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng đánh giá.
“Những kết quả này có vai trò của lãnh đạo bộ và cá nhân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ.
Nhiều vấn đề gây bức xúc
Thủ tướng cũng giao Tổ công tác truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về 6 vấn đề đang được dư luận rất quan tâm để bộ trưởng giải trình, báo cáo thêm, có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Thứ nhất, vấn đề tổ hợp đề trong tuyển sinh khi có tình trạng các ngành kỹ thuật, tài chính, ngân hàng… lại tuyển sinh qua các môn văn, sử, địa… Đây là việc khác so với trước đây nên được xã hội quan tâm, tuy đã giao quyền tự chủ cho các trường nhưng cũng phải xem xét, cân nhắc kỹ.
Thứ hai, vấn đề biên chế giáo viên. Tổ trưởng Tổ công tác nhắc tới một số vụ việc gần đây như 500 giáo viên Đắk Lắk mất việc làm; tình trạng giáo viên làm hợp đồng 10 năm nhưng lương thấp hơn lương cơ bản. Đây tuy không phải là trách nhiệm của Bộ nhưng Bộ có trách nhiệm kiểm soát chung.
Thứ ba, vấn đề nhức nhối của xã hội liên quan đạo đức, phẩm chất của nhà giáo, như tình trạng ép học sinh học thêm, bạo lực, chạy điểm, chạy trường, gây bức xúc cho xã hội. Đặc biệt, liên tục xảy ra các vụ việc xúc phạm danh dự nhà giáo, hành hung giáo viên.
“Bộ lên tiếng thế nào, cảnh báo thế nào, thái độ thế nào để việc này chấm dứt? Chúng ta rất buồn khi học sinh lớp 8 ở Bến Tre lên bục giảng hành hung giáo viên, xưa không có chuyện đó, mặc dù trước đây giáo viên dạy dỗ, rèn luyện học sinh rất khắt khe. Rồi các vụ việc ở trường Tiểu học Bình Chánh, giáo viên phạt học sinh quỳ rồi phụ huynh bắt giáo viên quỳ lại; rồi vụ việc bắt giáo viên đang có thai phải quỳ… Đây là những câu chuyện mà xã hội không thể chấp nhận được với một nghề cao quý là nhà giáo”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Thứ tư, dư luận rất quan tâm việc công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Một vấn đề nữa được Thủ tướng rất quan tâm, sau khi Thủ tướng làm việc với ĐH Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Đà Nẵng… với quyết tâm xây dựng các trường có thương hiệu nổi trội trong khu vực và quốc tế, thì đến nay Thủ tướng chưa nhận được báo cáo về tình hình thực hiện các kết luận của Thủ tướng.
Bộ trưởng GD&ĐT cần phối hợp các địa phương để tiến hành nhanh việc giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ chế thu hút đầu tư…
Vấn đề cuối cùng là công tác cải cách hành chính của bộ. Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao những đổi mới tích cực vừa qua nhưng cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là cơ chế một cửa, một cửa liên thông, bộ đang triển khai nhưng chưa hiệu quả lắm so với các bộ khác.
Bộ đề xuất cắt giảm 91 điều kiện kinh doanh
Nội dung lớn thứ hai của buổi kiểm tra là tình hình rà soát, lên phương án cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Thực hiện Luật Đầu tư năm 2014, bộ có 241 điều kiện kinh doanh, trong năm 2017 đã chủ động cắt giảm 29 điều kiện, đơn giản hóa 22 điều kiện, còn 212 điều kiện.
Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ, Chính phủ yêu cầu cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, cương quyết bãi bỏ các điều kiện không cần thiết, không hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Năm 2018, bộ dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa 91 điều kiện, chiếm 42,9%.
Tuy nhiên, “có thể thấy phương án của Bộ GD&ĐT đặt vấn đề cắt giảm, đơn giản hóa là chưa sát, chưa thực chất. Cần tiếp tục rà soát để đơn giản hóa nhất có thể. Không dùng các cụm từ khó hiểu để cán bộ thi hành công vụ vận dụng tự do mà phải lượng hóa, không đưa ra các tiêu chí chung chung”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ.
Tổ công tác đề nghị Bộ GD&ĐT thực hiện tốt chủ trương của Thủ tướng là đẩy mạnh cải cách, tạo niềm tin cho xã hội, nhà đầu tư. Đây chính là dư địa cho tăng trưởng, cho phát triển kinh tế - xã hội chứ không dựa vào khai khoáng, tăng trưởng tín dụng hay ưu đãi để tăng trưởng.