Trong bài phát biểu toàn quốc về tình hình Covid-19 sáng 9/10, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh rằng việc phong tỏa như vậy sẽ khiến người Singapore không thể tiếp tục cuộc sống, tham gia vào các hoạt động xã hội, mở cửa biên giới và phục hồi nền kinh tế, theo Straits Times.
Giới chức Singapore thông báo sẽ mở lại hành lang đi lại với Mỹ, Anh và 6 quốc gia khác đang sống chung với Covid-19, từ 19/10, theo SCMP.
Đảo quốc sư tử sẽ cùng 8 quốc gia phương Tây là Anh, Mỹ, Pháp, Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha, Canada và Đan Mạch, mở hành lang đi lại không cần cách ly với người đã tiêm ngừa vaccine Covid-19. Động thái này đánh dấu lần nới lỏng hạn chế lớn nhất của Singapore từ khi đóng của biên giới vào tháng 3/2020.
"Điều này gây ra căng thẳng tâm lý và khiến tinh thần mệt mỏi cho cả người dân Singapore và những công dân khác tại đây", ông Lý cho biết.
Thủ tướng Singapore cũng lý giải vì sao chiến lược "Zero Covid-19" không còn khả thi.
"Cách tiếp cận ban đầu là cố gắng ngăn người Singapore tiếp xúc với Covid-19 bằng cách thắt chặt các biện pháp phòng dịch, nhằm giảm các ca mắc xuống mức thấp", ông Lý nói, theo Straits Times.
"Khi chưa được tiêm phòng, người dân có ít hoặc không có miễn dịch chống lại Covid-19. Do đó, hậu quả của việc nhiễm bệnh rất nghiêm trọng", ông Lý cho biết.
Sẽ mất 3-6 tháng để đạt được “trạng thái bình thường mới"
Thủ tướng Singapore khẳng định chiến lược "Zero Covid-19" là cách làm đúng đắn và đã giúp "ngăn những thiệt hại lớn về nhân mạng như ở nhiều quốc gia khác".
Ông Lý Hiển Long phát biểu hồi tháng 5. Ảnh: MCI. |
Nhà lãnh đạo Singapore nói rằng Singapore sẽ mất từ 3 đến 6 tháng để đạt được “trạng thái bình thường mới”.
Thủ tướng Lý cho biết khi đó Singapore có thể nới lỏng các hạn chế và có các biện pháp kiểm soát khi số trường hợp mắc mới ổn định ở mức "hàng trăm ca một ngày" và "không tăng lên", theo Channel NewsAsia.
“Khi áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe giảm bớt, chúng ta có thể nới lỏng các hạn chế. Nhưng chúng ta sẽ làm điều đó một cách thận trọng để tránh xảy ra một làn sóng lây nhiễm mới", ông Lý khẳng định.
“Một vài quốc gia đã đạt được trạng thái này, ví dụ như ở châu Âu, nhưng họ đã phải trả giá đắt với nhiều sinh mạng", ông Lý cảnh báo.
Theo quy định, các bệnh viện cũng sẽ hoạt động "như bình thường", trong khi người dân có thể tiếp tục các hoạt động xã hội thời điểm trước đại dịch.
Yếu tố "thay đổi cuộc chơi"
Theo Thủ tướng Lý, vaccine đóng vai trò quan trọng, là "yếu tố thay đổi cuộc chơi" trong cuộc chiến chống Covid-19.
"Chương trình quốc gia nhằm tiêm chủng cho người dân diễn ra rất thành công", ông Lý nói.
Với tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 gần 85% ở Singapore, ông khẳng định nước này đạt mức tiêm chủng cao bậc nhất thế giới.
Thủ tướng Singapore lưu ý chính tiêm chủng đã "giảm mạnh" nguy cơ mắc Covid-19 với các triệu chứng nặng, khi có hơn 98% trường hợp lây nhiễm có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.
"Nói cách khác, với việc tiêm chủng, Covid-19 không còn là một căn bệnh nguy hiểm đối với hầu hết người dân", ông Lý khẳng định.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói rằng trong thời gian tới, Singapore cần chuẩn bị cho trường hợp số ca mắc Covid-19 tăng cao nhưng không thể phong tỏa vô thời hạn vì điều này rất tốn kém. Ảnh: Reuters. |
Với bối cảnh hiện tại, ông Lý cho biết Singapore đang ở "vị trí tốt hơn nhiều" trong cuộc chiến dài hơi chống Covid-19.
"Chúng ta đang đạt những tiến bộ ổn định để tiến tới bình thường mới", ông Lý nói.
Thủ tướng Singapore cho biết sau đợt lây nhiễm lần này, vẫn có thể xảy ra các đợt lây nhiễm khác, đặc biệt là nếu các biến chủng mới xuất hiện. Khi đó, Singapore "có thể phải chủ động làm chậm lại quá trình nếu số ca mắc phát triển quá nhanh, nhằm bảo vệ hệ thống chăm sóc sức khỏe và các nhân viên y tế".
Dù vậy, "chúng ta sẽ có khả năng đối phó tốt hơn với những đợt lây nhiễm trong tương lai", ông Lý khẳng định.
Thủ tướng Lý kêu gọi người dân Singapore bảo vệ các nhân viên và hệ thống chống dịch tuyến đầu, tuân thủ các biện pháp an toàn phòng dịch, giảm thiểu các hoạt động xã hội để tránh virus lây lan.
Ngoài ra, ông khuyến khích người dân hãy đi tiêm vaccine ngừa Covid-19 và tiêm liều bổ sung nếu đến lượt, tự xét nghiệm thường xuyên để tránh lây virus cho người xung quanh.
Người đứng đầu chính phủ Singapore cũng cho biết người dân đừng vội vã đến bệnh viện khi có các triệu chứng nhẹ, "để dành cho các trường hợp Covid-19 và các bệnh nghiêm trọng khác - những người cần nó nhất".
"Với sự hợp tác của người dân, hy vọng chúng ta sẽ sớm vượt qua đại dịch. Chúng ta có nguồn lực, quyết tâm và sự can đảm để vượt qua cuộc khủng hoảng này", ông Lý cho biết.
Về nhóm trẻ dưới 12 tuổi, Thủ tướng Lý bày tỏ sự lo ngại lớn vì vaccine Covid-19 chưa được phê duyệt cho đối tượng này. Thực tế đó khiến các bậc phụ huynh lo lắng dù số liệu cho thấy trẻ em ít khi có các triệu chứng Covid-19 nặng.
"Chúng tôi đang theo dõi sát sao nghiên cứu về vaccine cho trẻ em ở Mỹ và sẽ cho tiêm ngay khi loại vaccine trên phê duyệt", ông Lý khẳng định.
Thủ tướng Singapore cho biết các chuyên gia tin tưởng vào độ an toàn của vaccine và việc tiêm chủng cho đối tượng trẻ em ở Singapore có thể diễn ra vào đầu năm 2022.
Từ khi đại dịch bùng phát vào đầu năm 2020, ông Lý đã nhiều lần phát biểu với những thông tin cập nhật về tình hình Covid-19 ở Singapore.
Thủ tướng Singapore đã có 5 bài phát biểu trên truyền hình về tình hình Covid-19 ở Singapore vào năm 2020. Hồi tháng 5, ông cũng vạch ra các chiến lược để Singapore hướng tới "bình thường mới".