Sáng 8/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm 65 năm Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc và 50 năm các thế hệ học sinh miền Nam thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng dự có các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đông đảo cựu học sinh các thế hệ học sinh của trường.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các đại biểu tại lễ kỷ niệm. |
Mô hình Trường học sinh niềm Nam trên đắt Bắc tồn tại trong giai đoạn lịch sử quan trọng từ năm 1954 đến năm 1975, dành riêng cho các em nhỏ miền Nam từ 4 đến 17 tuổi, là con em cán bộ, bộ đội, các gia đình chính sách được các địa phương ở miền Nam lựa chọn gửi ra học tập, chuẩn bị cho sự nghiệp cách mạng miền Nam và xây dựng đất nước sau này.
Tuy chỉ tồn tại trong khoảng thời gian 21 năm với 28 trường từ mẫu giáo, cấp I, cấp II, III và bổ túc văn hóa, nhưng với sứ mệnh lịch sử quan trọng, các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc đã mang lại những kết quả to lớn trong việc đào tạo nên những "hạt giống đỏ" của miền Nam phục vụ cho đất nước. Tổng số đã có trên 32.000 người theo học ở các trường.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại lời khẳng định của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi nói về các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc, có thể nói đây là “vườn ươm” đặc biệt, ươm những “hạt giống” quý báu vào bậc nhất của Bác Hồ, của Đảng, Nhà nước và nhân dân miền Bắc đã dành cho miền Nam từ những ngày gian khó, nay đã mang lại kết quả rất to lớn cho đất nước.
Nhờ sự yêu thương, chăm nom, nuôi dạy đặc biệt của Đảng, của Chính phủ, của nhân dân, sự phấn đấu rèn luyện không ngừng của bản thân 32.000 học sinh miền Nam, phần đông đã có những bước trưởng thành vượt bậc, đóng góp hết sức xứng đáng cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước và xây dựng Tổ quốc. Sự cống hiến đó đã làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang học sinh miền Nam, tuyệt đối trung thành, xả thân, ân nghĩa và tài hoa.
Thủ tướng phát biểu tại lễ kỷ niệm. |
Tiếp nối truyền thống vẻ vang các thế hệ học sinh miền Nam đi trước, học sinh miền Nam lớp sau đã không ngừng phấn đấu rèn luyện, được Đảng tin yêu được nhân dân tín nhiệm. Hàng chục cán bộ nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, giữ cương vị chủ chốt các bộ, ban, ngành ở trung ương. Nhiều cán bộ là thành viên Chính phủ, lãnh đạo tỉnh và thành phố; nhiều nhà khoa học; văn nghệ sĩ nhà thơ, nhà báo nổi tiếng. Một số cán bộ hiện đảm đương các chức vụ quan trọng của Đảng, của Nhà nước.
Thủ tướng khẳng định, các thế hệ học sinh miền Nam luôn ghi nhớ công ơn của Đảng, của Bác Hồ và tri ân, khắc sâu trong lòng những tình cảm ân tình, sự hy sinh, nhường cơm sẻ áo của nhân dân miền Bắc.
"Đã 65 năm trôi qua, nhưng những kỷ niệm trong giai đoạn học tập và được sống trong đồng bào nhân dân miền Bắc ngày đó luôn khắc ghi trong ký ức của mỗi cá nhân chúng tôi, những cựu học sinh miền Nam học tập trên đất Bắc. Mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn vất vả gian khổ của cuộc chiến tranh phá hoại, nhưng chúng tôi đã được đồng bào miền Bắc cưu mang, đùm bọc, nhường cơm sẻ áo, tạo mọi điều kiện nơi ăn chốn ở tốt nhất, dành cả tình cảm yêu thương quý mến của người miền Nam như người thân trong gia đình. Những ân tình đó của đồng bào miền Bắc, công ơn tận tình dạy dỗ, chỉ bảo, uốn nắn của các thầy cô giáo, chúng tôi luôn ghi nhớ trong lòng. Nhân dịp kỷ niệm 65 năm trường học miền Nam trên đất Bắc, xin kính chúc các thầy cô giáo mạnh khỏe hạnh phúc, bằng kinh nghiệm, tâm huyết của mình tiếp tục có những đóng góp vào sự nghiệp phát triển bền vững đất nước", Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhìn lại thành công của mô hình các trường miền Nam trên đất Bắc, trước đó là mô hình các trường thiếu sinh quân, Thủ tướng cho rằng, đây cũng là một trong những tinh hoa quý báu của nền giáo dục nước nhà. Điều đó chính là những bài học quý báu về giáo dục, chăm lo chuẩn bị nguồn lực con người, đào tạo các thế hệ cách mạng cho đời sau. Đó là bài học về tầm nhìn chiến lược, mục tiêu đào tạo và tổ chức điều hành.
"Chúng ta không thể đòi hỏi ngành giáo dục đào tạo ngày nay phải sao chép mô hình nuôi dạy học sinh miền Nam cách đây mấy chục năm trong điều kiện chiến tranh, đất nước còn chia cắt. Nhưng những thành tựu ấy, những bài học ấy gợi mở cho chúng ta cách suy nghĩ để quyết tâm đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Từ sự trưởng thành dưới mái trường học sinh miền Nam, tôi cảm nhận đối với học sinh, nhân vật trung tâm, nhà trường ngày hôm nay không chỉ cần phải có kiến thức kỹ năng sống mà còn phải biết truyền cảm hứng, gợi mở tư duy", Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cũng cho rằng, với ngành giáo dục hiện nay, cùng với cải cách sách giáo khoa, phải tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên. Chính những phẩm chất đạo đức cao quý, năng lực chuyên môn và lối sống của người thầy có ảnh hưởng vô cùng to lớn đến sự hình thành nhân cách lối sống của học sinh. Phải đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý giáo dục; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý thạo việc, có năng lực điều hành, có tâm trong sáng, đi sát thực tế, lắng nghe đồng nghiệp và nhân dân, coi trọng tổng kết kinh nghiệm hết lòng vì sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ...
Nhắc lại câu nói của người xưa “Trường đồ truy mã lực” (Đường dài mới biết con ngựa tốt hay xấu), Thủ tướng mong muốn, trên 32.000 học sinh miền Nam, tuyệt đại bộ phận đã về hưu, phần lớn ở phía Nam, tiếp tục đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nghĩa tình, lan tỏa niềm tự hào là học sinh miền Nam để các thế hệ mai sau không ngừng phấn đấu noi theo.
Thủ tướng và các đại biểu dự buổi lễ. |
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã dành phút tưởng nhớ tới các học sinh miền Nam đã hy sinh trong quá trình bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Nhiều thế hệ học sinh miền Nam vừa học xong lớp 10 đã tình nguyện xông pha chiến trường, nhiều người đã anh dũng hy sinh ở lứa tuổi thanh xuân như các Anh hùng Nguyễn Kim Vang, Hải Quân, Võ Văn Mẫn, Lê Khương, Lê Anh Xuân, nhà văn Chu Cẩm Phong, Anh hùng Lực lượng vũ trang trong Công an Trần Trung Thất, nhà báo Lê Đình Phụng. Đồng chí Phạm Bá Lữ và nhiều đồng chí bị địch bắt đánh đập, tù đày nhưng không khai báo.