Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng trả lời về nội dung biển đảo trong sách giáo khoa

Văn phòng Chính phủ vừa đăng trả lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc về vấn đề giáo dục biển đảo.

Theo đó, nội dung giáo dục về biển đảo (trong đó có chủ quyền hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa) đã được đề cập trong các bài học của sách giáo khoa hiện hành môn Lịch sử và môn Địa lý cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT rà soát, bảo đảm tất cả bản đồ giáo khoa đều có vẽ và ghi tên 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này.

Các ban, ngành liên quan chủ động phối hợp tăng cường giáo dục lịch sử địa phương ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông, đưa giáo dục biển đảo, chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa vào phần giáo dục địa phương của các tỉnh, thành phố.

Cũng theo phần trả lời của Thủ tướng, hầu hết tỉnh ven biển (nhất là các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu...) đã biên soạn nội dung về vị trí địa lý, lịch sử, phát triển kinh tế và cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của địa phương; đã tiến hành tập huấn và giảng dạy những tài liệu này.

Thu tuong tra loi ve bien dao anh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: VGP.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT đưa nội dung giáo dục về biển đảo vào tài liệu Hướng dẫn nhiệm vụ năm học; hướng dẫn các sở GD&ĐT tổ chức hoạt động hưởng ứng “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam”; tổ chức tập huấn giáo viên môn Địa lý và Lịch sử về nội dung và cách thức lồng ghép giáo dục biển đảo trong môn học có liên quan; tăng cường hoạt động ngoại khóa về giáo dục biển đảo như tổ chức cuộc thi tìm hiểu về biển đảo; lồng ghép vấn đề chủ quyền biển đảo vào nội dung sinh hoạt đầu tuần, chương trình kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, vấn đề giáo dục về biển đảo nói chung (trong đó có vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa) hiện nay đã được đưa vào dạy học khá toàn diện trong nhà trường. Tuy nhiên, do sách giáo khoa giáo dục phổ thông được ban hành từ những năm học trước nên việc cập nhật bổ sung những vấn đề mang tính thời sự liên quan biển đảo nói chung và chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng chưa kịp thời. 

Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD&ĐT nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý để đưa vào chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới (theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2015) một cách đầy đủ, phù hợp nội dung giáo dục về Hoàng Sa, Trường Sa; đồng thời tiếp tục đổi mới phương pháp và hình thức dạy học lịch sử nói chung và nội dung biển đảo nói riêng; tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức về bảo vệ chủ quyền biển đảo cho học sinh.

‘Không có chữ Gạc Ma nào trong sách giáo khoa’

“Đề cập Gạc Ma, sách giáo khoa cần viết ngắn gọn về âm mưu, thủ đoạn đánh chiếm và sát hại 64 bộ đội Việt Nam, từ đó nêu hệ quả của sự kiện này”, thầy Trần Trung Hiếu đề xuất.

"Quốc hội vẫn phản ứng chậm về Biển Đông"

Ngày 28/3, phát biểu tại nghị trường, đại biểu Dương Trung Quốc (Đoàn đại biểu tỉnh Đồng Nai) cho rằng, hoạt động ngoại giao thiết thực với người dân làm sao đi biển không bị ai đàn áp, làm sao biển Đông không gợn sóng.

Trong lĩnh vực này, “người dân vẫn chưa hài lòng. Nhiều phản ứng của Quốc hội tôi cho là chậm”, ông Quốc nhận xét.

Theo ông Quốc, “tiếng nói Quốc hội rất quan trọng, không chỉ thể hiện ý chí quyết tâm mà còn mong mốn hòa bình. Quốc hội cần quan tâm hơn nữa, có tiếng nói kịp thời phản ứng hơn nữa”. 

Tìm hiểu biển đảo quê hương qua câu hỏi trắc nghiệm

Hải chiến Gạc Ma là một trong những trận chiến bảo vệ biển đảo quê hương. Người Việt cần ghi nhớ trang sử ấy để tiếp tục xây dựng, giữ gìn lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.



Ngân Giang

Bạn có thể quan tâm