Thuận vợ, thuận chồng
Chăm sóc con cái, quan hệ họ hàng hay chi tiêu mua sắm, chỉ cần vợ chồng “sát cánh” bên nhau đi đến thống nhất thì không khó khăn nào là không thể vượt qua.
Thỏa thuận trong giáo dục con cái
Chị Vân mỗi lần quát phạt con là bé My nước mắt giàn giụa ôm chầm lấy bố khóc. Anh Huy lại nựng: “Ngoan nào, mẹ mắng yêu mà, để bố đánh chừa mẹ”. Thế là những lần sau bé mắc lỗi, lời mẹ mắng không còn uy lực.
Bên nhà chị Minh, anh Hùng mặc kệ vợ dạy dỗ con thế nào cũng được. Anh bảo chị là cô giáo nên dạy dỗ con cái là quá hợp lý rồi, anh chỉ có nhiệm vụ kiếm tiền nuôi gia đình thôi. Thế nên từ việc ăn uống, tắm rửa, xem bài vở, đưa đón con đi học cho đến cả việc đi họp phụ huynh đều do một mình chị đảm nhiệm…
Cả hai gia đình anh Huy - chị Vân và anh Hùng - chị Minh đều chưa nhận thức rõ: Nuôi dạy con cái là công việc nghiêm túc đòi hỏi sự đồng thuận và hợp tác của cả vợ lẫn chồng.
Không thể người này vì lí do nào đó mà phó mặc chuyện dạy con, chăm con cho người kia, cũng không thể để xảy ra cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trước mặt con cái. Làm vậy không những bạn không dạy được con, mà còn hình thành trong bé thói hư mè nheo, “nhờn” trước sự dạy dỗ của người lớn.
Thỏa thuận về tài chính
Thử hình dung một gia đình mà cả vợ lẫn chồng đều có lối tiêu xài hoang phí, vợ thích shopping, chồng mê sắm đồ điện tử, sa đà nhậu nhẹt với bạn bè. Những khoản cần chi cho gia đình có thể khiến mâu thuẫn vợ chồng bùng phát.
Tốt nhất hãy lên kế hoạch dự thảo ngân sách chi tiêu cho gia đình. Một chị có “thâm niên” làm vợ tâm sự: “Nhà tớ thỏa thuận chuyện tiền nong rất rõ ràng. Bên cạnh khoản tiết kiệm chung, mình và ông xã phân công: anh lo tiền thuê nhà, tiền học cho con, em lo cơm nước, đối nội, đối ngoại. Thế là ai cũng có ý thức làm tròn trách nhiệm”.
Song cũng cần căn cứ vào khả năng tài chính của mỗi người và hoàn cảnh gia đình để có sự phân công hợp lý.
Thỏa thuận tiết kiệm
Vợ chồng anh Phương, chị Mai lấy nhau được 2 năm, giờ có thêm con gái. Với mức lương của 2 vợ chồng thì chi tiêu của gia đình chỉ đủ trong một tháng. Khi con ốm phải đi viện đột xuất, hai vợ chồng cuống cả lên vì trong nhà không có tiền dự phòng.
Nếu không có khoản dành dụm nào, vợ chồng thường lâm vào cảnh túng quẫn, bị động. Không chỉ chuyện con ốm, còn các việc ma chay, cưới hỏi, nhà có người ghé thăm, biếu bố mẹ hai bên nội ngoại… bạn nên lường trước tất cả mọi phát sinh có thể xảy ra.
Mỗi ngày bỏ ra một chút là mỗi tháng đã có thể tiết kiệm được một khoản không nhỏ. Tuỳ hoàn cảnh gia đình mà có cách dành dụm, tiết kiệm khác nhau. Vợ chồng trẻ có thể “nuôi lợn”. Khi kinh tế khá hơn, bạn có thể gửi ngân hàng. Như vậy bạn luôn chủ động, bình tĩnh về chi tiêu ngân sách dù có chuyện gì xảy ra.
Mua sắm cho gia đình
Có ông chồng thỉnh thoảng hứng chí đổi chiếc TV mới, mua thêm cái điều hòa... Vác về nhà, vợ không những chẳng tán thành mà còn mặt nặng mày nhẹ. Ấy là bởi vì vợ chồng chưa có sự bàn bạc trước với nhau.
Nếu ông chồng nói với vợ trước, có thể họ sẽ cùng cân nhắc giữa việc đổi chiếc TV cũ của gia đình vẫn đang dùng tốt với việc dành tiền lo xin học cho con, việc nào quan trọng hơn. Hoặc điều hoà chưa nên mua vội vì sắp tới cơ quan vợ có đợt thanh lý… Thế là hết cảnh mặt nặng mày nhẹ!
Đối nội, đối ngoại
Ứng xử với gia đình hai bên phải thật tế nhị, công bằng. Từ chuyện thăm hỏi, cưới xin, giỗ chạp đến lễ tết, vợ chồng đều phải cư xử hài hòa, bình đẳng.
Muốn vậy cần có sự bàn bạc thống nhất. Biết thông cảm, đồng tình sẽ giúp những cư xử của vợ - chồng với hai bên nội ngoại thêm thấu tình, đạt lý.
Theo Dân Trí