Năm nay, kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học có nhiều điểm mới. Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh diễn ra ở ĐH Bách khoa Hà Nội ngày 26/2, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT, tư vấn thí sinh cần lưu ý mã đề khi làm bài tổ hợp và đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Bài thi tổ hợp có một mã đề
Năm nay, kỳ thi THPT quốc gia gồm 5 bài thi, bao gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Ông Nghĩa lưu ý học sinh THPT lớp 12 bắt buộc phải đăng ký ít nhất 4 bài thi. Các em cũng có thể chọn cả hai bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, lấy điểm cao hơn để xét tốt nghiệp (phải làm cả 3 môn trong tổ hợp).
Học sinh các trung tâm GDTX thi hai bài bắt buộc và ít nhất một bài tổ hợp. Những em chọn Khoa học xã hội chỉ phải thi Lịch sử và Địa lý.
Thí sinh tự do chỉ cần chọn thi trong bài tổ hợp để xét tuyển đại học.
Ông Nghĩa nhấn mạnh thí sinh cần chú ý mã đề của các môn trong bài thi tổ hợp. Mỗi môn có 40 câu, thi trong 50 phút. Thí sinh làm bài trên một phiếu trả lời trắc nghiệm (120 câu). Ba môn thi phải có chung mã đề. Nếu nhận đề thi có mã khác nhau, thí sinh phải báo giám thị điều chỉnh, tránh trường hợp bị điểm liệt và trượt tốt nghiệp.
Ông Trần Văn Nghĩa lưu ý thí sinh một số điểm mới trong kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH năm nay. Ảnh: Nguyễn Sương. |
Trượt đợt một coi như trượt đại học
Thí sinh đăng ký xét tuyển đại học cùng lúc đăng ký dự thi. Phiếu đăng ký có hai mặt, mặt trước đăng ký dự thi, mặt sau đăng ký xét tuyển.
Khi có kết quả thi, thí sinh được phép điều chỉnh nguyện vọng. Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng các em nên cân nhắc chọn đúng ngành, tổ hợp xét tuyển phù hợp nguyện vọng và quy chế.
Ông khuyên thí sinh chỉ đăng ký những ngành thực sự yêu thích, không nên đăng ký cho vui theo tâm lý "trúng thì trúng, không thì thôi".
"Các trường gần như sẽ tuyển sinh xong trong đợt xét tuyển đầu tiên. Nếu mất cơ hội trúng tuyển đợt một, các em coi như trượt đại học", ông Nghĩa lưu ý.
Vì thế, thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn các trường năm trước và chia nguyện vọng xét tuyển thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất có thể trên tầm khả năng của mình một chút, nếu trượt cũng không tiếc.
Nhóm thứ hai vừa sức học của bản thân. Nhóm ba thấp hơn khả năng của mình để phòng trường hợp trượt cả hai nhóm trên. Thực hiện theo nguyên tắc 3 nhóm này, thí sinh rất khó trượt đại học.
Ông lưu ý thêm thí sinh nên đưa các ngành, trường thích nhất lên trên vì việc xét tuyển được thực hiện theo nguyện vọng ưu tiên và chỉ trúng tuyển duy nhất một nguyện vọng.
Việc xét tuyển hoàn toàn bình đẳng. Khi cùng xét vào một ngành, cả 3 nguyện vọng được đánh giá ngang nhau, thí sinh có điểm cao sẽ lợi thế hơn. Tuy nhiên, trong một ngành mà có nhiều thí sinh đăng ký, sau khi xem xét các tiêu chí bổ sung vẫn còn thừa thí sinh, em nào ở nguyện vọng cao hơn sẽ được lợi.