![]() |
Những viên thuốc được em P. sử dụng. Ảnh: Tiền Phong. |
Những ngày qua, thông tin về việc một nữ sinh lớp 7 trên địa bàn huyện Diễn Châu (Nghệ An) phải nhập viện do uống 30 viên paracetamol khiến dư luận quan tâm.
Điều đáng nói, theo nhiều bài viết, nguyên nhân dẫn đến hành động này được cho là do em có mâu thuẫn với một số bạn trong lớp, bị tẩy chay, cô lập và bắt nạt tập thể. Trước thông tin trên, Phòng GD&ĐT huyện Diễn Châu đã có văn bản gửi Sở GD&ĐT Nghệ An để báo cáo sự việc.
Theo đó, nữ sinh phải nhập viện là em L.T.M.P, học sinh lớp 7 tại trường THCS An Trung. Sự việc xảy ra vào ngày 30/3. Buổi trưa, em P. vẫn vui vẻ bình thường, nhưng đến khoảng 16h, em gọi điện cho mẹ báo mệt, đau bụng và nhờ mẹ về đưa đi bệnh viện.
P. sau đó được gia đình đưa đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Các bác sĩ chẩn đoán nữ sinh này sử dụng lượng lớn thuốc giảm đau. Sau 4 ngày điều trị, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, được xuất viện và hiện đã đi học trở lại bình thường.
Văn bản cũng nêu rõ qua xác minh, trường học nơi em P. theo học khẳng định không có hiện tượng học sinh này bị cô lập, tẩy chay hay bắt nạt tập thể do mâu thuẫn với bạn bè. Tuy nhiên, nhà trường ghi nhận em có một số biểu hiện bất thường về sức khỏe trong thời gian gần đây.
Cô Đặng Thị T. (giáo viên chủ nhiệm của em P.) cho biết P. là học sinh có lực học ở mức trung bình, ít nói, ít giao tiếp với bạn bè và thầy cô. Em cũng không tích cực tham gia các hoạt động của lớp, có biểu hiện cáu gắt hoặc ngủ gật trong giờ học.
Sau khi có thông tin trên mạng xã hội cho rằng em bị cô lập và bắt nạt, ban giám hiệu nhà trường đã phối hợp cùng giáo viên Tổng phụ trách Đội, phụ huynh và học sinh lớp tổ chức một buổi gặp mặt, trao đổi với em.
Tại buổi gặp, em P. khẳng định không bị đánh hội đồng hay bị cô lập. Em chỉ cho biết có một vài lần bị bạn trêu trên đường đê, ngoài khuôn viên trường học. Các học sinh cùng lớp cũng xác nhận chỉ có hành vi trêu đùa thông thường, sau đó, em P. và các bạn vẫn vui vẻ, bình thường trở lại.
Chị Hồ Thị T. (mẹ của nữ sinh P.) cho biết chị rất bất ngờ khi thấy thông tin trên mạng xã hội cho rằng con mình bị cô lập và bắt nạt dẫn đến uống thuốc tự tử. Chị khẳng định các thông tin đăng tải là không đúng sự thật. Gia đình cũng cho biết chưa có ai liên hệ trực tiếp để kiểm chứng, xác minh sự việc từ phía gia đình.
Về nguyên nhân, chị cho rằng hành động của con là do những thay đổi tâm sinh lý ở tuổi mới lớn, dẫn đến những hành vi bồng bột, thiếu kiểm soát nhất thời.
Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An, cho hay sau khi nhận được thông tin, sở đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT Diễn Châu khẩn trương xác minh, làm rõ sự việc; đề nghị nhà trường phối hợp với phụ huynh thăm hỏi, động viên học sinh, hỗ trợ kịp thời để em sớm ổn định và tiếp tục học tập.
Bên cạnh đó, sở yêu cầu nhà trường tăng cường công tác tư vấn tâm lý, phát huy vai trò của tổ tư vấn tâm lý học đường và công tác xã hội trong nhà trường để kịp thời phát hiện, hỗ trợ học sinh gặp khó khăn trong tâm lý, phòng ngừa các hành vi liên quan đến bạo lực học đường.
Trước việc các thông tin lan truyền trên mạng xã hội, chiều 11/4, Công an tỉnh Nghệ An đã vào cuộc xác minh, làm rõ sự việc nhằm ngăn chặn việc lan truyền thông tin sai lệch, ảnh hưởng đến tâm lý học sinh, môi trường học đường và gây dư luận xấu trong xã hội.
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.