![]() |
TP.HCM có thể cấm dạy thêm sau 20h để trẻ được nghỉ ngơi và sinh hoạt cùng gia đình. Ảnh: Khương Nguyễn. |
Đây là thông tin được ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM, chia sẻ vào chiều 11/4.
Lý giải việc đưa ra đề xuất này, ông Minh cho biết tổ chức dạy thêm cần tính đến đặc điểm giao thông của TP.HCM. Là thành phố lớn, TP.HCM rất dễ xảy ra kẹt xe vào giờ cao điểm, nhất là sau 17h.
Sau khi học chính khóa ở trường, nhiều học sinh mất khá nhiều thời gian để di chuyển đến nơi học thêm. Nếu lớp học thêm bắt đầu quá sớm, các em không kịp ăn uống, nghỉ ngơi trước khi vào học. Còn nếu lớp kết thúc quá muộn, sức khỏe của các em có thể bị ảnh hưởng, hơn nữa không có thời gian sinh hoạt với gia đình.
Hiện tại, trung bình một ca dạy thêm ở TP.HCM kéo dài trong khoảng 1,5 giờ trở lên. Do đó, Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất kết thúc lớp dạy thêm, học thêm trước 20h để trẻ có thời gian nghỉ ngơi, về nhà ăn cơm, trò chuyện cùng gia đình thay vì phải học đến tối muộn.
“Nhiều em học hai buổi tại trường, nếu học thêm đến tối muộn, các em sẽ không có thời gian nghỉ ngơi và sinh hoạt cùng gia đình", ông Minh nêu quan điểm.
Trước khi TP.HCM đưa ra đề xuất này, Hải Phòng cũng từng đề xuất khung thời gian dạy thêm kết thúc vào khoảng 19h-19h30. Tuy nhiên, ý kiến này vẫn chỉ là dự thảo, chưa có quyết định chính thức.
Về phía TP.HCM, hiện, sở chưa "chốt" đề xuất này vì cần sự góp ý từ nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực khác. Sở vẫn đang nghiêm túc xem xét việc giới hạn thời gian dạy thêm nhằm tạo sự cân bằng giữa việc học và cuộc sống cho học sinh.
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.