Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Thực hư kem chống nắng SPF 2,4 của công ty chồng Đoàn Di Băng

Kem chống nắng của công ty chồng Đoàn Di Băng bị thu hồi vì chỉ đạt SPF 2,4, gây lo ngại về tính minh bạch. Theo chuyên gia, chỉ số này không đủ bảo vệ da trước tác hại tia UV.

Cục Quản lý Dược vừa ra quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy toàn bộ lô sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body. Ảnh: Đoàn Di Băng Hanayuki.

Ngày 16/5, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Việt Nam, ra thông báo thu hồi một lô kem chống nắng liên quan đến Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ VB Group. Sản phẩm bị thu hồi có số tiếp nhận phiếu công bố 779/24/CBMP-ĐN, số lô 0010125, ngày sản xuất 6/1/2025, hạn sử dụng đến 5/1/2027.

Theo kết quả kiểm nghiệm từ Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM, mẫu sản phẩm chỉ đạt chỉ số SPF 2,4, trong khi nhãn sản phẩm quảng cáo SPF 50.

Đáng chú ý, phiếu công bố do Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cấp không ghi nhận chỉ số SPF như trên nhãn, cho thấy sự sai lệch nghiêm trọng về thông tin, tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho người tiêu dùng.

Sản phẩm này từng được quảng bá rầm rộ trên mạng xã hội với sự tham gia của doanh nhân Đoàn Di Băng, nhân vật có sức ảnh hưởng lớn. Vụ việc làm dấy lên lo ngại về tính minh bạch của mỹ phẩm bán trực tuyến hoặc qua KOL, đồng thời khiến nhiều người nghi ngờ hiệu quả bảo vệ da của chỉ số SPF.

SPF 2,4 có bảo vệ được da?

SPF, viết tắt của Sun Protection Factor, là chỉ số đo lường khả năng bảo vệ da khỏi tia UVB, loại tia gây cháy nắng, tổn thương bề mặt da và có nguy cơ dẫn đến ung thư da.

Theo UCI Health, hệ thống y tế thuộc Đại học California (Mỹ), kem chống nắng SPF 15 chặn khoảng 93% tia UVB, SPF 30 chặn 97%, SPF 50 chặn 98%, và SPF 100 chặn 99%. Ngược lại, các chỉ số thấp như SPF 2 chỉ ngăn 50%, SPF 4 ngăn 75% tia UVB, gần như không đủ để bảo vệ da hiệu quả.

Được biết, các sản phẩm có SPF từ 2 đến 14, dù được ghi là “broad-spectrum” (quang phổ rộng), thường phải kèm cảnh báo rằng chúng chỉ giúp giảm cháy nắng, không ngăn ngừa ung thư da hay lão hóa sớm.

"Nếu thấy dòng cảnh báo này, hãy chọn sản phẩm khác có SPF từ 30 trở lên", bác sĩ Kelly, Trưởng Khoa Da liễu tại Trường Y UCI (Mỹ), cho biết.

kem chong nang,  doan di bang,  thu hoi kem,  thu hoi hanayuki,  SPF 2, 4 anh 1

Kem chống nắng có chỉ số SPF thấp như 2,4 không đủ khả năng bảo vệ da hiệu quả. Ảnh minh họa: Grace Skincare Clinic.

Ngoài tia UVB, tia UVA cũng là mối nguy lớn khi xuyên sâu vào da, gây lão hóa và góp phần vào nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, chỉ số SPF hiện chỉ đánh giá khả năng chống UVB, chưa có hệ thống tiêu chuẩn chính thức từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để đo lường bảo vệ UVA. Do đó, việc lựa chọn kem chống nắng quang phổ rộng là cần thiết để bảo vệ da toàn diện.

Với sản phẩm kem chống nắng có chỉ số SPF 2,4 vừa bị thu hồi, khả năng bảo vệ da là cực kỳ hạn chế, không đủ để chống lại tác hại của ánh nắng, đặc biệt trong thời gian dài hoặc dưới ánh nắng mạnh.

Cục Quản lý Dược yêu cầu các Sở Y tế trên cả nước thông báo ngừng kinh doanh, sử dụng lô sản phẩm này, đồng thời giám sát việc thu hồi và tiêu hủy. Công ty VB Group và EBC Đồng Nai phải nộp báo cáo thu hồi trước ngày 15/6/2025, trong khi Sở Y tế TP.HCM và Đồng Nai báo cáo giám sát trước ngày 30/6/2025.

Người tiêu dùng được khuyến cáo kiểm tra kỹ nhãn mác, chọn sản phẩm từ nguồn uy tín và tuân thủ hướng dẫn sử dụng để bảo vệ làn da hiệu quả.

Cách dùng kem chống nắng đúng cách

Để kem chống nắng phát huy hiệu quả, cách sử dụng đúng là yếu tố then chốt. Theo bác sĩ Kelly, cần bôi ít nhất 30 ml kem (tương đương một ly rượu nhỏ) cho toàn thân và nửa thìa cà phê cho mặt. Kem cần 20 phút để thẩm thấu trước khi ra nắng và phải bôi lại sau mỗi 2 tiếng, hoặc sớm hơn nếu bơi hay đổ mồ hôi.

Tuy nhiên, nhiều người chỉ dùng 1/3 đến 1/2 lượng cần thiết, làm giảm đáng kể hiệu quả. Các vùng da dễ bị bỏ sót gồm nách, mặt sau bàn tay, đầu gối, cổ, tai, môi, mu bàn chân và mép áo tắm.

Khác với quan niệm thông thường rằng SPF liên quan đến thời gian bảo vệ dưới nắng, FDA nhấn mạnh SPF dựa trên lượng tia nắng tiếp xúc. Lượng tia này thay đổi theo thời điểm trong ngày. Ví dụ, một tiếng phơi nắng lúc 9h tương đương với 15 phút lúc 13h.

kem chong nang,  doan di bang,  thu hoi kem,  thu hoi hanayuki,  SPF 2, 4 anh 2

Người dùng kem chống nắng thường dùng 1/3 đến 1/2 lượng cần thiết, làm giảm hiệu quả bảo vệ da. Ảnh minh họa: Karolina Grabowska/Pexels.

Do đó, chỉ số SPF chỉ đóng vai trò như một hướng dẫn, cho biết SPF càng cao thì mức độ bảo vệ khỏi cháy nắng càng tốt. Tuy nhiên, không có loại kem chống nắng nào, dù SPF cao đến đâu, duy trì hiệu quả quá 2 giờ nếu không bôi lại.

Ngoài kem chống nắng, người dùng nên đội thêm mũ vành rộng, mặc áo dài tay, quần chống nắng, hạn chế ra ngoài từ 10h đến 16h, và đeo kính râm chặn 100% tia UV để bảo vệ mắt.

Theo FDA, mọi người trên 6 tháng tuổi cần dùng kem chống nắng SPF 30 trở lên hàng ngày. Trẻ dưới 6 tháng nên tránh kem, thay vào đó giữ trong bóng râm và mặc quần áo chống nắng. Dù da sẫm màu có ít bị cháy nắng hơn, người dùng vẫn cần bảo vệ để giảm nguy cơ ung thư và lão hóa.

Giới trẻ makeup trên vỉa hè TP.HCM từ 3h sáng chờ xem diễu binh

Từ 3h sáng, nhiều người trẻ vừa chờ lễ diễu binh, mang theo đồ trang điểm vừa chuẩn bị diện mạo chỉn chu để lưu lại khoảnh khắc đáng nhớ tại lễ diễu binh, diễu hành ở TP.HCM.

Vẻ bề ngoài quan trọng đến thế sao

Cuốn sách Vẻ bề ngoài quan trọng đến thế sao của Jess Connolly khuyến khích phụ nữ yêu cơ thể mình, từ bỏ áp lực phải thay đổi ngoại hình để phù hợp với tiêu chuẩn xã hội. Tác giả nhấn mạnh rằng vẻ đẹp thực sự không nằm ở sự hoàn hảo mà ở sự tự tin và hạnh phúc từ bên trong, đồng thời kêu gọi mọi người tập trung vào giá trị bản thân thay vì chạy theo những kỳ vọng ngoại hình áp đặt từ bên ngoài.

Như Phương

Bạn có thể quan tâm