Gần đây, mạng xã hội lan truyền phương pháp kiềm hóa máu vào cơ thể để trị ung thư. Phương pháp này được miêu tả là không gây đau đớn, thậm chí không cần chữa bệnh, chỉ sửa chữa những sai lầm hàng ngày như hành động, tư tưởng, ăn uống sai quy luật vũ trụ, bệnh tật sẽ giảm dần và hết hẳn.
Thông tin được chia sẻ cho rằng: "Mọi người hãy ăn 100% thực phẩm tạo kiềm để máu và nước trong cơ thể đạt độ pH = 7,4. Mọi bệnh dùng đến kháng sinh sẽ không còn. Độ pH = 8,5, ung thư chết".
Liên quan chủ đề này, tại cuộc giao lưu “Sống chung, sống khỏe với bệnh ung thư” được tổ chức tại Đại học Y Hà Nội sáng 20/7, TS.BS Vũ Hữu Khiêm - Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội - cho hay kiềm hóa máu không chỉ được lan truyền ở Việt Nam, mà còn ở một số nước trên thế giới. Tuy nhiên, đây không phải phương pháp điều trị chính thống.
“Điều trị ung thư bằng kiềm hoá máu chưa có nghiên cứu khoa học khẳng định là phương pháp có hiệu quả. Một phương pháp chữa bệnh sẽ phải trải qua rất nhiều khâu để kiểm tra, kiểm định hiệu quả, độc tính và sự an toàn. Đến nay, có thể khẳng định kiềm hoá máu chưa được công nhận là phương pháp trị ung thư”, TS Khiêm nói.
TS.BS Vũ Hữu Khiêm - Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Ảnh: PV. |
Theo TS Khiêm, tế bào ung thư thường phát triển trong môi trường axit nên một số tác giả cho rằng có thể kiềm hoá để giết các tế bào ung thư. Tuy nhiên, cơ thể chúng ta chỉ có độ pH là 7,4; khi lên tới 8,5, sẽ gây ra một loạt rối loạn chuyển hoá nguy hiểm trong cơ thể.
“Mới đây, tác giả của cuốn sách 'The pH Miracle: Balance Your Diet, Reclaim Your Health' (tạm dịch 'Sự kỳ diệu của pH: Cân bằng chế độ pH, lấy lại sức khoẻ của bạn') đã bị khởi kiện, vì một bệnh nhân ung thư vú đã từ bỏ điều trị bằng phương pháp chính thống để sử dụng kiềm hóa máu, khiến bệnh ngày càng nặng và bệnh nhân rơi vào trạng thái suy kiệt”, TS Khiêm cho biết thêm.
Theo công bố mới nhất của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), năm 2018, Việt Nam có 164.671 ca mắc ung thư, 114.871 người tử vong và hiện có trên 300.000 người mắc.
Tại buổi giao lưu, PGS.TS Vũ Hồng Thăng - Phó trưởng Bộ môn Ung thư Đại học Y Hà Nội, Phó trưởng khoa Điều trị nội - Bệnh viện K Trung ương - cũng cho hay số ca ung thư mới mắc có tăng ở Việt Nam, cũng như trên thế giới. Tỷ lệ mắc ung thư trên toàn thế giới tăng dần từ năm 1975 trong tất cả báo cáo dịch tễ học.
“Tỷ lệ ung thư tăng dần theo thời gian. Năm 2018, 18 triệu người mắc mới ung thư trên thế giới. Dự kiến, con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040. Đây là gánh nặng bệnh tật lớn cho người bệnh”, PGS Thăng cho hay.
Nguyên nhân của sự gia tăng này xuất phát từ việc dân số tăng, tuổi thọ người dân cũng tăng, nhất là ở các nước phát triển. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của các yếu tố môi trường, công nghiệp hóa, nếp sống, thực phẩm, các chất kích thích, cũng tác động đến bệnh.
Nhờ biện pháp sàng lọc phát hiện sớm, số lượng người phát hiện mắc ung thư cũng tăng. Việc phát hiện ở giai đoạn sớm giúp bệnh chữa trị dễ hơn, đồng nghĩa với số người chữa trị thành công tăng lên.
Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế xã hội, truyền thông vào cuộc, tuyên truyền, người bệnh có điều kiện tiếp cận gần hơn tiến bộ khoa học kỹ thuật để chữa bệnh.
Theo PGS Thăng, đây là căn bệnh của xã hội, liên quan nền kinh tế phát triển của nhiều quốc gia. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị sớm ung thư là điều khả quan trong y học hiện nay.