Hiện nay, nhiều sản phẩm từ nọc độc bọ cạp xanh Cuba được quảng cáo có tác dụng điều trị ung thư. Tuy vậy, các thông tin về thành phần và tác dụng sinh học của nọc độc loại bọ cạp này vẫn còn hạn chế, chưa được nghiên cứu nhiều và công bố rộng rãi.
Dưới đây là bài viết của thạc sĩ Nguyễn Thị Uyên, tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, cộng tác viên ban Khoa học, Ruy Băng Tím, trả lời về tin đồn nọc bọ cạp xanh Cuba có phải là thuốc điều trị ung thư hay không.
Thuốc chữa ung thư từ nọc độc bọ cạp xanh Cuba
Nọc độc bọ cạp xanh Cuba đã chiết xuất được hãng dược phẩm Labiofam của Cuba chính thức cho ra mắt thị trường với tên gọi Vidatox CH30 vào tháng 3/2011. Sản phẩm này được Cục Dược Cuba (CECMED) phê duyệt là thuốc có tác dụng điều trị triệu chứng trên bệnh nhân ung thư và giảm đau.
Tuy nhiên, kết quả tìm kiếm trên các website chính thức của hai cơ quan là Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và Cơ quan quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) đều chưa phê duyệt Vidatox là thuốc và chỉ được lưu hành dưới dạng thực phẩm chức năng ở các khu vực trên.
Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và Cơ quan quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) đều chưa phê duyệt Vidatox là thuốc. Ảnh: Caythuoc. |
Theo nhiều nguồn thông tin không chính thống trên Internet, Vidatox đã được thử nghiệm ở hơn 10.000 bệnh nhân ung thư. Kết quả nghiên cứu cho thấy chúng cải thiện đáng kể chất lượng sống cũng như làm ngăn chặn sự tiến triển của khối u cho bệnh nhân ung thư.
Hơn thế, ông Fabio de J.Linares Pazos, Giám đốc phòng sản xuất của Công ty Labiofam, cho biết Vidatox đã được chứng minh có hiệu quả kéo dài thời gian sống toàn bộ cho 96% bệnh nhân trên 174 bệnh nhân ung thư tham gia nghiên cứu. Bệnh nhân được nhỏ dưới lưỡi 5 giọt Vidatox cách mỗi 12 giờ trong khoảng thời gian nghiên cứu kéo dài từ ngày 3/12/2007 đến 2/2/2010.
Đáng tiếc, các nghiên cứu này chỉ được đăng tải trên website không chính thống, vẫn chưa được công bố trên bất cứ tập san khoa học quốc tế nào. Ngoài ra, chúng cũng chưa được xác minh bởi các nhóm nghiên cứu độc lập nào khác. Do đó, chúng ta rất khó đánh giá giá trị khoa học của nghiên cứu này và kết quả chỉ thu được từ việc phỏng vấn bệnh nhân.
Như vậy, bằng chứng khoa học chứng minh tác dụng sinh học của sản phẩm Vidatox vẫn là một câu hỏi. Chính công ty Labiofam cũng khuyến cáo Vidatox chỉ được xem như thuốc điều trị hỗ trợ, không phải là liệu pháp điều trị ung thư thực sự.
Tại Việt Nam, sản phẩm này được đăng ký dưới dạng thực phẩm chức năng với tên gọi Vidatox Plus. Theo giấy phép số 5869-2016 /ATTP/Bộ Y tế, Vidatox Plus là chế phẩm sinh học 33% dung dịch cồn chứa nọc bọ cạp xanh Cuba.
Chúng được quảng cáo có công dụng giảm đau, tăng sức đề kháng, ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư. Vidatox Plus được bán tại website hay các nhà thuốc với giá gần 6 triệu đồng một chai do Công ty HT Pharma phân phối. Sản phẩm thường được sử dụng trong một tháng. Đặc biệt, Vidatox có thể sử dụng trên tất cả bệnh nhân ung thư, không kể tới tuổi tác hay loại bệnh.
Bên cạnh đó, các sản phẩm Vidatox CH30 ở Cuba cũng được xách tay về Việt Nam, bán tràn lan trên Internet hay tại các cổng bệnh viện với quảng cáo “chữa khỏi ung thư”. Chúng có mức giá dao động từ 2-5 triệu đồng mỗi chai.
Thực tế, Vidatox CH30 vẫn chưa được Bộ Y tế cấp phép là thuốc tại Việt Nam, không được lưu hành trong bệnh viện hay bán tại các nhà thuốc. Vì vậy, việc phân biệt thật giả cũng như kiểm soát các nguồn sản phẩm Vidatox CH30 còn nhiều mập mờ, chưa được xác minh rõ ràng.
Lợi dụng những kẽ hở này và sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng, nhiều cơ sở kinh doanh thuốc Vidatox giả hoạt động. Tháng 10/2017, cơ quan công an vừa ra quyết định khởi tố bắt giam người cầm đầu một đường dây kinh doanh buôn bán thực phẩm hỗ trợ chữa ung thư giả Vidatox.
Vì vậy, bệnh nhân chỉ nên tiếp cận với chế phẩm nọc độc bọ cạp xanh Cuba như một liệu pháp hỗ trợ, không nên đặt hoàn toàn hy vọng chữa khỏi ung thư theo như những quảng cáo không rõ nguồn gốc trên Internet. Đặc biệt, người dân cần thận trọng khi mua các loại sản phẩm này từ các nguồn không chính thống.
Tác dụng của nọc độc bọ cạp xanh Cuba
Nọc độc bọ cạp xanh Cuba, có tên khoa học là Rhopalurus Junceus, thuộc họ Buthidae. Đây là một loại bọ cạp khá hiếm, đã được phát triển thành thuốc ở Cuba, có công dụng giảm đau, giảm viêm và hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân ung thư.
Năm 2004, cơ quan Sở hữu công nghiệp Cuba (OCPI) đã cấp bằng sáng chế nọc độc bọ cạp xanh Cuba cho công ty Labiofam, cho phép Bộ Khoa học Công nghệ, Viện Ung thư và xạ trị Cuba, Đại học Havana, Bệnh viện nhiệt đới Pedro Kouri tham gia nghiên cứu. Nọc độc bọ cạp xanh Cuba được thu bằng cách sử dụng dòng điện xung kích thích vào phần đuôi chích của con vật để buộc chúng tiết nọc.
Tuy đã được phát triển thành thuốc, các nghiên cứu công bố về thành phần có hoạt tính, tác dụng dược lý của nọc độc bọ cạp xanh Cuba vẫn còn hạn chế trên các tạp chí khoa học. Một nghiên cứu đã đánh giá thành phần của nọc độc bọ cạp xanh Cuba, cho thấy các thành phần được cho rằng có hoạt tính như phospholipase, hyaluronidase, chất kháng viêm và một số peptide khác (chủ yếu là RjAa 12f).
Nọc độc bọ cạp xanh Cuba, có tên khoa học là Rhopalurus Junceus, thuộc họ Buthidae. Ảnh: Business Insider. |
Nọc độc bọ cạp xanh Cuba không gây độc cho chuột khi tiêm màng bụng với mức liều tới 200 µg/20 g cân nặng, song nó gây chết côn trùng (loài dế Acheta domestica) với mức liều 10 µg mỗi con.
Bên cạnh đó, nọc độc bọ cạp xanh cũng được chứng minh không chứa các enzyme có độc tính cao như Phospholipase A2 hay các enzyme phân giải protein như caseinolytic, gelatinolytic. Đây có thể là nguyên nhân khiến nọc độc bọ cạp xanh Cuba có độc tính thấp hơn so với các loại khác.
Các nghiên cứu trên tế bào ung thư
Theo kết quả tìm kiếm nâng cao các dữ liệu về nọc độc bọ cạp xanh Cuba ảnh hưởng đến tế bào ung thư trên các cơ sở dữ liệu uy tín bao gồm Pubmed, Sciencedirect, Scientific Reports hay Google Scholar trong những thập niên gần đây, các nghiên cứu còn rất hạn chế, đặc biệt chưa có nghiên cứu nào trên lâm sàng được tìm thấy.
Dưới đây là các nghiên cứu in vitro (trong phòng thí nghiệm) và in vivo (trên động vật) về ảnh hưởng của nọc độc bọ cạp xanh Cuba đến tế bào ung thư.
Nghiên cứu năm 2013 của Díaz-García A và các cộng sự người Cuba đã tiến hành đánh giá ảnh hưởng của nọc độc tế bào bọ cạp xanh trên các dòng ung thư khác nhau ở trong phòng thí nghiệm. Kết quả nghiên cứu cho thấy dịch chiết nọc độc bọ cạp xanh có độc tính đáng kể và chọn lọc trên dòng tế bào ung thư biểu mô, trong khi đó dịch chiết này không gây ảnh hưởng lên dòng tế bào bình thường.
Các dòng tế bào ung thư được chứng minh nhạy cảm với nọc độc bọ cạp xanh Cuba bao gồm dòng tế bào ung thư phổi (A549, NCI-H292), vú (MDA-MB-213, MDA-MB-468) và cổ tử cung (Hela). Nồng độ nọc độc bọ cạp xanh trong khoảng 0,1-0,75 mg/ml có tác dụng làm giảm tỷ lệ sống sót của các tế bào này xuống 50%.
Nghiên cứu này được xem là bằng chứng khoa học đầu tiên chứng minh ảnh hưởng của nọc độc bọ cạp xanh Cuba đến khả năng sống sót của tế bào ung thư của người ở mức độ trong phòng thí nghiệm. Chúng cũng là tiền đề cho các nghiên cứu về nọc độc bọ cạp xanh Cuba ảnh hưởng đến tế bào ung thư tiếp theo trên người và động vật.
Các nghiên cứu về khả năng chữa ung thư của nọc bọ cạp xanh Cuba còn rất hạn chế. Ảnh: Asia Shine. |
Tiếp nối nghiên cứu trên, năm 2017, nhóm nghiên cứu này đánh giá cụ thể hơn ảnh hưởng của nọc độc bọ cạp xanh Cuba (được cung cấp bởi công ty Labiofam) trên dòng tế bào ung thư vú bộ ba âm tính (MDA-MB-231). Nghiên cứu cho thấy nọc độc bọ cạp xanh Cuba làm ức chế sự phát triển và điều hòa gen gây thúc đẩy chu trình tự chết tế bào ung thư vú.
Hai nghiên cứu này đều trong phòng thí nghiệm, ít có giá trị lâm sàng, chưa thể khái quát sang người. Ngoài ra, cả hai nghiên cứu trên đều được tiến hành bởi nhóm nghiên cứu của Díaz-García A tại trung tâm nghiên cứu của công ty Labiofam (nơi sản xuất Vidatox đưa ra thị trường).
Năm 2014, chúng ta có một phân tích tổng quan hệ thống các nghiên cứu đánh giá về nọc độc của các loài bọ cạp khác nhau từ Trung Quốc, Ấn Độ và châu Mỹ trên khả năng ức chế tế bào ung thư. Một số thành phần trong các loài bọ cạp này đã cho thấy có khả năng ức chế tế bào ung thư mức độ in vitro bao gồm BmK AGAP, BmKCT, Chlorotoxin, Iberiotoxin, Magatoxin, Charybdotoxin, Bengalin.
Tuy nhiên, bài tổng quan này không nhắc đến loài bọ cạp xanh Cuba. Các nghiên cứu về nọc độc bọ cạp trong bài báo này cũng đều tiến hành trong phòng thí nghiệm, chưa được thực hiện trên lâm sàng.
Bên cạnh đó, việc chiết xuất và xác định đặc tính, liều lượng của thành phần có hoạt tính sinh học chống ung thư từ nọc độc các loại bọ cạp vẫn chưa được rõ ràng, còn là một thách thức lớn cho các nhà khoa học.
Năm 2017, Catia Giovannini và cộng sự, một nhóm nhà khoa học nghiên cứu độc lập người Italy, đã tiến hành nghiên cứu đánh giá tác dụng của nọc độc bọ cạp xanh Cuba trên mô hình chuột bị gây ung thư tế bào gan.
Kết quả nghiên cứu cho thấy Vidatox không có tác dụng ngăn sự phát triển tế bào ung thư mà còn gây gia tăng tiến triển và xâm lấn của khối u gan. Sau khi đăng trên tạp chí Nature, tựa đề đầu tiên của bài báo đã sửa từ “Venom from Cuban Blue Scorpion has tumor activating effect in hepatocellular carcinoma” thành “Vidatox 30 CH has tumor activating effect in hepatocellular carcinoma”. Nguyên nhân sự thay đổi này là nọc độc bọ cạp xanh Cuba được sử dụng trong nghiên cứu chính là chế phẩm Vidatox 30CH của công ty Labiofam. Dù nghiên cứu này chỉ tiến hành trên chuột và chưa được đánh giá lâm sàng, song việc thận trọng khi sử dụng sản phẩm Vidatox trên bệnh nhân ung thư tế bào gan rất đáng cân nhắc.
Gần đây, Mohammadreza Moradi và cộng sự đã đánh giá tổng quan hệ thống về tác dụng kháng ung thư của các loại nọc độc bọ cạp nói chung, được công bố vào tháng 6/2018.
Bằng cách tìm kiếm chuẩn theo hướng dẫn PRISMA (Preferred Reporting Items for Systematic Reviews and Meta-Analyses ) - một hướng dẫn chuẩn về công cụ phân tích hệ thống để thu lại những bài phân tích chất lượng nhất trên các nguồn thông tin khoa học uy tín. Kết quả thu được khá khiêm tốn khi chỉ có 53 nghiên cứu được công bố, trong đó có 40 nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, 13 nghiên cứu trên động vật và chưa có nghiên cứu nào trên người.
Trong 53 nghiên cứu này, một nghiên cứu đánh giá nọc độc của loài bọ cạp xanh Cuba của nhóm tác giả Díaz-García A, phòng nghiên cứu và phát triển của công ty Labiofam sản xuất Vidatox.
Đáng chú ý, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí nổi tiếng Nature cho thấy sự bất lợi của Vidatox, sản phẩm từ nọc độc bọ cạp xanh Cuba, trên mô hình động vật bị gây ung thư gan. Từ nghiên cứu này, các chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân ung thư gan không nên sử dụng nọc độc bọ cạp xanh Cuba để tránh những biến cố bất lợi đáng tiếc.
Vậy chúng ta có nên sử dụng nọc độc bọ cạp xanh Cuba để điều trị ung thư hay không? Rõ ràng, nọc độc bọ cạp xanh Cuba chỉ được công nhận là thuốc hay thực phẩm hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân ung thư. Hiện tại, chúng chưa phải là thuốc điều trị ung thư thực sự.
Những quảng cáo Vidatox chữa khỏi ung thư, thuốc điều trị ung thư là không đúng. Vì vậy, việc cân nhắc lợi ích được thổi phồng quá mức của Vidatox, những rủi ro về tác dụng phụ, tương tác thuốc với quá trình hóa xạ trị cũng như chi phí bệnh nhân phải bỏ ra là rất quan trọng, trong bối cảnh các loại thuốc xách tay hay thực phẩm chức năng được bán tràn lan như hiện nay.
Bài viết được giám sát và chỉnh sửa bởi TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện City of Hope, California, Mỹ; TS. Lê Anh Phương, Viện Cơ Sinh học, Đại học Quốc gia Singapore, Singapore, thành viên Ban Khoa học Ruy Băng Tím.
Ruy Băng Tím là tổ chức phi lợi nhuận về phòng chống ung thư tại Việt Nam, được thành lập vào ngày 12/12/2015 với sự tham gia của các bác sĩ ung bướu, các nhà khoa học nghiên cứu về ung thư trong và ngoài nước.
Tài liệu tham khảo:
1. Đỗ Tất Lợi (2005), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học.
2. Diaz-Garcia A., Morier-Diaz L., et al. (2013), "In vitro anticancer effect of venom from Cuban scorpion Rhopalurus junceus against a panel of human cancer cell lines", J Venom Res.
3. Diaz-Garcia A., Ruiz-Fuentes J. L., et al. (2017), "Rhopalurus junceus scorpion venom induces apoptosis in the triple negative human breast cancer cell line MDA-MB-231", J Venom Res.
4. Diaz-Garcia A., Ruiz-Fuentes J. L., et al. (2015), "Enzymatic analysis of venom from Cuban scorpion Rhopalurus junceus", J Venom Res.
5. Ding J., Chua P. J., et al. (2014), "Scorpion venoms as a potential source of novel cancer therapeutic compounds", Exp Biol Med (Maywood).
6. Garcia-Gomez B. I., Coronas F. I., et al. (2011), "Biochemical and molecular characterization of the venom from the Cuban scorpion Rhopalurus junceus", Toxicon.
7. Giovannini C., Baglioni M., et al. (2017), "Venom from Cuban Blue Scorpion has tumor activating effect in hepatocellular carcinoma", Sci Rep.
8. Giovannini C., Baglioni M., et al. (2017), "Corrigendum: Vidatox 30 CH has tumor activating effect in hepatocellular carcinoma", Sci Rep.
9. Glenn F.King (2015), Venoms to Drugs: Venom as a Source for the Development of Human Therapeutics, Royal Society of Chemistry.
10. Mohammadreza Moradi, Reza Solgi, et al. (2018), "Scorpion venom and its components as a new pharmaceutical approach to cancer treatment, A system review", International Journal of Pharmaceutical Sciences and Research.
11. Rodrigo Gutierrez, Sarah Marsh (2018, 15/12/2018), "Worth the sting: Cuba's scorpion pain remedy", Retrieved
12. Rodriguez-Ravelo R., Coronas F. I., et al. (2013), "The Cuban scorpion Rhopalurus junceus (Scorpiones, Buthidae): component variations in venom samples collected in different geographical areas", J Venom Anim Toxins Incl Trop Dis.