“Quy luật 5 giây” cho rằng nếu thức ăn rơi xuống đất trong vòng 5 giây, vi khuẩn chưa kịp nhiễm vào thức ăn nên nhặt lên ăn vẫn an toàn.
Cho đến nay vẫn không biết cha đẻ của “Quy luật 5 giây” là ai. Tại sao lại là 5 giây mà không là 3 hay 7 giây? Và dựa vào nghiên cứu nào để đưa ra con số 5 giây?
Không ai biết. Nhưng nhiều người vẫn tin, vẫn mặc định đó là chân lý khoa học. Thỉnh thoảng lại rộ lên tranh luận trên báo chí, bàn ra tán vào như chuyện phiếm, tốn khá nhiều giấy mực, đến độ lôi kéo cả những nhà khoa học vào cuộc.
Huyền thoại 5 giây nóng lên
Quy luật này có lẽ được gợi hứng từ thời Thành Cát Tư Hãn hồi thế kỷ XII. Vị đại đế này, trong bữa tiệc khao quân, đã truyền lệnh cho các tướng lĩnh rằng đồ ăn rơi xuống đất vẫn an toàn để ăn, dù đồ ăn này đã nằm trên mặt đất cả 12 giờ đồng hồ.
Thời nay không thể kéo dài như thế, nên rút xuống còn 5 giây và “Quy luật 5 giây” trở thành huyền thoại.
Tranh luận về "quy luật 5 giây" khi đồ ăn rơi xuống đất đã xuất hiện từ lâu. Ảnh minh họa: Newyorktimes. |
Huyền thoại này được tiếp nối với cô nữ sinh cấp 3, Jillian Clarke, khi cô này đến thực tập tại Đại học Illinois (Mỹ), đã lau sàn nhà của phòng thí nghiệm, sảnh đường, quán cà phê và ký túc xá của trường bằng giẻ lau. Khi xét nghiệm giẻ lau, cô thấy nhiễm khuẩn rất ít.
Cho rằng sàn nhà ở trường quá sạch, tiến sĩ Meredith Agle, khi đó còn là nghiên cứu sinh ở đây, đã hướng dẫn cô nữ sinh này làm thêm thí nghiệm bằng cách dùng hai loại gạch men có bề mặt mịn và nhám đã khử trùng, rồi cho phết một lượng khuẩn E.Coli nhất định lên gạch, sau đó để bánh quy và kẹo dẻo lên mặt gạch. Kết quả đều nhiễm khuẩn trước 5 giây.
Huyền thoại 5 giây bắt đầu nóng lên khi khảo sát của cô nữ sinh Clarke cho thấy 70% phụ nữ và 56% đàn ông vẫn quen áp dụng quy luật 5 giây. Đến đây, giới khoa học nhập cuộc với nghiên cứu bài bản hơn.
Nhiễm trong tích tắc chứ không cần tới 5 giây
Có nhiều nghiên cứu liên quan đến trò chơi 5 giây này, nhưng có lẽ hai nghiên cứu sau đáng chú ý nhất.
Nghiên cứu của giáo sư Paul Dawson ở Đại học Clemson (2007), làm với mẫu bánh mì và xúc xích tiếp xúc nền nhà bằng gạch men, gỗ và thảm. Kết quả cho thấy vi khuẩn salmonella có thể sống tới 4 tuần trên mặt sàn khô và nhiễm vào thực phẩm ngay khi rơi xuống sàn.
Một nghiên cứu khác của tiến sĩ Donald Shaffner (Rutgers University) cho thấy thủ phạm đáng ngại hơn không phải thời gian nằm trên sàn bao lâu, mà là ẩm độ.
Thực phẩm ẩm ướt như dưa hấu, kem bị nhiễm khuẩn nhanh hơn thực phẩm khô như bánh mỳ hoặc kẹo dẻo. Bề mặt thảm lại ít gây nhiễm cho thực phẩm hơn sàn gạch hoặc sàn inox.
Nên hay không nên ăn?
Tuy nhiên có một thực tế, không phải cứ ăn thực phẩm nhiễm khuẩn là mắc bệnh. Vì cần phải nhiễm một lượng vi khuẩn đủ lớn để vượt qua ải tàn sát của dịch vị nơi dạ dày, vi khuẩn mới tung hoành được.
Thực phẩm để nguội ở nhiệt độ thường quá 2 giờ đồng hồ, chẳng cần phải rơi xuống đất, cũng đã bắt đầu nhiễm khuẩn từ môi trường không khí.
Việc có nhiễm vi khuẩn sau khi ăn đồ bị rơi hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Ảnh minh họa: Dreamtimes. |
Ngay cả giáo sư Paul Dawson, người “kết thúc” huyền thoại 5 giây nói trên, cũng phải thừa nhận trong đa số trường hợp, nếu nhặt ăn miếng bánh quy vừa rơi trên sàn nhà, có lấm chút bụi, và dù bị nhiễm khuẩn thì có vẻ như chẳng hại gì với những người có hệ miễn nhiễm tốt.
Ẩn ý của ông nhắm đến hai yếu tố: Thời gian (nhặt lên ăn ngay) và thực phẩm khô. Tuy nhiên, Dawson cũng nhấn mạnh giữ vệ sinh sàn nhà là điều quan trọng nhất.
Ăn hay không nên ăn khi thực phẩm rơi xuống đất? Rõ ràng nhận xét của giáo sư Paul Dawson cũng chưa được rõ ràng.
Thực nghiệm của cô nữ sinh Clarke có nhiều thiếu sót, không phân biệt loại sàn nhà và loại thực phẩm (khô, ướt), nhưng lại khuấy động dư luận. Theo thăm dò, 70% quý bà mê “Quy luật 5 giây”.
Tuy nhiên, cô nữ sinh Clarke với thí nghiệm gây khuấy động dư luận đã được trao giải “Nobel… ngược” (Ig Nobel) tại Đại học Harvard năm 2004, cùng với nhà phát minh ra karaoke.
Giải Ig Nobel được trao hàng năm cho những nghiên cứu làm cho thiên hạ bật cười và cũng khiến thiên hạ phải suy nghĩ. Cũng có đủ loại giải Ig Nobel như vật lý, hóa học, sinh vật, kinh tế, hòa bình,… y như giải Nobel thật. Mới đây, giải Ig Nobel về kinh tế được trao cho nghiên cứu về mối liên hệ giữa béo phì và tham nhũng ở các chính trị gia.
Nữ sinh Clark được trao giải Ig Nobel về sinh vật. Ngoài giấy chứng nhận danh hiệu Ig Nobel, Clark còn được thưởng hiện kim trị giá 10.000 tỷ đô la Zimbabwe. Đồng tiền Zimbabwe bị siêu lạm phát, có năm phải phát hành tờ tiền có mệnh giá lên tới 100.000 tỷ.
Ông Vũ Thế Thành là chuyên gia Hóa học, Quản trị chất lượng. Đây là tác giả của một số cuốn sách đã xuất bản liên quan vấn đề dinh dưỡng như Ăn để sướng hay ăn để sợ?, Để ăn không phải băn khoăn.