Khoảng 4h40 ngày 15/7, trong lúc đi bộ thể dục tại Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi), Nguyễn Viết Hiệp (40 tuổi) bất ngờ thấy một vệt sáng kỳ lạ xuất hiện trên bầu trời.
"Lúc đầu tôi tưởng là máy bay vì hướng đó về phía sân bay Chu Lai. Nhưng nhìn kỹ thì thấy không giống, vệt sáng kéo dài và phát sáng mạnh", anh nói với Tri Thức - Znews.
Anh Hiệp lấy điện thoại ghi lại hình ảnh rồi đăng lên mạng xã hội để hỏi thêm ý kiến. Sau khi tra cứu, anh mới biết đó là hiện tượng "rocket plume" (chùm khí tên lửa) - luồng khí thải ra từ động cơ tên lửa sau khi đốt cháy nhiên liệu.
"Cảnh tượng xuất hiện vào sáng sớm nên nhìn rất rõ và ấn tượng. Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến điều này", anh cho hay.
![]() |
Vệt sáng hình nón xuất hiện trên bầu trời Quảng Ngãi, sáng 15/7. Ảnh: Nguyễn Viết Hiệp. |
Tương tự, tại Đà Nẵng, trên đường đi làm sáng nay, nhiếp ảnh gia tự do Hoàng Minh Đức bất ngờ bắt gặp một vệt sáng lạ di chuyển trên bầu trời. Dù từng biết đến hiện tượng "rocket plume" từ trước, đây là lần đầu anh chứng kiến trực tiếp nên không khỏi bất ngờ.
Theo Đức, Việt Nam từng ghi nhận hiện tượng này vào năm ngoái, nhưng lần này hình ảnh rõ ràng và ấn tượng hơn.
"Hiện tượng lạ thì tất nhiên sẽ thu hút sự quan tâm. Với tôi, điều quan trọng là ghi lại được khoảnh khắc hiếm có như vậy", anh nói.
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng sáng nay trên bầu trời nhìn từ phía Việt Nam là do Trung Quốc đã phóng thành công tàu chở hàng vũ trụ Thiên Châu-9 từ bãi phóng Văn Xương (tỉnh Hải Nam) bằng tên lửa đẩy Trường Chinh-7 Y10. Thời điểm phóng là lúc 5h34 giờ Bắc Kinh (tức 4h34 giờ Hà Nội).
![]() |
Hơi nước ngưng tụ phản chiếu ánh sáng mặt trời khi tên lửa bay ở tầng cao khí quyển lúc hừng đông. Ảnh: Nguyễn Viết Hiệp. |
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia khí tượng thủy văn, cho biết tên lửa Trường Chinh 7 là một tên lửa đẩy siêu vượt âm (tốc độ lớn hơn 8.575 km/h) sẽ tạo ra một "bức tường âm thanh" phía sau nó. Vệt khí màu trắng hình nón phía sau tên lửa siêu thanh được gọi là đám mây ngưng tụ (condensation cloud) hoặc vệt ngưng tụ (vapor cone).
"Thứ vệt sáng màu trắng thấy được bằng mắt thường là do sóng xung kích (shockwave), ngưng tự hơi nước, điều kiện môi trường và hiệu ứng thị giác", ông Huy nói.
Theo chuyên gia, trong điều kiện áp suất và nhiệt độ thấp do sóng xung kích gây ra, hơi nước trong không khí ngưng tụ thành các giọt nhỏ li ti, tạo thành một đám mây trắng. Đám mây này thường có hình nón vì sóng xung kích lan tỏa theo hình nón (gọi là nón Mach) từ điểm mũi của tên lửa.
Hiện tượng này dễ quan sát hơn trong điều kiện không khí ẩm, khi lượng hơi nước dồi dào hơn. Vệt sáng trắng mà người dân nhìn thấy không phải là khói hay nhiên liệu cháy, mà là hơi nước ngưng tụ phản chiếu ánh sáng mặt trời khi tên lửa bay ở tầng cao khí quyển lúc hừng đông.
Tùy vào góc nhìn và điều kiện môi trường, hình ảnh ghi lại sẽ có độ rõ nét và màu sắc khác nhau.
Travel blogger truyền cảm hứng du lịch qua những câu chuyện đầy màu sắc về những điểm đến mới lạ, những trải nghiệm độc đáo mà họ khám phá được trong hành trình. Những bài viết, video hay hình ảnh của họ không chỉ mang lại kiến thức về địa lý, mà còn khơi gợi niềm đam mê khám phá thế giới. Đọc sách là một phần không thể thiếu trong hành trình này, giúp họ tìm hiểu sâu sắc hơn về văn hóa, lịch sử và con người ở mỗi nơi.
Mục Du lịch - Ẩm thực giới thiệu chân dung travel blogger kiêm tác sách, những con người lan tỏa nguồn cảm hứng xê dịch và tiếp nạp tri thức.
> Xem thêm: Travel blogger Đinh Hằng: Thật khó để cô đơn khi du lịch một mình