Thực hư việc bắt thí sinh cam kết không quay clip
Liệu có phải học sinh trường THPT dân lập Đồi Ngô phải ký cam kết không quay clip và đóng 520.000 đồng để hỗ trợ thi tốt nghiệp?
Hôm qua 26/5 cộng đồng mạng “nóng” trước thông tin trên mạng xã hội được cho là của “Người đương thời” Đỗ Việt Khoa về việc học sinh trường THPT Dân lập Đồi Ngô (Lục Nam, Bắc Giang) và tỉnh Bắc Giang phải cam kết “không quay clip” trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, ngoài ra trường này thu 520 ngàn đồng/học sinh để “hỗ trợ thi tốt nghiệp”.
Những thông tin trên mạng xã hội được coi là của ông Đỗ Việt Khoa . |
Trên FB có mấy dòng với nhiều lỗi chính tả được đưa lên mạng vào lúc 11h07 ngày 25/5:
“Ký cam kết không quay clip ở Bắc Giang:
Bà Nguyễn Thị Chờ, hiệu trưởng trường Đồi NGô vừa phát yêu cầu gv chủ nhiệm phát cam kết không quay clip cho học sinh khối 12. Ngoài ra, trường này thu 520 ngàn đồng/hs tiền gọi là hỗ trợ thi tốt nghiệp. Hỏi ra thì toàn bộ các trường học của Bắc Giang đều bắt học sinh ký”.
Lập tức những thông tin này tiếp tục được cộng đồng mạng loan truyền và thu được những phản hồi khá đa dạng. Điều này khiến nhiều học sinh, giáo viên, gia đình học sinh ở Đồi Ngô cũng như những địa phương khác hoang mang, phân tán tư tưởng trước những ngày sát kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Số tiền 520 nghìn đồng không phải để “hỗ trợ thi tốt nghiệp”
Giải trình về khoản thu 520.000 đồng/học sinh, Hiệu trưởng THPT Dân lập Đồi Ngô Nguyễn Thị Chờ cho biết: Ngày 7/4/2013, tại trường THPT Dân lập Đồi Ngô đã có cuộc họp phụ huynh học sinh cuối kỳ II năm học 2012-2013. Tại Điểm 4 trong biên bản ghi rõ: Hội nghị hoàn toàn nhất trí với tất cả các khoản thu phục vụ cho ôn thi tốt nghiệp năm học 2012-2013 đã được BGH công khai trong hội nghị toàn thể PHHS của Nhà trường cụ thể:
a./ Tiền học ôn thi tốt nghiệp: 440.000 đồng.
b./ Tiền phôi bằng tốt nghiệp: 10.000 đồng.
c./ Tiền thi học kỳ II: 20.000 đồng.
d./ Tiền thi thử tốt nghiệp: 30.000 đồng”.
Cô Chờ cho biết thêm: Với số tiền học ôn thi tốt nghiệp như trên, các em được học 40 buổi (11.000 đồng/buổi). Việc học ôn này được giáo viên lên kế hoạch cụ thể và Hiệu trưởng duyệt. Tiền phôi bằng nếu em nào thi đỗ mới phải đóng góp, nếu học sinh nào trượt sẽ được hoàn trả.
Nhà trường thu tiền thi học kỳ II là vì kỳ kiểm tra này các em tập dượt lần thứ nhất thi tốt nghiệp THPT: có đề riêng, giấy thi, giấy nháp… đúng như trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Trong hạng mục thi thử tốt nghiệp, việc thu thêm 20.000 đồng so với thỏa thuận là do trước đây trường dự định thi thử 3 môn, nhưng sau đó việc thi thử được tổ chức cho cả 6 môn.
Cô giáo Chờ cũng xuất trình trước đoàn kiểm tra của Sở GD&ĐT các chứng từ, văn bản có liên quan.
Nhóm phóng viên làm việc với Giám đốc Nguyễn Đức Hiền (người ngồi giữa) tại văn phòng trường THPT Dân lập Đồi Ngô . |
Thầy Nguyễn Đức Hiền khẳng định: “Ngay sau khi nhận được thông tin, tôi cùng Chánh Thanh tra Sở, Trưởng phòng khảo thí đã kiểm tra và khẳng định những thông tin về việc trường PTTH Đồi Ngô thu 520.000 đồng/học sinh để “hỗ trợ thi” là không đúng sự thực”.
Không hề có cam kết “không quay clip”
Về hoang tin “Bà Nguyễn Thị Chờ, hiệu trưởng trường Đồi Ngô vừa phát yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phát cam kết không quay clip cho học sinh khối 12”, thầy Nguyễn Đức Hiền cho biết:
“Ngày 9/4/2013, Sở GD&ĐT Bắc Giang có văn bản số 405/SGDĐT- KTKĐCLGD gửi công an tỉnh Bắc Giang, Sở Thông tin và truyền thông về việc đề nghị hỗ trợ, tổ chức các kỳ thi năm 2013 và giúp Sở xác định các loại thiết bị, máy ghi âm và ghi hình có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh và hình ảnh trực tiếp nếu không có các thiết bị hỗ trợ khác; các thiết bị hỗ trợ để giúp phát hiện các thiết bị, máy ghi âm và ghi hình không được phép mang vào phòng thi.
Ngày 3/5/2013, Đại tá Trần Đình Hồng - Phó Giám đốc công an tỉnh Bắc Giang, đồng thời là Phó Trưởng ban chỉ đạo thi của tỉnh - đã ký văn bản số 200/CV-CAT (PA 83) phúc đáp:
“Yêu cầu thí sinh đăng ký và cam kết với hội đồng thi trước 5 ngày để kiểm tra thiết bị đem vào phòng thi chỉ có chức năng ghi âm, ghi hình mà không truyền được thông tin, không nhận được tín hiệu âm thanh và hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác; có hướng dẫn cụ thể việc thí sinh sử dụng các loại máy ghi âm, ghi hình ở phòng thi đảm bảo trật tự phòng thi theo đúng quy chế”.
Ngoài ra, công an tỉnh Bắc Giang cung cấp hình ảnh, tính năng, tác dụng một số loại thiết bị ghi âm và ghi hình đang bán trên thị trường để Sở Giáo dục tham khảo và nghiên cứu.
Trên cơ sở đó, Sở GD&ĐT đã có mẫu Bản đăng ký và cam kết gửi các trường PTTH trong toàn tỉnh hướng dẫn thí sinh đăng ký có hoặc không mang các thiết bị ghi âm và ghi hình vào phòng thi.
Cam kết máy ghi âm và ghi hình các em đem vào phòng thi “chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh và hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác”.
Trường THPT Dân lập Đồi Ngô . |
Trong bản đăng ký và cam kết tuyệt nhiên không hề có chi tiết “cấm quay clip” như mạng xã hội Đỗ Việt Khoa thông tin.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT còn cho biết thêm, những thí sinh không đăng ký và cam kết, nhưng mang thiết bị ghi âm và ghi hình theo đúng quy định vào phòng thi cũng không vi phạm quy chế.
Với những căn cứ trên, một lần nữa lãnh đạo Sở khẳng định thông tin trên Facebook được cho là của người đương thời Đỗ Việt Khoa là không đúng sự thật.
Tuy nhiên, cũng ngay trong chiều Chủ nhật 26/5, căn cứ công văn số 3506/BGDĐT-CNTT hướng dẫn kiểm tra các loại máy ghi âm và ghi hình mang vào phòng thi của Bộ Giáo dục&Đào tạo, Giám đốc Nguyễn Đức Hiền đã báo cáo ông Nguyễn Văn Linh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang, Trưởng ban Chỉ đạo thi – để thông báo cho toàn bộ thí sinh không phải đăng ký và cam kết việc mang các thiết bị ghi âm, ghi hình được cho phép vào phòng thi.
Theo Giáo dục và Thời đại