Sự thật về việc uống cà phê trước ăn gây hại tới sức khỏe. Ảnh: steve_harvey. |
Thời gian gần đây, thông qua nền tảng TikTok, một số người chia sẻ rằng uống cà phê khi đói có thể làm rối loạn nội tiết tố, dẫn đến đau bụng kinh nghiêm trọng hơn, mụn trứng cá, đầy hơi và nhiều tác dụng hại khác.
Cụ thể, trong video với hơn 10 triệu lượt xem, một tài khoản cho rằng “tình trạng rối loạn cortisol” của mình đến từ thói quen uống cà phê nhưng không ăn sáng. Về mặt lý thuyết, cortisol là một loại hormone gây căng thẳng, giúp kiểm soát chức năng miễn dịch, lượng đường trong máu và tâm trạng.
Một số tài khoản Tik Tok cho rằng uống cà phê trước ăn ảnh hưởng tới sức khỏe của họ. |
Song song với với đó, một tài khoản khác cũng chia sẻ trải nghiệm của mình về việc ăn sáng trước khi uống cà phê đã giúp cô cải thiện vấn đề tiêu hóa, giảm đầy hơi và loại bỏ mụn do nội tiết tố.
Sự thật
TS William R. Lovallo, giáo sư tâm thần học và khoa học hành vi tại Trung tâm Khoa học Y tế, Đại học Oklahoma (Mỹ), đã dành hơn 20 năm để nghiên cứu cách cafein ảnh hưởng đến huyết áp và hormone gây căng thẳng.
Từ đây, ông cho biết cafein có thể được hấp thụ nhanh hơn khi uống lúc đói. Tuy nhiên, chất này sẽ không dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố trong hầu hết trường hợp.
Uống cà phê trước khi ăn có thể không gây hại như nhiều người nghĩ. Ảnh minh họa: sincerely_media. |
Lovallo cho biết: “Thực tế, nhiều người có thể chia sẻ các thông tin liên quan đến một vấn đề bất kỳ, ở đây là uống cà phê khi đói, từ trải nghiệm của chính mình. Tuy nhiên, những thông tin này có thể chính xác hoặc không khi xét theo quan điểm khoa học hoặc y tế”.
Brooke Levine, chuyên gia dinh dưỡng tại NYU Langone Health, khẳng định chưa có bằng chứng chứng minh việc uống cà phê khi đói có thể ảnh hưởng đến mức cortisol.
Bà nói: “Cơ thể chúng ta sản xuất cortisol một cách tự nhiên vào buổi sáng, điều này không liên quan đến việc uống cà phê”.
Cả Lovallo và Levine đều khẳng định hầu hết nghiên cứu đã cho thấy cà phê mang lại lợi ích cho sức khỏe. Một số nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng cafein chứa chất chống oxy hóa, có thể giúp cơ thể hạn chế nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như suy giảm trí nhớ.
Levine lưu ý: “Dù vậy, nếu cảm thấy cơ thể bị ảnh hưởng xấu bởi sản phẩm này, chúng ta cần đánh giá lại tổng lượng cà phê tiêu thụ hoặc chọn uống các loại cà phê không chứa cafein, cà phê ủ lạnh với hàm lượng axit thấp”.
Cà phê không phải nguyên nhân gây đầy bụng
Một số người cho rằng cà phê gây ra tình trạng đầy hơi, khó tiêu. Tuy nhiên, các chuyên gia sức khỏe cho rằng triệu chứng có thể không liên quan đến cortisol.
Levine cho biết: “Cafein trong cà phê có thể kích thích tiêu hóa, từ đó gây ra các vấn đề về như đầy hơi và chướng bụng. Mặt khác, uống cà phê với sữa cũng có thể gây đầy hơi nếu người uống không dung nạp được sữa”.
Vị chuyên gia cũng gợi ý chúng ta nên thử các lựa chọn đồ uống với cà phê không đường hoặc sữa để kiểm tra liệu các thành phần này có làm hạn chế các triệu chứng bất thường về tiêu hóa hay không.
Theo Lena Beal, chuyên gia dinh dưỡng tim mạch tại Bệnh viện Piedmont Atlanta, cà phê cũng có thể làm tăng tiết axit dạ dày ở một số người, từ đó dẫn đến chứng khó tiêu và đầy hơi.
Vị chuyên gia này cũng gợi ý việc ăn trước khi uống cà phê có thể giúp một số người bớt các triệu chứng khó chịu về tiêu hóa. Tuy nhiên, cách làm này chỉ có thể áp dụng cho một số cá nhân nhất định.
Ngoài việc uống cà phê, các yếu tố khác như thuốc hoặc tập thể dục buổi sáng cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa của chúng ta.
Có nên ăn sáng trước khi uống cà phê không?
Hầu hết chuyên gia đồng ý rằng hiện khoa học chưa có đủ bằng chứng để tuyên bố chắc chắn về việc chúng ta nên ăn sáng trước khi uống cà phê.
Một nghiên cứu năm 2020 đã khuyên chúng ta nên ăn sáng trước khi uống cà phê vào buổi sáng. Tuy nhiên, tác giả chính của nghiên cứu là TS Harry A. Smith, nhà khoa học nghiên cứu tại Đại học Bath, cho rằng nghiên cứu chưa kiểm tra mối tương quan giữa 2 hoạt động này một cách cụ thể.
Cà phê không cafein có thể là lựa chọn cho người cảm thấy khó chịu sau khi uống. Ảnh minh họa: gc_libraries_creative_tech_lab. |
Nhóm của ông đã điều tra một đêm ngủ không ngon có thể ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất như thế nào. Kết quả cho thấy việc uống cà phê ngay sau khi tỉnh dậy (chưa ăn) có thể làm giảm khả năng kiểm soát lượng đường trong máu. Tuy nhiên, nghiên cứu không xem xét bất kỳ tác động lâu dài nào.
Smith cũng nhận định đây chỉ là một gợi ý thay vì khuyến nghị tuyệt đối rằng mọi người cần ăn sáng trước khi uống cà phê.
Thay vì quá tập trung vào thời điểm uống cà phê trước hay sau khi ăn sáng, các chuyên gia khuyên chúng ta nên chú ý đến phản ứng của cơ thể với cafein hơn.
Lovallo nói: “Mỗi người sẽ có cách phản ứng riêng với cafein. Nếu cảm thấy không thoải mái hoặc lo lắng sau khi tiêu thụ cafein, chúng ta chuyển sang loại cà phê không chứa cafein”.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.