Ngày 24/10, Cơ quan điều tra Công an TP.HCM sẽ đến nơi xảy ra tai nạn giao thông để thực nghiệm hiện trường điều tra vụ "cô gái bị bắt vì đụng ôtô". Vụ việc xảy ra đến nay đã hơn 2 năm, có liên quan đến Thạch Thị Bé Trúc.
Theo luật sư Kim Ron Tha (người bào chữa miễn phí cho Trúc), ông và thân chủ của mình đã nhận được giấy triệu tập đến hiện trường để tham gia buổi điều tra.
Trước đây vụ án do Công an huyện Củ Chi thụ lý giải quyết, tuy nhiên nhận thấy vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, Công an TP.HCM rút hồ sơ lên để điều tra. Cơ quan điều tra triệu tập Trúc đến lấy lời khai đồng thời quyết định trưng cầu giám định tốc độ ôtô gây tai nạn.
Tuy nhiên sau đó VKSND TP.HCM bất ngờ quyết định chuyển hồ sơ vụ án về lại Công an Củ Chi để điều tra theo đúng thẩm quyền.
Theo nguồn tin riêng của Pháp Luật TP.HCM, cơ quan điều tra Công an TP.HCM không đồng ý với quyết định trên của VKS nên đã kiến nghị, đề xuất giữ hồ sơ vụ án lại để tiếp tục điều tra và vừa được chấp thuận.
Thạch Thị Bé Trúc sau khi được tại ngoại. |
Khoảng 22h ngày 27/3/2015, Thạch Thị Bé Trúc chạy xe máy chở bạn là Nguyễn Thị Ngọc trên đường nông thôn số 9. Đến ngã tư, Trúc cho xe băng qua đường Trần Văn Chẩm thì xe va chạm với ôtô do ông Huỳnh Nhật Hoài điều khiển. Vụ tai nạn làm Ngọc tử vong tại bệnh viện do chấn thương sọ não.
Cáo trạng xác định Hoài có phần lỗi phụ là điều khiển xe khi đến ngã tư không làm chủ tay lái. Còn Trúc có lỗi chính khi điều khiển xe máy không có giấy phép lái xe, lưu thông từ đường nhánh ra đường chính không nhường quyền ưu tiên cho ôtô đang đi trên đường chính. Từ đó, cáo trạng chỉ truy tố Trúc về tội Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ, không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tài xế ôtô.
Tháng 3/2016, Trúc bị bắt tạm giam khi đang nuôi hai con nhỏ. Tháng 5/2016, TAND huyện Củ Chi mở phiên tòa sơ thẩm lần đầu nhưng trả hồ sơ, yêu cầu cơ quan điều tra trưng cầu giám định tốc độ của ôtô vào thời điểm xảy ra tai nạn, lấy lời khai của người làm chứng…
Tháng 9/2016, TAND Củ Chi mở phiên xử lần hai và tiếp tục trả hồ sơ vì các yêu cầu của trước đó chưa được cơ quan điều tra và VKS đáp ứng.
Đến phiên tòa sơ thẩm lần 3 (tháng 11/2016), cơ quan điều tra và VKS vẫn chưa trưng cầu giám định tốc độ ôtô, chưa lấy lời khai nhân chứng theo yêu cầu của tòa nên tòa lại trả hồ sơ. Lần này tòa có thêm một yêu cầu là cơ quan điều tra phải làm rõ người lái ôtô gây tai nạn có đúng là Huỳnh Nhật Hoài hay không (vì qua các phiên tòa Trúc đều khai tài xế là Lê Thanh Tùng, không phải Hoài). Tại sao cơ quan điều tra không đo nồng độ cồn tài xế ô tô...?
Ngày 23/1/2017, Trúc được trả tự do. Trong kết luận điều tra mới nhất, cơ quan điều tra vẫn giữ nguyên quan điểm đề nghị truy tố. Cơ quan điều tra khẳng định hiện trường không có vết thắng nên không giám định được tốc độ ô tô. Tài xế ôtô là Hoài, không phải là Tùng. Sau tai nạn, Hoài đến công an xã trình báo sự việc rồi về. Ba ngày sau, Hoài mới đến công an huyện trình báo nên không thể đo được nồng độ cồn.