Nhiều người cho biết, họ thường xuyên gặp hiện tượng đầy hơi, khó chịu nơi dạ dày, nhất là sau những bữa ăn thịnh soạn, cảm giác bồn chồn, khó chịu trong bụng tăng lên. Bạn cần kiểm tra chế độ ăn uống cũng như các loại thực phẩm đưa vào cơ thể trước khi nghi ngờ mình có thể mắc một căn bệnh nào đó của hệ tiêu hóa.
Ngày nay việc ăn uống đòi hỏi người tiêu dùng phải có kiến thức, thậm chí trở thành người ăn uống thông minh, khoa học để có được một sức khỏe tốt nhất để đảm bảo cho việc lao động hay học tập của mình. Có nhiều loại thực phẩm cung cấp các chất mà axít dạ dày khó chuyển hóa, tích tụ nhiều cùng lúc sẽ gây khó tiêu nơi dạ dày, như một số thực phẩm dưới đây:
Thực phẩm có hàm lượng fructose cao
Trái cây nói chung là nhóm thực phẩm chứa hàm lượng đường fructose rất nhỏ, dễ tiêu hóa, phòng chống được nhiều bệnh tật. Tuy nhiên fructose thực chất là một loại đường đơn, nó là “thực phẩm yêu thích” của các loại vi khuẩn đường ruột, đây là nguyên nhân tạo thành khí trong dạ dày khi ăn quá nhiều thực phẩm có hàm lượng cao fructose.
Một số loại trái cây có hàm lượng fructose cao như nho, anh đào, lê, táo, mận, dưa hấu, chà là, nho khô. Tiêu thụ quá mức các loại thực phẩm này có thể ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa của cơ thể, gây ra các vấn đề khí ở đường ruột.
Các loại đậu
Đậu được biết đến là thực phẩm chuyên gây ra chứng đầy bụng bởi các loại đậu nói chung có hàm lượng cao vitamin, khoáng chất, đặc biệt là protein thực vật cao hơn bất kỳ loại rau nào khác. Ngoài ra chúng còn chứa chất stachyose và raffinose phức. Đây là hai loại đường phức tạp mà khi qua ruột già, vi khuẩn bacteria “ăn” những thành phần đường này và tạo ra khí.
Vậy làm thế nào bạn có thể tránh sự hình thành khí và vẫn có thể ăn đậu, nguồn thực phẩm chính đảm bảo protein cho những người ăn chay? Đơn giản chỉ cần ngâm đậu trong nước một thời gian và sau đó rửa sạch chúng trước khi nấu. Điều này sẽ làm giảm lượng đường trong đậu và giảm bớt những khó khăn của các chất khí.
Đậu là một trong những thực phẩm có thể gây đầy hơi. |
Sữa và sản phẩm từ sữa
Không dung nạp lactose là một vấn đề thường gặp của khoảng 20 % dân số thế giới, là nguyên nhân gây chướng bụng, đầy hơi. Đây là một căn bệnh phổ biến, dễ phát hiện nhất ở trẻ em, khi cho trẻ uống sữa trẻ thường bị đi ngoài, đau bụng, hay “xì hơi”. Đó là do dạ dày không sản xuất ra một loại enzym giúp tiêu hóa lactose.
Có thể tránh dùng các sản phẩm chứa nhiều lactose như hạn chế lượng sữa hoặc sản phẩm từ sữa như kem, sữa chua, bơ, kem chua và pho mát. Hãy dùng các sản phẩm thay thế bổ sung canxi như các loại rau xanh đậm, tôm, cua, súp lơ....
Các loại ngũ cốc nguyên hạt
Các loại ngũ cốc nguyên hạt cũng là “tác nhân” làm dạ dày đầy hơi. Bởi trong các loại ngũ cốc nguyên hạt thường có thành phần chính là các sợi thực vật chứa carbohydrate cao, thường khó tiêu hóa hơn các thành phần khác. Khi chất xơ này đến đại tràng, các vi khuẩn kết hợp với chúng gây lên men giải phóng khí. Việc tiêu thụ các loại thực phẩm như bánh quy giòn, bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt nên hạn chế để tránh đầy hơi.
Rau quả có đường khó tiêu
Một số loại rau như giá đỗ, cần tây, măng tây, cải Brussels, tỏi tây, hành tây, súp lơ, bắp cải, bông cải xanh thường chứa các loại đường khó tiêu hóa với hàm lượng cao. Khi các loại đường này đi xuống đại tràng, khí được thải ra như một sản phẩm phụ. Hoặc hạn chế sử dụng các loại rau này khi đầy hơi hoặc bạn có thể tìm đến các chuyên gia y tế để nhận sự giúp đỡ, có một số loại thuốc hạn chế được chứng đầy hơi, khó chịu dạ dày..
Đồ uống có ga và nước soda
Các loại đồ uống có ga như nước ngọt, bia, khi tiêu thụ là bạn đã “bổ sung” cho hệ tiêu hóa của mình một lượng khí từ bên ngoài vào. Điều này thường làm người uống “phát thải khí” qua hậu môn, tệ hơn là ợ nóng ngay tại chỗ. Thay thế nước ngọt và đồ uống có ga bằng nước, trà hoặc nước trái cây là một lựa chọn tốt cho sức khỏe hơn.
Kẹo cứng
Vào mỗi dịp tết, việc ăn bánh kẹo là một trong những cách bạn đang làm gia tăng khí trong dạ dày. Bánh quy là sản phẩm tạo khí đường ruột, còn khi bạn ngậm kẹo vô tình bạn đã nuốt một lượng khí từ bên ngoài vào dạ dày của mình. Ngoài ra các sorbitol - một chất thay thế đường thường được dùng làm chất tạo ngọt trong kẹo, làm tăng nguy cơ khí đường ruột, có người bị nặng hơn là tiêu chảy kéo dài.
Yến mạch
Bột yến mạch là một loại thực phẩm ăn sáng ngon và lành mạnh. Nhiều người thường dùng bột yến mach để giảm cân bởi nó có hàm lượng cao chất xơ. Nhưng thực tế loại thực phẩm này không có những mối nguy hiểm nếu không hiểu biết để dùng đúng. Các chuyên gia y tế cho rằng, bột yến mạch hoặc bất kỳ loại sản phẩm khác của nó bao gồm cám yến mạch hoặc bánh làm từ bột yến mạch đều gây ra khí quá mức trong đường ruột do trong nó có hàm lượng cao chất xơ hòa tan.
Thực phẩm chế biến
Thực phẩm đóng gói, các loại thực phẩm chế biến, thức ăn nhanh, ngũ cốc hay bánh mì mà thành phần chứa nhiều lactose và fructose. Nếu sử dụng kết hợp các loại thực phẩm này trong khẩu phần ăn tất sẽ dẫn đến sự gia tăng thải khí.
Nhai kẹo cao su
Hiện nay trên thị trường thường bán các sản phẩm kẹo cao su không có sorbitol, đây là loại kẹo cao su nên sử dụng hơn các loại thông thường khác. Bởi kẹo cao su thường chứa nhiều sorbitol, ngoài ra còn có xylitol hay mannitol, đều là các chất khó tiêu hóa, tăng ợ hơi, tạo khí trong dạ dày. Thêm vào đó, việc nhai kẹo cao su thường xuyên cũng làm chính bản thân người ăn nuốt nhiều hơi từ ngoài vào cơ thể, gây khí đường ruột.
Chúng ta không cần thiết phải kiêng tuyệt đối tất cả các sản phẩm kể trên, bạn chỉ cần hạn chế các sản phẩm đó khi dạ dày cảm thấy khó chịu, ậm ạch. Tùy thuộc vào trạng thái sức khỏe và việc lắng nghe cơ thể mình để bạn có thể ăn uống khoa học, có lợi nhất cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt, tránh mắc bệnh.