Mười năm trước điều đó chỉ có trong mơ, nhưng vài năm gần đây đã là chuyện thường ngày và Đắk Lắk trở thành một trong những tỉnh thành tích cực nhất trên cả nước về phong trào hiến máu.
Xếp hàng chờ tới lượt hiến máu. |
Những cá nhân thiện nguyện
Gần tròn 20 năm kể từ lần hiến máu đầu tiên tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong màu áo sinh viên Đại học Ngoại thương, tới nay anh Mai Tiến Hùng đã 30 lần hiến máu và 2 lần hiến tiểu cầu, để cứu người thập tử nhất sinh.
Buôn Ma Thuột rất nhiều người biết quán karaoke Mi Thứ địa chỉ 42 Nguyễn Văn Trỗi do anh Mai Tiến Hùng làm chủ không chỉ là nơi đến để ca hát, mà còn là điểm hẹn của một “ngân hàng máu sống” (NHMS) gồm 51 bạn bè, đồng nghiệp, nhân viên, người thân, hàng xóm của anh Hùng.
Trong 5 năm qua, NHMS Mi Thứ đã hiến hơn 350 đơn vị máu. Vợ anh Hùng - chị Võ Thị Lan thành viên NHMS không những nhiệt tình cổ vũ chồng hiến máu, mà còn cùng chồng tham gia bảo trợ 2 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong phường, hàng tháng đến giúp đỡ những mái ấm nuôi dưỡng người già neo đơn, tàn tật, ủng hộ bếp ăn từ thiện của bệnh viện.
Đi đầu trong phong trào hiến máu nhân đạo, anh Mai Tiến Hùng vừa được vinh danh tại đại hội Thi đua Yêu nước tỉnh Đắk Lắk, nhiều lần được Bộ Y tế và lãnh đạo tỉnh tặng bằng khen. Khi Chủ nhật Đỏ (CNĐ) được tổ chức lần đầu tiên tháng 1/2014 tại Đắk Lắk, anh Mai Tiến Hùng được nhận cúp pha lê của chương trình.
Anh Hùng chia sẻ: Mỗi lần hiến tiểu cầu, người hiến phải nằm hơn 2 tiếng để máu chảy qua máy lọc, tự động chiết tách lấy 2 đơn vị tiểu cầu đậm đặc từ 900 ml máu, nên phải chịu mệt gấp đôi so với hiến máu toàn phần. Riêng trong năm 2015, Hùng đã 2 lần hiến tiểu cầu để cứu 2 phụ nữ sinh con bị băng huyết.
Nhìn dòng tiểu cầu lọc từ máu mình truyền vào cơ thể nạn nhân đẩy lùi cơn nguy kịch, cứu sống cả mẹ lẫn con, Hùng ấm lòng nghĩ đó là món quà đặc biệt năm mới cho người không quen. Vừa biết tin chương trình CNĐ sắp tổ chức lần thứ ba tại Đắk Lắk, Hùng đã đăng ký tham gia tại điểm hiến trường Cao đẳng Sư phạm, vào chiều 21/1/2016.
Gia cảnh chật vật hơn anh Mai Tiến Hùng, nhưng bề dày làm hoạt động thiện nguyện của cựu binh Nguyễn Tấn Chờ ở thôn Tiến Thịnh, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar cũng rất đáng nể, với 21 lần hiến máu và 6 lần hiến tiểu cầu suốt 26 năm qua. Anh cũng thường trực ở bếp ăn tình thương để góp phần cưu mang, giúp đỡ người nghèo ở bệnh viện huyện. Năm 2015, anh Chờ đã được biểu dương trong Đại hội thi đua của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ tư.
Khám sức khỏe trước khi hiến máu. |
Đến các tập thể sôi nổi
Năm 2011, Đoàn thanh niên Công an tỉnh Đắk Lắk thành lập Câu lạc bộ “Giọt hồng” với hơn 500 cán bộ chiến sĩ thành viên. Trong 4 năm, “Giọt hồng” đã huy động 20 đợt hiến máu tập trung, thu được hơn 3.200 đơn vị máu, góp phần cứu sống hàng trăm bệnh nhân, nạn nhân nguy kịch tại bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Trong “Giọt hồng”, có anh Cao Quốc Nam cán bộ phòng Hồ sơ và anh Vũ Tùng phòng Cảnh sát Kinh tế 11 lần hiến máu, anh Lê Văn Lâm phòng Tổ chức cán bộ, anh Y Hong Kbuôr phòng Kỹ thuật nghiệp vụ cũng hiến máu 9 lần. Chương trình CNĐ do báo Tiền Phong tổ chức năm 2014 tại Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh, năm 2015 tại Đại học Tây Nguyên đều có nhiều đoàn viên trong sắc phục Công an, bộ đội tham gia.
Không có cách nào thể hiện tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc anh em thiết thực, cụ thể hơn hành động hiến máu. Trong 47 dân tộc đang chung sống trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, thông qua việc hiến máu cứu người, dòng máu của dân tộc này đã truyền và hòa lẫn vào dòng máu dân tộc khác một cách nhân đạo, nhân văn.
Ông Lê Xuân Hồng
Lực lượng tình nguyện viên hầu hết là sinh viên đang học hoặc mới ra trường, thường trực tinh thần hiến máu cứu người kiểu kêu đâu chạy đó, thiếu đâu cho đó.
Mấy năm trở lại đây, mạng lưới tình nguyện viên hiến máu đã phủ kín cả 184 xã phường trên toàn tỉnh. Cấp huyện, phong trào mạnh nhất ở Ea Kar, Ea Súp, Krông Pắk, Krông Năng, Cư M’gar...
Thuê nhà trọ chờ hiến máu
Ea Súp là huyện biên giới, cách trung tâm tỉnh cả trăm cây số, đời sống đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn, nhưng năm nào Ea Súp cũng vượt chỉ tiêu hiến máu. Nông dân từ các xã giáp biên như Ia R’vê, Ia Lốp hễ nghe có đợt vận động lại rủ nhau chạy xe máy bốn, năm chục cây số về huyện thuê nhà trọ ngủ lại, để sáng hôm sau hồi sức mà thử máu.
Huyện M’Đrắk cửa ngõ phía Đông tỉnh, thống kê của Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) cho thấy đã có 47 người đã hiến máu từ 5 lần trở lên, trong đó có người hiến tới lần thứ 13. Nghĩa cử cao đẹp này lan tỏa tính thiện, giúp cộng đồng xã hội sống nhân ái hơn.
Ea Kar nằm dọc quốc lộ 26 là huyện đông dân, giao thông thuận lợi hơn, ở đó có Ea Păl là một trong những xã nghèo lại đông đảo người dân ủng hộ việc hiến máu. Bà Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Ea Păl cho biết: Trước đây, lực lượng hiến máu trong xã chủ yếu là thanh niên, học sinh. Bây giờ có cả nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh... đều tích cực hưởng ứng!
Ea Kar ngày càng có thêm nhiều tấm gương hiến máu tiêu biểu, danh sách những người hiến máu trên 10 lần ngày càng nhiều. Từ khi cả thị trấn trung tâm huyện đến các thôn xã vùng sâu đều tham gia tích cực vào phong trào hiến máu, bệnh viện huyện đã bảo đảm đủ máu dự trữ cho nhu cầu cấp cứu và điều trị bệnh nhân.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện huyện Ea Kar cho biết: 10 năm qua, huyện Ea Kar đã vận động triển khai được 24 đợt hiến máu nhân đạo, gần 7.400 người tham gia, hiến được 5.858 đơn vị máu.
Những cá nhân đi đầu như ông Nguyễn Công Tuấn - Ban dân vận huyện ủy đã hiến máu 11 lần, anh Khiếu Đình Dũng - Bí thư đoàn xã Ea Sar và anh Trương Văn Hà ở thôn 3 xã Ea K’mut đã hiến 14 lần; Phụ nữ cũng có chị Nguyễn Thị Tuyết ở khối I thị trấn Ea Kar hiến 10 lần, chị Nguyễn Thị Liên ở thôn 7 xã Ea Đar hiến máu 9 lần…
Khi nghe đài huyện đưa tin chương trình CNĐ 2016 sẽ tổ chức ở Ea Kar vào 23/1 sắp tới, từ cán bộ đến người dân đều nhiệt tình hưởng ứng. Chỉ sau vài ngày vận động, đã có gần một nghìn tình nguyện viên tham gia. Trong đó, riêng xã Ea K’mut hơn 20 thôn buôn đăng ký trên 300 người...
Máu hiến tại Đắk Lắk được chuyển về Viện Huyết học & Truyền máu Trung ương. |
Hiến máu bằng cả tấm lòng
Về nhận nhiệm vụ chuyên trách tại Ban chỉ đạo HMTN tỉnh Đắk Lắk từ ngày đầu mới thành lập, ông Lê Xuân Hồng Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo HMTN, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh cho biết: Đắk Lắk phát động phong trào hiến máu nhân đạo từ năm 2003. Năm đó toàn tỉnh chỉ vận động được 560 đơn vị máu, chủ yếu trong học sinh, sinh viên.
Máu cấp cứu chủ yếu phải đi mua từ những người bán máu chuyên nghiệp. Tròn 10 năm sau, lượng máu hiến đáp ứng cho tất cả bệnh viện trong toàn tỉnh tới 90%, 10% còn lại của thân nhân người bệnh, chấm dứt hoàn toàn tình trạng mua máu kém chất lượng, nhiều rủi ro.
Năm 2015 toàn tỉnh hiến được 17.016 đơn vị máu. Ngoài phục vụ nội tỉnh, mỗi năm Đắk Lắk còn chuyển tặng Viện Huyết học và truyền máu Trung ương 3.000-4.000 đơn vị máu. Khi bệnh viện Đa khoa Tây Nguyên đi vào hoạt động, được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, các ca đại phẫu được triển khai tại đây, không phải chuyển viện đi TP HCM nhiều như trước. Các mô hình câu lạc bộ HMTN và ngân hàng máu sống, ngân hàng máu hiếm không ngừng được củng cố, nhân rộng.
Trên địa bàn Tây Nguyên, nhiều năm qua riêng tỉnh Đắk Lắk quyên góp hàng năm được lượng máu bằng cả 3 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông vận động cộng lại. Đắk Lắk là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về hiến máu nhân đạo, đặc biệt đã lan tỏa được rất sâu sắc ý thức hiến máu cứu người đến tận buôn làng vùng sâu, vùng xa.