Tôi bị trĩ, sau khi đi ngoài có máu lẫn phân, viền hậu môn sưng to, đau rát nên tôi rất sợ mỗi lần đi đại tiện. Có loại thuốc nào để chữa trị được dứt điểm bệnh tôi đang gặp không, thưa bác sĩ? - Đinh Thị Hạnh (Tuyên Quang)
Bác sĩ Đình Huỳnh tư vấn:
- Theo thư bạn mô tả thì có thể bạn bị trĩ ngoại, đó là những búi sưng do các tĩnh mạch căng lên hoặc phần da ở các nếp gấp viền hậu môn bị viêm, sưng to, sự tăng sinh của các mô liên kết hoặc máu tụ thành. Để điều trị bệnh, bạn cần đi khám xác định tình trạng bệnh mới có chỉ định điều trị cụ thể. Thuốc điều trị bệnh trĩ có thể giúp giảm các triệu chứng của bệnh, chủ yếu gồm 2 loại:
Thuốc uống: là thuốc chứa hoạt chất rutin (còn gọi là vitamin P), tác động đến tĩnh mạch, có tác dụng điều hòa tính thẩm thấu và tăng sức bền chắc thành của các tĩnh mạch, do đó làm giảm phù nề, giảm sung huyết các tĩnh mạch ở vùng trĩ, cầm máu đối với trĩ chảy máu, co búi trĩ. Trong điều trị trĩ ngoại, bác sĩ sẽ tùy theo tình trạng bệnh để kê cho bệnh nhân dùng liều điều trị tấn công và liều điều trị củng cố.
Ngoài thuốc tác động chính trên tĩnh mạch trĩ, có thể dùng thêm các thuốc khác như: kháng sinh (nhóm penicillin, cephalosporin…), thuốc chống viêm, giảm đau (ibuprofen, naproxen…), thuốc nhuận tràng… Người bệnh cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ định, đặc biệt phải kiên trì dùng thuốc đủ thời gian.
Thuốc đặt hoặc thuốc bôi: sử dụng thuốc mỡ bôi lên vùng bị tổn thương để có tác dụng tại chỗ. Các loại thuốc dạng bôi này có chứa hoạt chất giảm đau, ngứa, rát, giúp sát trùng, chống nhiễm trùng, song chỉ có tác dụng giảm bớt các triệu chứng chứ không thể điều trị triệt để. Thuốc thường dùng có chứa hydrocortisone 1%, làm giảm viêm và ngứa, nhưng không sử dụng quá 2 tuần vì có thể làm mỏng da.
Thuốc có tác dụng tại chỗ (cả bôi và đặt) thường chứa nhiều hoạt chất như: làm giảm đau, chống viêm, kháng sinh, bảo vệ và làm bền chắc tĩnh mạch (bismuth subgallate, resorcinol, tannic acid, zinc oxide), sát trùng (boric acid, neomycin, phenylmercuric nitrate và oxyquinlone), ngoài ra còn chứa các vitamin, chất bổ dưỡng giúp tổn thương mau lành.
Nói chung, thuốc điều trị trĩ rất hạn chế và khó điều trị triệt để. Nhiều trường hợp mắc trĩ nặng, bị lâu năm, có biến chứng thường phải phẫu thuật cắt búi trĩ. Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh trĩ cần có chế độ ăn giàu chất xơ, uống nhiều nước để chống táo bón (sẽ làm bệnh trĩ nặng hơn), duy trì hoạt động thể dục thể thao ở mức vừa phải như đi bộ, bơi lội… sẽ giúp các nhu động ruột hoạt động tốt, tiêu hóa tốt và tuần hoàn máu vùng hậu môn tốt, không gây ứ trệ máu làm giảm nguy cơ căng phồng tĩnh mạch hậu môn, phòng ngừa bệnh trĩ.