Bệnh trĩ là bệnh của vùng hậu môn trực tràng có tỷ lệ người mắc khá cao, nữ nhiều hơn nam. Theo TS. Nguyễn Mạnh Nhâm, Chủ tịch Hội hậu môn trực tràng, cho biết, tỷ lệ mắc trĩ ở nước ta hiện nay lên tới 35-50%.
Theo một nghiên cứu mới đây của Hội ở các tỉnh phía Bắc, có tới 55% dân số mắc trĩ. Vì bệnh ở vùng kín đáo nên bệnh nhân thường ngại đi khám và điều trị rất muộn sau nhiều năm, vì vậy, việc phòng bệnh là vô cùng quan trọng.
Nguyên nhân gây bệnh
Khi mang thai, theo từng giai đoạn thai nhi phát triển ngày càng to, nhất là ở thời kỳ cuối đè lên vùng bụng làm các mạch máu bị chèn ép, các tĩnh mạch ở tầng sinh môn và đáy chậu cũng bị chèn ép, khó lưu thông dẫn đến cương lên, tạo thành búi trĩ. Kèm theo đó, vấn đề táo bón ở phụ nữ mang thai thường xuyên xảy ra và kéo dài khiến thai phụ dễ mắc bệnh trĩ.
Tránh ngồi lâu, ngồi nhiều một chỗ. Ảnh: Lovelykids |
Mặt khác, trong quá trình sinh con, tử cung mở to, tăng áp lực khoang chậu, tụ máu sưng phù tĩnh mạch ở phần hậu môn. Cộng với việc rặn đẻ làm tăng áp lực lên ổ bụng, khiến búi trĩ dễ sa ra ngoài.
Phòng bệnh trĩ như thế nào?
Trước hết, trong quá tình mang thai cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý, nên ăn nhiều rau, củ, quả. Hạn chế ăn muối, đường, không sử dụng các thức ăn có chất kích thích… tránh để tình trạng táo bón kéo dài.
Uồng nhiều nước và nước hoa quả nhưng tránh uống trà hay cà phê vì chúng có thể làm bệnh nhân mất nước. Tập đi bộ thường xuyên và tập thể dục phù hợp. Điều này sẽ kích thích ruột, giúp khả năng tiêu hoá tốt hơn hạn chế táo bón.
Tránh ngồi quá lâu nhất là ngồi xổm, hoặc đứng trong thời gian dài sẽ làm tăng mức độ nặng của bệnh trĩ. Nếu công việc bắt buộc phải ngồi nhiều, mỗi giờ bạn nên đứng dậy và đi lại khoảng vài phút. Tại nhà, bạn nên nằm nghiêng về phía bên trái khi đi ngủ, nằm đọc sách hay xem tivi để giảm áp lực lên tĩnh mạch trực tràng và giúp tăng lưu thông máu từ nửa dưới cơ thể.
Tập thói quen đi vệ sinh mỗi ngày, không được nín, nhịn. Tránh tình trạng căng thẳng và ngồi đúng tư thế khi đi vệ sinh.