Tuy nhiên, hiện nay còn rất nhiều loại thuốc có thể gây sốc phản vệ nguy hiểm như thuốc kháng động kinh, aspirine, các thuốc kháng viêm - giảm đau - hạ nhiệt không steroid.
Khảo sát 806 bệnh nhân và sàng lọc những người bị các phản ứng có hại của thuốc với biểu hiện sốc phản vệ trên lâm sàng vào điều trị tại khoa cấp cứu của một bệnh viện ở Brazil cho kết quả có 117/806 bệnh nhân (14,5%) được chẩn đoán bị sốc phản vệ.
Nguyên nhân gây sốc do thuốc đã được xác định trong 76% trường hợp, trong đó gần 50% phản ứng gây ra bởi các loại thuốc kháng viêm không steroid, tiếp theo là cao su (12%), kháng sinh (4%), thuốc chẹn thần kinh cơ, thuốc cản quang và midazolam (3%). Có 78/117 bệnh nhân (66,7%) báo cáo đã bị một phản ứng trước đó với chính loại thuốc đang gây phản ứng hiện tại hoặc do một loại thuốc cùng nhóm gây ra.
Thuốc kháng viêm không steroid là các loại thuốc có tác dụng kháng viêm, hạ nhiệt, giảm đau (ibuprofen, indometacin, naproxen, piroxicam, diclofenac, celecoxib, nimesulid...) thường gây ra sốc phản vệ chậm. Nhiều bệnh nhân dù đã có tiền sử dị ứng thuốc trước đó nhưng vẫn được chỉ định sử dụng tiếp nên rất dễ bị sốc phản vệ do thuốc.