Tại hội thảo “Hơi thở của cuộc sống - Vì một thế giới không khói thuốc” nhằm hưởng ứng "Ngày thế giới không thuốc" lá 31/5 và "Tuần lễ quốc gia không thuốc lá" (từ 25-31/5), BS CKII Tạ Chi Phương , Trưởng khoa hóa chất Bệnh viện ung bướu Hưng Việt, cho hay nước ta có 15 triệu người người hút thuốc thực sự trong khi có đến 40 triệu người phải chịu tác động từ khói thuốc, tức hút thuốc thụ động. Ngoài ra, tại nơi làm việc cũng có 5 triệu người thường xuyên phải tiếp xúc khói thuốc lá thụ động.
Phụ nữ hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá thường xuyên sẽ có hệ miễn dịch yếu hơn, dễ bị cảm lạnh, viêm phổi hay ung thư phổi. |
Người hút thuốc phải đối mặt với nguy cơ mắc các căn bệnh như ung thư phổi, các bệnh về hô hấp, tim mạch,... Trong đó, hút thuốc chiếm tới 80-90% nguyên nhân dẫn đến ung thư phổi. Còn những người sống gần người hút thuốc cũng phải đối mặt với một loạt căn bệnh như ung thư nói chung, ung thư phổi, các bệnh về hô hấp, tim mạch, đái tháo đường, thậm chí ảnh hưởng tới hệ sinh sản và tử vong do suy giảm hệ miễn dịch.
Khi nào cần đi khám sàng lọc ung thư phổi?
- Đột ngột có những cơn bo bát thường
- Sút cân không rõ nguyên nhân.
- Đau ngực
- Ho ra máu có đờm
Tuy nhiên, theo TS Hoàng Đình Chân, ung thư phổi là bệnh không có khả năng phát hiện sớm. Với những dấu hiệu trên, khi đã phát hiện, người bệnh đã ở giai đoạn muộn. Do đó, người dân cần đi khám sàng lọc định kỳ 2 lần/năm, những người trẻ có thể duy trì 1 lần/năm.
Con số tử vong hàng năm
Vẫn theo BS Tạ Chi Phương, khoảng 5,5 nghìn tỷ điếu thuốc lá sản xuất hàng năm trên thế giới được tiêu thụ bởi trên 1,1 tỷ người. Sản xuất thuốc lá tiêu tốn 500 tỷ đô la. Đó chính là nguyên nhân khiến 6 triệu người chết vì thuốc lá mỗi năm, 600.000 người chết vì hút thuốc lá thụ động.
Tại nước ta, theo thống kê năm 2014, người Việt nam đã bỏ ra tới 22 nghìn tỷ đồng cho tiêu dùng thuốc lá. Mỗi năm, gần 40.000 người tử vong vì các bệnh do có liên quan tới thuốc lá. Đặc biệt, số người chết do sử dụng thuốc lá còn nhiều hơn số người chết do HIV/AIDS, sốt rét và bệnh lao cộng lại.
Nhấn mạnh tác hại của việc hút thuốc lá, PGS. TS. BS Lê Chính Đại, Phó giám đốc Trung tâm Y tế học hạt nhân và ung bướu Bệnh viện Bạch Mai, cho biết thêm: “Khói thuốc là một yếu tố thuận lợi để gây ra hàng loạt căn bệnh bệnh, không nhất thiết là ung thư. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hay như tim mạch là những căn bệnh nguy hiểm có nguyên nhân trực tiếp từ thuốc lá mà ít người biết”.
Tác hại của thuốc lá vẫn còn kể cả khi dừng hút
Về điều này, TS.BS Hoàng Đình Chân, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Ung bứu Hưng Việt, cho hay trong khói thuốc lá chứa hơn 4.000 loại hóa chất. Trong đó có hơn 200 loại có hại cho sức khỏe, bao gồm chất gây nghiện và chất gây độc. Do đó, hút thuốc nói chung (bao gồm thuốc lá, thuốc lào, hút thuốc điện tử) đều mang đến những hệ lụy nguy hiểm như nhau đối với sức khỏe.
Đặc biệt, ngay cả khi dừng hút thuốc, tác hại của thuốc lá đối với cơ thể vẫn còn tồn tại tới 10-15 năm. “Khi bỏ thuốc, trong vòng tuần đầu tiên hoặc tháng đầu tiên, các dấu hiệu về tim mạch sẽ giảm nhanh nhưng dấu hiệu về ung thư vẫn còn. Nguyên nhân do hắc ín không thể loại bỏ ra khỏi cơ thể", TS Chân cho hay.
Hắc ín chính là sự lắng lại của khói thuốc với hàng ngàn chất hóa học và phụ gia với đặc điểm dính và nhầy như nhựa. Khi khói thuốc được hít vào phổi, các chất nhựa lắng đọng và bám vào các khoang chứa khí của phổi. Sau một thời gian, các chỗ nhựa thuốc lá bám vào gây ra bệnh ung thư và các bệnh về phổi. Để đào thải các chất này ra khỏi cơ thể cần phải có thời gian. Thực tế, TS Chân đã gặp nhiều trường hợp mắc bệnh dù đã bỏ thuốc hơn chục năm.
Ngoài ra, trong thuốc lá còn chứa nicotine là thành phần gây nghiện. Nếu bỏ thuốc, người hút sẽ mắc phải tác dụng phụ của nicotine như gây thèm ăn và dẫn đến tăng cân, trầm cảm.