- Vợ chồng em kết hôn được một năm, dù không áp dụng biện pháp tránh thai nào nhưng vẫn chưa có em bé. Chúng em đã đi khám ở nhiều nơi, bác sĩ kết luận chồng em bị yếu tinh trùng. Bệnh viện khác thì kết luận chồng em bị giãn tĩnh mạch tinh trái và cho uống thuốc một tháng.
Tháng sau lên tái khám, bác sĩ nói tinh trùng đã tăng lên nên cho thuốc uống tiếp, không cho mổ, nhưng gia đình em rất mong con vì em biết uống thuốc thì tinh trùng sẽ tăng từ từ và thời gian kéo dài rất lâu.
Bác sĩ cho em hỏi tình trạng chồng em như vậy thì có nên mổ không? Mổ có nguy hiểm gì không? Chồng em bị viêm gan B, uống thuốc nhiều quá có ảnh hưởng gì không?
Tinh dịch đồ của chồng em cụ thể như sau:
Thể tích: 1,5 ml >= 2,0 ml
Ly giải: 25ph < 30 ph
pH: 7,5 >= 7,2
Mật độ: 23 x 10 6 TT/ml >= 20 x 10 6 TT/ml
Di động: A. Tiến tới nhanh: 01% - A >= 25%
B. Tiến tới chậm: 07% - A + B >= 50%
C. Không tiến tới: 22%
D. Không di động: 70%
Tỷ lệ sống: 32% >= 75%
Hình dạng bình thường: 03% >= 15%
Bạch cầu: < 1 x 10 6 BC/ml < 1 x 10 6 BC/ml
Tiến sĩ Nguyễn Thành Như, nguyên Trưởng khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân TP HCM, trả lời:
- Tôi không trả lời được câu hỏi chồng bạn có nên mổ hay không vì chẩn đoán có giãn tĩnh mạch tinh hay không cần được khám trực tiếp.
Về tinh dịch đồ, muốn có kết quả chính xác hơn, anh ấy nên đến Bệnh viện Từ Dũ làm theo tiêu chuẩn 2010.
Tôi chưa thấy tài liệu nào nói thuốc viêm gan ảnh hưởng xấu đến tinh trùng. Nhưng tôi gặp khá nhiều bệnh bệnh nhân có tinh trùng yếu đang uống thuốc trị viêm gan. Do vậy lời khuyên của tôi là bệnh nhân chỉ nên uống thuốc viêm gan khi buộc phải sử dụng. Việc anh ấy có thể ngưng thuốc viêm gan hay không phải do bác sĩ chuyên khoa gan trả lời.
Nếu đúng là bị giãn tĩnh mạch tinh thì hiện nay các biện pháp điều trị như sau:
- X quang can thiệp làm tắc mạch. Phương pháp có tỷ lệ biến chứng chung là 6% như thủng mạch máu, thuyên tắc mạch và chỉ nên dành cho những trường hợp phẫu thuật thất bại.
- Phẫu thuật ngã bẹn (phẫu thuật Ivanissevich) có tỷ lệ tái phát cao và không bảo tồn động mạch tinh và gây đau vùng bẹn sau mổ.
- Phẫu thuật cột tĩnh mạch tinh ngã sau phúc mạc (phẫu thuật Palomo), có tỷ lệ tái phát thấp hơn và bảo tồn được động mạch tinh.
- Phẫu thuật ngã dưới bẹn có những thuận lợi tương tự như phẫu thuật ngã bẹn và ít đau hơn do không cắt cơ, tuy nhiên cần phải có vi phẫu.
- Phẫu thuật ngã bìu không còn được áp dụng nữa do có nhiều biến chứng.
- Phẫu thuật nội soi ổ bụng có tỷ lệ thành công tương tự phẫu thuật ngã sau phúc mạc; tuy nhiên nội soi ổ bụng lại tốn kém nhiều, có nguy cơ gây tổn thương ruột và các tạng trong ổ bụng.
Tóm lại vi phẫu thuật ngã dưới bẹn hay ngã bẹn thấp là phẫu thuật có tỷ lệ thành công cao nhất, ít biến chứng nhất và hiệu quả kinh tế cao nhất. Với phương pháp này, 21-55% bệnh nhân vô tinh trước mổ sẽ có tinh trùng di động trở lại trong tinh dịch, và ít nhất là 25% những bệnh nhân này có thai tự nhiên. Khoảng 75% bệnh nhân bị thiểu nhược tinh nặng (dưới một triệu tinh trùng /ml) có tinh dịch đồ cải thiện sau mổ, trong đó 38% bệnh nhân sẽ được làm cha.