50% nam giới tuổi 50-60 bị u xơ tuyến tiền liệt
Là một bộ phận của hệ thống sinh dục nam, tuyến tiền liệt (TTL) liên tục phát triển trong suốt cuộc sống của nam giới. Thế nên, tỷ lệ quý ông mắc bệnh u xơ TTL sẽ tăng dần theo độ tuổi. Tuy hiếm thấy ở trước tuổi 40, nhưng có đến 50% quý ông bị u xơ TTL khi bước qua tuổi 50-60 và tỷ lệ này tăng lên đến 90% ở tuổi 80-90. May mắn, đây chỉ là một dạng tăng sinh lành tính TTL (hay còn gọi bướu lành TTL, phì đại lành tính TTL, u phì đại lành tính TTL…). Đến nay, y học vẫn chưa biết rõ nguyên nhân chính bệnh là gì.ThS-BS Trà Anh Duy, Bệnh viện Bình Dân TP.HCM, cho biết: bệnh có thể được phát hiện khi quý ông gặp một số vấn đề về tiểu tiện. Cụ thể, đó có thể là triệu chứng tiểu lắt nhắt cả ngày lẫn đêm, tiểu gấp; tiểu nhiều lần, nhất là về đêm; triệu chứng tắc nghẽn với tia nước tiểu yếu, tiểu ngắt quãng, tiểu phải rặn, cảm giác tiểu không hết, tiểu nhỏ giọt, có thể gây bí tiểu.
Vì là một dạng tăng sinh lành tính nên có thể khẳng định rằng u xơ TTL không phải và cũng không dẫn đến ung thư TTL. Tuy nhiên, không loại trừ một người có thể cùng lúc vừa bị u xơ TTL vừa ung thư TTL. Khi nghi ngờ khả năng ung thư, bác sĩ sẽ cho người bệnh thực hiện siêu âm trực tràng và sinh thiết TTL.
Trong chuyên môn, thang điểm quốc tế về triệu chứng TTL chia tình trạng rối loạn đi tiểu của nam giới thành ba mức độ: rối loạn nhẹ, rối loạn trung bình và rối loạn nặng; tùy thuộc vào mức độ thường xuyên và nặng-nhẹ của các triệu chứng. Việc điều trị u xơ TTL chủ yếu dựa vào mức độ rối loạn đi tiểu và điểm chất lượng cuộc sống (do người bệnh tự đánh giá).
U xơ tuyến tiền liệt, lao tinh hoàn, lao mào tinh hoàn ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống và đời sống tình dục của quý ông nếu không chữa trị sớm. |
Nếu bị rối loạn nhẹ, chỉ cần theo dõi bệnh định kỳ. Song song đó, việc thay đổi những thói quen xấu trong lối sống sẽ giúp cải thiện các triệu chứng hiệu quả. Cụ thể: giảm/bỏ rượu và cà phê, tập thể dục điều độ, đi tiểu ngay khi mắc tiểu, uống từng lượng nhỏ nước nhiều lần trong ngày, tránh uống nhiều nước trước khi đi ngủ, tránh căng thẳng.
Ở mức độ rối loạn trung bình, bác sĩ sẽ kết hợp cho dùng thêm thuốc. Hiện có nhiều loại thuốc phối hợp như thuốc làm dãn cơ vùng cổ bàng quang, thuốc làm nhỏ kích thước TTL… giúp làm bệnh chậm tiến triển và làm tăng chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Trường hợp rối loạn đi tiểu nặng hoặc có biến chứng thì phải điều trị ngoại khoa. Tùy tình huống, người bệnh có thể được mổ nội soi (cắt TTL bằng dao đốt điện, laser) hoặc mổ mở.
ThS-BS Trà Anh Duy cảnh báo: bản thân u xơ TTL không ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng tình dục của nam giới. Tuy nhiên, bệnh lý này ảnh hưởng đến chức năng đi tiểu của bệnh nhân, về lâu dài dẫn đến biến chứng bí tiểu, ảnh hưởng chức năng của cả bàng quang và thận. Khi đó, phải điều trị để đi tiểu dễ dàng hơn và chính vấn đề điều trị sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chức năng tình dục.
Thứ nhất, những thuốc điều trị u xơ TTL thường có thể dẫn đến tình trạng xuất tinh ngược (khi xuất tinh, tinh dịch không ra ngoài mà lại vào bàng quang, sau đó đi tiểu ra), rối loạn cương, giảm ham muốn (tùy loại thuốc mà những tác dụng phụ này có tỷ lệ khác nhau).
Thứ hai, đối với trường hợp phẫu thuật điều trị u xơ TTL, ngoài những biến chứng có thể xảy ra do phẫu thuật, cũng có thể dẫn đến những rối loạn về tình dục như xuất tinh ngược, rối loạn cương và thậm chí biến chứng về đường tiểu như tiểu không kiểm soát, hẹp niệu đạo (tùy loại phẫu thuật mà tỷ lệ biến chứng khác nhau).
Thế nên, ngoài việc duy trì lối sống lành mạnh, quý ông trung niên khi có những triệu chứng rối loạn đi tiểu cần sớm đến khám ở bệnh viện chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và có cách điều trị phù hợp.
Vô sinh vì lao tinh hoàn
Theo BS Lê Tấn Phong, Trưởng khoa Lao ngoài phổi, BV Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, lao tinh hoàn, mào tinh hoàn hoặc tràn dịch màng tinh hoàn do lao thường gặp ở nam giới trong độ tuổi sinh đẻ, từ 30-40 tuổi. Trước đó, người bệnh có thể bị lây vi trùng lao qua đường máu hoặc tiếp xúc trực tiếp.
Vi trùng xâm nhập vào cơ thể người bệnh, khu trú tại các vị trí kể trên và khi kết hợp nhiều yếu tố như sức đề kháng của người bệnh giảm, lượng vi trùng đủ nhiều và mạnh thì bệnh sẽ bộc phát. Dấu hiệu để nhận biết là tinh hoàn sưng, đau; người bệnh cảm thấy đau nhức tinh hoàn rất nhiều, thậm chí bộ phận này còn bị xì mủ hoặc sưng to như có khối u, bướu.
Ban đầu, hầu hết các bệnh nhân đều rất ngại đi khám ở các cơ sở y tế nên tự mua thuốc kháng sinh về uống hoặc thoa. Sau một thời gian dùng kháng sinh không giảm, bệnh diễn tiến ngày càng nặng hơn, đau nhức và rò mủ nhiều hơn, người bệnh mới đi khám. Thông thường, khoa niệu sẽ là nơi mà bệnh nhân tìm đến.
Thực tế, bệnh này dễ bị nhầm lẫn với dạng bệnh nhiễm trùng khác của tinh hoàn, thế nên nhiều khả năng bệnh nhân cũng sẽ được kê đơn điều trị viêm tinh hoàn. Không chỉ vậy, với những trường hợp bị sưng to như bướu còn sẽ được chẩn đoán là ung thư tinh hoàn. Khi đó, nhiều khả năng người bệnh sẽ được chỉ định cắt khối u để sinh thiết tìm tế bào ung thư.
Tinh hoàn khá nhỏ nên khi đã nhiễm lao thì nguy cơ bị vô sinh rất cao vì khi đó khả năng sản xuất tinh trùng rất kém; nếu bị cắt phần u, sưng để làm sinh thiết thì hầu như không có cơ hội để có con theo cách truyền thống. Vì vậy, khi có những dấu hiệu kể trên, người bệnh nên kiểm tra thêm nguy cơ có bị nhiễm lao hay không. Nếu đúng là bị lao, chỉ cần điều trị thuốc kháng lao đều đặn, đúng liều khoảng chín tháng-một năm, bệnh sẽ khỏi. Điều trị ngoại trú, không nhất thiết phải nằm viện.
Hiếm gặp hơn và cực kỳ khó chẩn đoán là lao tiền liệt tuyến (TLT). Lao TLT thường kết hợp với lao đường tiết niệu nên có triệu chứng như tiểu rắt, tiểu khó, sốt; rất giống với u xơ hoặc ung thư TLT nên các bệnh này rất dễ nhầm lẫn với nhau. Thông thường chỉ có thể tìm được bệnh sau khi làm sinh thiết TLT. Trong khi u xơ TLT thường chỉ gặp ở nam tuổi trung niên trở lên thì lao TLT lại gặp ở người trẻ (30-40 tuổi). Do đó, mỗi người nên tăng cường sức đề kháng của mình bằng cách có chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, rèn luyện thể thao, làm việc và nghỉ ngơi điều độ.