Năm 490 TCN, hoàng đế Ba Tư là Darius đại đế mang quân đánh Hy Lạp, nhưng nhanh chóng bị đánh bại ở trận Marathon, phải tháo chạy qua đường biển về Tây Á. Thất bại đó không khiến Darius nản chí, ông ráo riết chuẩn bị cho cuộc phục thù lần thứ hai.
300.000 quân cùng 1.200 tàu chiến
Khi tham vọng chưa trở thành hiện thực, Darius đại đế qua đời. Với quyết tâm dùng sức mạnh quân sự để xâm chiếm bằng được các thành bang Hy Lạp theo ước nguyện của vua cha, năm 480 TCN, hoàng đế Ba Tư - Xerxes - huy động hơn 1.200 tàu chiến cùng khoảng 300.000 quân tiến sang châu Âu.
Dù cuộc hành quân của Xerxes đã không được như ý vì có tới 400 chiến thuyền bị đánh chìm do gặp bão trên biển, họ vẫn còn đến hơn 800 tàu chiến cỡ lớn. Trong khi đó, Hy Lạp chỉ có hơn 330 chiến thuyền nhỏ.
Hình ảnh về trận đánh thủy chiến đi vào lịch sử thế giới được tái hiện qua phim. |
Sau trận thua tại Thermoplylae - nơi 300 chiến binh của Sparta đã chiến đấu anh dũng - và tiếp theo là trận thua ở Artemisium, lãnh đạo của thành bang Athens là Themistocles đã thả một vài nô lệ đến chỗ quân Ba Tư để cung cấp thông tin sai lệch về Sparta và Athens.
Trúng kế của người Hy Lạp, quân Ba Tư tiến đến trận đánh cuối tại Salamis mà không hề hay biết đây là nơi đối phương đã chuẩn bị kỹ lưỡng.
Theo sách 100 cuộc chiến lẫy lừng trong lịch sử thế giới, sau khi Xerxes chỉ huy quân Ba Tư chiếm được Thermopylae, tiến thẳng vào thành Athens, tình hình Hy Lạp lúc này trở nên vô cùng nguy cấp. Đứng trước sự nguy nan, người Hy Lạp quyết một trận sống mái với quân Ba Tư trên biển.
300 tàu chiến của hạm đội liên hợp Hy Lạp dưới sự chỉ huy của Tổng tư lệnh hải quân người Sparta là Olypiades và thống soái Athens Timistockly, tạm thời rút về vịnh Salamis, chuẩn bị nghênh chiến với hạm đội Ba Tư.
Khi hạm đội Ba Tư biết tin này, họ đuổi theo phía sau, phong tỏa hai cửa ra hướng Đông - Tây của vịnh Salamis. Hạm đội liên hợp Hy Lạp hết đường tiến thoái, càng quyết tâm đoàn kết chống địch.
Ngày 19/9, Xerxes ra lệnh đưa ngai vàng của mình lên núi Egaros để quan sát vùng vịnh. Ông muốn tận mắt nhìn thấy hải quân Hy Lạp bị tiêu diệt. Số lượng chiến thuyền của Ba Tư nhiều gấp 3, 4 lần so với phía Hy Lạp, vừa đồ sộ, vừa được trang bị đầy đủ.
Lực lượng chủ lực của hạm đội Ba Tư chia thành 3 nhóm, tiến từ Đông sang Tây. Hạm đội Hy Lạp không ứng chiến ngay mà chiếm lấy vị thế có lợi, nấp sau đảo Pusitalia để chờ thời cơ.
Quân Ba Tư đến đảo Pusitalia chia thành hai nhóm nhỏ. Hạm đội Hy Lạp bất ngờ tấn công. Họ phát huy ưu thế linh hoạt của tàu nhỏ, di chuyển dễ dàng trong vùng vịnh hẹp để chiến đấu.
Chiến thuyền Ba Tư cồng kềnh, đi lại trong vùng vịnh hẹp vô cùng khó khăn, tiến không được mà lùi cũng chẳng xong, đâm vào nhau, loạn đội hình. Rất nhiều binh lính Ba Tư không biết bơi, bị đánh rơi xuống biển chết đuối. Tướng hải quân là anh em của Xerxes cũng chết trận.
Người Ba Tư phải chấm dứt kế hoạch xâm chiếm Hy Lạp sau trận thủy chiến Salamis. Ảnh: Wikipedia. |
Dập tắt tham vọng xâm lược châu Âu
Sau một ngày giao chiến ác liệt, dưới sự tấn công liên tục, mạnh mẽ của hạm đội mô hình nhỏ của hải quân Hy Lạp, người Ba Tư đã thất bại thảm hại. Thống soái lên kỳ hạm bỏ chạy, ra lệnh rút lui toàn tuyến.
Trong cuộc hải chiến này, hạm đội Hy Lạp chỉ tổn thất 30 chiến thuyền, giành được chiến thắng, tiêu diệt được hơn 200 chiến thuyền của Ba Tư, giáng một đòn nặng nề vào thế lực của Xerxes.
Theo Herodotus - người được suy tôn “cha đẻ của sử học phương Tây”, người Ba Tư bị thương vong nhiều hơn vì hầu hết không biết bơi. Xerxes, ngồi trên ngai vàng của mình ở núi Aigaleos, đã phải chứng kiến sự tàn sát mà đối phương dành cho đội quân viễn chinh của ông.
Vì lo ngại rằng người Hy Lạp có thể tấn công các cầu phao tại Hellespont và nhốt chặt quân đội của mình ở tại Châu Âu, Xerxes đã chọn cách quay về Ba Tư, với phần lớn quân đội của ông. Cuộc viễn chinh Hy Lạp lần thứ 3 đã kết thúc trong thất bại.
Trận thủy chiến lớn nhất thế giới cổ đại diễn ra ở vịnh Salamis của Hy Lạp. Ảnh: College.columbia.edu. |
Trận thua ở Salamis đã dập tắt hoàn toàn giấc mộng chinh phục châu Âu của Hoàng đế Xerxes của Ba Tư. Đồng thời, nó cũng là trận đánh khiến Themistocles trở thành tướng nổi danh trong lịch sử.
Cũng như nhiều trận đánh đi vào lịch sử khác, Salamis đã được dàn dựng thành phim, tái hiện thủy chiến lớn nhất thế giới thế giới cổ đại.