Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tiệm lẩu bò nồi đất hơn 40 năm ở TP.HCM

Giữa Sài Gòn có một tiệm lẩu không biển hiệu, không phải cửa tiệm khang trang, nhưng vẫn tồn tại suốt 40 năm và lúc nào cũng đắt khách dù nắng hay mưa.

Nằm ở đầu một con hẻm trên đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 3, TP.HCM), hàng lẩu bò nồi đất của bà Sáu đã trở thành điểm đến yêu thích của nhiều người trong suốt hơn 40 năm qua. Món lẩu bò nồi đất vừa ngon vừa rẻ ở đây khiến thực khách chỉ cần ăn một lần là trở thành khách quen.

Quán mở từ 17h30, vừa mở hàng đã có khách ghé vào rất đông. Nhiều người chậm chân đến muộn đành ngậm ngùi đi về vì hết bàn. Được biết, dù chỉ bán một vài tiếng vào buổi tối nhưng quán phải chuẩn bị nguyên liệu từ 8h sáng. Những người trong gia đình, mỗi người một việc, người đi chợ mua rau thịt, người sơ chế nguyên liệu, hầm nước dùng… Thế mà mất cả 1 ngày mới kịp giờ để mở hàng.

Lau bo Sai Gon anh 1

Quán mở từ 17h30, vừa mở hàng đã có khách ghé vào rất đông.

Lẩu bò ở đây độc đáo ở chỗ được nấu bằng nồi đất, cách chế biến này do chủ quán là bà Sáu tự nghĩ ra. Lẩu nấu bằng nồi đất có hương vị khác với nấu nồi inox thông thường. Lửa đun bằng than nên nhiệt tỏa từ từ, thịt bò mềm mà không dai, nước dùng cũng lâu cạn và ngấm sâu vào nguyên liệu hơn.

Nồi nước dùng được ninh trong 12 tiếng để lấy được vị ngọt đậm đà của xương. Hồi mới bán, bà Sáu nêm nếm theo hương vị miền Trung, đậm vị mặn và cay nên khách không thích. Dần dần, khi nhận được nhiều góp ý, bà gia giảm gia vị để phù hợp với khẩu vị của người miền Nam.

Làm lẩu nồi đất tốn công hơn so với nấu nồi sắt, bếp ga hay bếp cồn như các quán khác. Bếp than quạt tay nên mất thời gian, phải đều tay để lửa to, nước dùng nhanh sôi và giữ được nhiệt lâu.

Lau bo Sai Gon anh 2

Nồi lẩu nhỏ xinh đầy ắp thịt và các loại “topping” đặt trên bếp than hồng nhìn vô cùng đặc biệt.

Nồi lẩu nhỏ xinh đầy ắp thịt và các loại “topping” đặt trên bếp than hồng nhìn vô cùng đặc biệt. Nước dùng ngon ngọt, đậm đà. Bên trong là những miếng thịt bò tươi rói, gân bò, lưỡi bò, đuôi bò,… Ngoài ra còn có nấm, rau, váng đậu, mì trứng… Một nồi lẩu như này dành cho 2 đến 3 người ăn vẫn đủ no. Có lẽ vì ngon rẻ nên quán thu hút rất nhiều các bạn trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên.

1 tiếng sau giờ mở hàng, quán đã chật kín khách. Diện tích quán hạn chế và nhân lực cũng ít nên quán không thể phục vụ quá đông người cùng một lúc. Thế mà ngay cả khi quán đã kín bàn thì vẫn có nhiều khách đến và sẵn sàng chờ đợi cho đến khi có bàn. Có khi phải đợi 30 phút mới có chỗ. Cảnh tượng 15 – 20 người đứng xếp hàng dài chờ đến lượt vào quán là hết sức thường tình ở đây.

Thông thường, đến khoảng 19h30, muộn nhất là 20h, quán đã hết sạch 45 kg thịt bò. Với giá từ 150.000 đồng/nồi (suất 2 người ăn), mỗi ngày hàng của bà bán hết 100 nồi lẩu.

Bắt đầu bán từ những ngày một nồi lẩu chỉ có giá 6.000 đồng, khách vì hương vị thơm ngon, giá lại rẻ nên đến ngày càng đông. Có những người ăn từ khi còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành vẫn ghé lại quán để tìm lại hương vị xưa.

Dẫn khách Tây đi food tour quanh phố cổ

Trong vòng 3 tiếng, hướng dẫn viên dẫn khách đi bộ 5-7 km, ghé 6-8 điểm ăn để thưởng thức ẩm thực Việt kết hợp giới thiệu về kiến trúc phố cổ Hà Nội.

https://phunuvietnam.vn/tiem-lau-hon-40-nam-o-sai-gon-ngay-ban-het-veo-100-noi-trong-3-tieng-51202219522541499.htm

Theo H.M/ Phụ Nữ Việt Nam

Bạn có thể quan tâm