Nép mình trong con hẻm tại số 86 đường Nguyễn Du (quận 1, TP.HCM) gần Nhà thờ Đức Bà, tiệm súp cua của vợ chồng anh Tâm là địa điểm ăn xế nức tiếng Sài thành suốt gần 28 năm qua. Trước kia, quán vốn do mẹ anh Tâm mở trước cổng trường Tiểu học Hòa Bình làm kế sinh nhai cho gia đình. Song, khoảng 10 năm nay, bà truyền lại tay nghề và tiệm ăn cho vợ chồng con trai quán xuyến. |
7-8 năm trước, do lượng thực khách tìm tới tiệm ăn ngày càng đông, vợ chồng anh Tâm quyết định chuyển địa điểm buôn bán về đường Nguyễn Du như hiện tại. Từ đó tới nay, tiệm súp cua Nhà thờ Đức Bà vẫn chỉ gói gọn bằng một chiếc xe hàng, hai dãy ghế nhựa đặt sát hai bên hẻm cho khách ăn tại chỗ. |
Hàng ngày, tiệm bắt đầu buôn bán từ 10h30 đến 21h hoặc tới khi hết hàng. Suốt khoảng thời gian đó, vợ anh Tâm và một nhân viên luôn trong trạng thái tất bật, từ khâu dọn hàng, chuẩn bị nguyên liệu, thay nồi súp cho tới phục vụ thực khách mua về và dùng tại chỗ. "Buổi sáng, chồng tui còn phải đi giao hàng, chạy xe kiếm thêm nên chỉ có thể xuống phụ tầm chiều. Vì thế, tui phải quán xuyến khá nhiều việc, bận lắm!", bà chủ chia sẻ. |
Hơn 2 thập kỷ qua, tiệm súp cua Nhà thờ Đức Bà vẫn luôn là điểm đến yêu thích của nhiều thực khách nhờ hương vị thơm ngon, chất lượng không thay đổi sau bao năm buôn bán. Một chén súp nóng đầy đủ có giá 20.000 đồng, gồm các thành phần như cua lột, bột năng, nấm đông cô, nấm tuyết, trứng cút, trứng bắc thảo và nhiều loại gia vị. Vợ anh Tâm tiết lộ công thức nấu súp này được mẹ chồng chị lưu giữ từ năm 1993, nay truyền lại cho hai vợ chồng kinh doanh. |
Ngày nào cũng vậy, vợ chồng chủ quán luôn dậy từ 5h, đi chợ sớm để chọn lựa những nguyên liệu tươi ngon nhất, sau đó chở hàng từ nhà ở quận Phú Nhuận tới điểm bán. "Buôn bán hàng ăn không đơn giản. Sáng dậy sớm, trưa cũng phải đợi vãn khách mới có thể nghỉ tay rồi lại tất bật tới tối. Hồi mới tiếp quản quán từ mẹ chồng, vợ chồng tui thấy khá vất vả vì chưa quen. Còn giờ thì khác rồi", bà chủ kể lại. |
Vợ anh Tâm nói rằng do buôn bán dọc hai bên hẻm, không phải chỗ nào cũng có mái che. Mỗi lần trời mưa, thực khách đều phải ngồi nép vào trong, song khó tránh khỏi việc bị hắt tới. Dù vậy, hiếm ai lên tiếng than phiền vì đa số đều là "khách ruột" và các bạn trẻ tò mò. Ngoài ra, tiệm cũng có nhiều khách hàng mua mang về, tránh được tình trạng ngồi chờ quá lâu. |
Khoảng 17h, tiệm súp cua của vợ chồng anh Tâm bắt đầu đông đúc hẳn lên. Anh Tâm (38 tuổi), kịp kết thúc công việc buổi sáng để qua phụ vợ buôn bán. Vừa tới nơi, ông chủ nhanh chóng tiếp đón khách hàng, nghe gọi món và bưng súp. "Ngày xưa cũng thường xuống đỡ má buôn bán, làm vài việc vặt, nhưng khi chính tay quán xuyến chỗ này mới thấy vất vả. Giờ quen rồi, khách ăn hài lòng là tui vui", người đàn ông này nói. |
Nhờ địa điểm ở khu vực trung tâm, giá cả phải chăng và nức tiếng lâu đời, tiệm súp cua của gia đình anh Tâm nhận được nhiều tình cảm từ người dân Sài thành. Anh Tài, chuyên viên văn phòng thế hệ 8X, là một trong những thực khách thường xuyên ghé quán. "Mình thấy súp cua ở đây khá ngon, giá tiền tương xứng với địa điểm kinh doanh ở ngay trung tâm thành phố. Xế chiều đói bụng, ăn một chén như vậy là đủ sức làm việc tới tối rồi", anh nói. |
Chị Lê Vy (29 tuổi, trú tại quận Phú Nhuận) tự nhận mình là một trong số "khách ruột" của tiệm ăn nhà anh Tâm. 10 năm trước, khi còn học cấp 3, chị thường xuyên qua đây ăn. Giờ đây, thỉnh thoảng chị vẫn ghé quán ăn súp cua cùng bạn bè. "Điểm khiến mình mê nhất ở chén súp này là trứng bắc thảo. Nhiều người có thể ăn không quen, nhưng mình thì rất ưng hương vị bùi bùi, dẻo dẻo của nó", nữ tiếp viên hàng không kể. |