Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tiền đi công tác của Tổ chức Y tế thế giới nhiều hơn tiền cứu trợ

Tiền dành cho các chuyến công tác lên tới 200 triệu USD mỗi năm, trong khi tiền chi cho bệnh HIV/AIDS và viêm gan là 71 triệu USD, 61 triệu USD cho bệnh sốt rét.

Theo điều tra của hãng tin AP (Mỹ), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thường bỏ ra hàng trăm triệu USD chi phí cho các chuyến đi công tác của nhân viên mỗi năm - vượt xa số tiền dành để chống lại một số vấn đề y tế nhức nhối mang tính toàn cầu như HIV/AIDS, lao phổi và sốt rét.

Cụ thể, ngân sách dành cho các chuyến công tác bao gồm vé máy bay, nơi ăn nghỉ, phương tiện di chuyển… lên tới 200 triệu USD mỗi năm, vượt xa con số chi cho bệnh HIV/AIDS và viêm gan khoảng 71 triệu USD, 61 triệu USD cho bệnh sốt rét và 59 triệu USD để kiềm chế bệnh lao. 

WHO, cơ quan chuyên trách về y tế của Liên Hiệp Quốc, ngày càng cần nhiều tiền hơn để tài trợ cho các chương trình chăm sóc sức khoẻ của mình trên toàn thế giới, cũng đang phải vật lộn với các khoản chi phí phục vụ cho các chuyến công tác của nhân viên.

Mặc dù đã đưa ra các quy định mới nhằm hạn chế nguồn ngân sách dành cho đi lại đang ngày một “phình to”, nhưng các quan chức cấp cao của WHO vẫn tỏ ra hết sức lo lắng vì nhân viên Liên Hiệp Quốc đang lạm dụng đặc quyền và vi phạm các quy định, như đặt vé máy bay hạng thương gia, di chuyển bằng trực thăng thay vì đi đường bộ, ăn uống và nghỉ ngơi tại các khách sạn cao cấp…

WHO chi nieu tien di cong tac anh 1
Bà Margaret Chan đến thăm chợ Rungis ở Paris, Pháp ngày 7/4/2015. Ảnh: Michel Euler/AP.

Trong một chuyến đi gần đây tới Guinea của bà Margaret Chan, Tổng giám đốc WHO, nhằm động viên, khích lệ các nhân viên y tế tại Tây Phi trong việc đẩy lùi dịch Ebola, bà Chan đã ở phòng tiêu chuẩn nguyên thủ tại khách sạn sang trọng Palm Camayenne ở thủ đô Conakry. Được biết, giá của căn phòng tại khách sạn 5 sao nhìn ra Đại Tây Dương này vào khoảng 1.008 USD mỗi đêm.

Sau khi thông tin về chuyến công tác này của bà Chan bị rò rỉ, WHO từ chối đưa ra bình luận, và chỉ nói rằng nơi ăn nghỉ của bà Chan đôi khi sẽ do Chính phủ nước chủ nhà chi trả. Nhưng một số người cho rằng sự việc này sẽ là một thông điệp xấu gửi tới toàn thể 7.000 nhân viên của cơ quan này.

Trong một đoạn video ghi lại một cuộc họp nội bộ của lãnh đạo WHO hồi tháng 9/2015 mà hãng tin AP thu thập được, Nick Jeffreys, Giám đốc Tài chính của WHO, cho biết: "Chúng tôi không tin mọi người luôn tuân thủ đúng theo các quy định khi đi công tác”.

Mặc dù các quy định về đi lại của WHO rất nhiều, ông Jeffreys nói rằng các nhân viên đôi khi có thể tự “điều chỉnh” một chút về chuyến công tác của họ. Ông không thể chắc chắn rằng mọi nhân viên sẽ luôn đặt vé máy bay rẻ nhất hay ăn nghỉ ở những nơi bình dân.

WHO chi nieu tien di cong tac anh 2
Bên ngoài khách sạn 5 sao Palm Camayenne ở Conakry, Guinea. Ảnh: Youssouf Bah/AP.

Đầu năm 2016, một bản ghi nhớ đã được gửi cho bà Chan và các quan chức cấp cao với tiêu đề được in hoa “Các hành động để kìm hãm chi phí đi công tác”. Bản ghi nhớ nhấn mạnh rằng việc tuân thủ các quy định khi đi công tác là “rất kém”, và cũng chỉ ra rằng WHO đang chịu áp lực không nhỏ từ các nước thành viên trong việc tiết kiệm tiền.

Bản ghi nhớ có đoạn: “Đi công tác là một việc cần thiết, nhưng WHO là một tổ chức và chúng ta phải chứng minh rằng mình nghiêm túc trong việc quản lý nguồn ngân sách dành cho đi lại một cách thích hợp”.

Trong một thông báo gửi tới hãng tin AP, WHO cho biết bản chất công việc đòi hỏi nhân viên của cơ quan phải đi công tác thường xuyên và chi phí dành cho đi lại trong năm 2016 đã giảm 14% so với năm 2015.

Một phân tích nội bộ do AP thực hiện hồi tháng 3 chỉ ra rằng chỉ có hai trong số bảy phòng ban tại trụ sở chính của WHO ở Geneva (Thụy Sĩ) đạt mục tiêu trong việc cắt giảm chi phí đi công tác và tỷ lệ tuân thủ chỉ ở mức từ 28-59%.

Trong thời gian bùng phát dịch Ebola ở Tây Phi, chi phí dành cho những chuyến đi lại của WHO thậm chí còn lên đến 234 triệu USD. Mặc dù các chuyên gia cho rằng công việc của WHO rất quan trọng, nhưng tại sao cơ quan này không chuyển bớt một phần chi phí đó sang Tây Phi, nơi mà người dân và các nhân viên y tế đang “liều mạng” tại ba quốc gia bị ảnh hưởng thậm chí còn không đủ các điều kiện cơ bản như giày, trang phục bảo hộ, găng tay, xà phòng, túi đựng xác,… vì thiếu kinh phí.

Theo các báo cáo nội bộ về chuyến công tác của tiến sĩ Bruce Aylward - người điều hành chống bùng phát dịch Ebola tại châu Phi của WHO, ông này đã nhận được gần 400.000 USD chi phí đi lại trong cuộc khủng hoảng này. Bruce Aylward thậm chí còn di chuyển bằng máy bay trực thăng để đến các bệnh viện thay vì đi bằng xe jeep.

Cùng năm 2014, bà Chan đã chi hơn 370.000 USD để đi công tác, số liệu này được ghi lại trong một báo cáo mật dài 25 trang về 50 người “tiêu xài hoang phí” nhất của cơ quan này. Hai vị trí dẫn đầu trong danh sách thuộc về ông Aylward và bà Chan. Theo AP, có ba nguồn tin yêu cầu không được tiết lộ danh tính vì sợ mất việc cho biết rằng bà Chan thường ngồi ở khoang hạng thương gia mỗi khi đi công tác.

Một cơ quan cứu trợ quốc tế khác là tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) đã cấm nhân viên mua vé máy bay ở khoang hạng thương gia khi đi công tác. Ngay cả người đứng đầu của tổ chức này cũng thường ngồi ở khoang hang phổ thông. Với đội ngũ nhân viên khoảng 37.000 người so với 7.000 nhân viên của WHO, MSF chỉ phải chi khoảng 43 triệu USD mỗi năm cho các nhân viên đi công tác.

Các chuyên gia cảnh báo rằng việc chi tiêu “phóng tay” của WHO có thể ảnh hưởng đến việc gây quỹ. Cách đây vài tuần, WHO đã yêu cầu khoảng 100 triệu USD để trợ giúp người dân Somalia thoát khỏi tình trạng hạn hán. Vào tháng 4, tổ chức này đã yêu cầu 126 triệu USD để ngăn chặn thảm hoạ nhân đạo ở Yemen.

Minh Hải

Theo CBS News

Bạn có thể quan tâm