3 tuổi, 4 tuổi rồi đến 5 tuổi, cháu đều làm đúng như lời mẹ dặn. Nhưng từ khi vào lớp 1, bạn ấy bắt đầu thắc mắc: “Mọi người lì xì cho con tức là tiền của con. Thế thì con phải giữ chứ sao lại phải đưa cho mẹ?”. Tôi có giải thích: “Mẹ chỉ giữ giùm con thôi chứ không tiêu tiền lì xì của con. Mẹ sợ con giữ thì sẽ làm mất. Nếu con làm rơi, làm mất sẽ rất xui xẻo”.
Năm ấy con chấp nhận đưa tiền lì xì cho tôi với điều kiện: “Tiền của con thì con phải được toàn quyền sử dụng đấy nhé”. Tôi hỏi con muốn tiêu như thế nào, không cần suy nghĩ, anh chàng đọc một lô một lốc tên các loại đồ chơi: nào là siêu nhân, nào là robot, máy bay điều khiển... rồi phần còn lại thì để đi ăn ở căngtin trường.
Bao lì xì là niềm vui của trẻ em trong dịp Tết. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Tôi giải thích: "Các loại đồ chơi đó rất mắc, tiền lì xì đâu có đủ để mua! Vả lại ông bà, các bác, các cô chú lì xì cho con đâu phải chỉ để mua đồ chơi”.
Tôi hướng cháu đến nhiều nội dung khác như chỉ mua một món đồ chơi với số tiền vừa phải thôi, còn lại để dành mua sách, quần áo, giày dép... Nhưng cháu phản ứng kịch liệt, bảo chỉ thích mua đồ chơi thôi: “Những năm trước không có tiền lì xì thì mẹ vẫn sắm quần áo cho con được”.
“Đúng là như vậy! Nhưng nếu có tiền lì xì của con thì ba mẹ đỡ phải lo lắng nhiều cho việc kiếm tiền để mua áo mới cho con”.
Tưởng như thế là ổn, không ngờ mùng 1 tết năm ấy con trai đã làm tôi bẽ mặt với đại gia đình bên chồng. Sau khi nhận khá nhiều phong bao đỏ tươi từ ông bà nội, cô, chú, bác, anh, chị, cháu chạy thẳng đến chỗ tôi nói với giọng ấm ức: “Đây! Cống nạp hết cho mẹ đấy”.
Cả nhà cười ồ, hỏi sao con lại nói như vậy, bé trả lời: “Mẹ bắt con phải cống nạp hết cho mẹ chứ không được giữ”. (Cũng may hôm ấy toàn người trong gia đình chứ không thì tôi chẳng biết trốn vào đâu!).
Tết năm bé học lớp 2, tôi có thỏa thuận với con là mẹ chỉ giữ giùm, khi hết tết chúng ta cùng đếm xem tổng cộng có bao nhiêu (lúc này bạn ấy đã làm phép cộng rất giỏi, biết tiêu tiền và biết giá trị từng tờ tiền). Từ đó chúng ta sẽ bàn đến việc tiêu như thế nào.
Cứ tưởng mấy ngày tết trôi đi một cách êm ả. Nhưng không, cũng lại vào ngày mùng 1 tết, sau khi nhận phong bao đỏ là bé mở ra xem ngay: “Mẹ ơi, ông bà nội lì xì cho con 50.000 đồng lận!”. Vợ chồng tôi cùng yêu cầu bé không được làm như vậy trước mặt mọi người, rất kỳ cục. Nhưng bé nghe lời bằng cách vô nhà vệ sinh xem rồi đi ra thì thầm với mẹ: “Chú út thật là ki bo mẹ ạ, lì xì cho con có 20.000 đồng”.
Tôi giải thích hết lời: “Tục lệ lì xì có ý nghĩa là mừng tuổi cho trẻ em, để trẻ em gặp được điều may mắn, tốt lành trong năm mới. Tùy theo điều kiện của từng gia đình mà người lớn sẽ quyết định số tiền lì xì cho trẻ em. Nó thể hiện tấm lòng của người lì xì là mong muốn điều tốt lành đến với người được cho chứ không phải nhiều tiền hay ít tiền”. Nhưng con tôi vẫn không đồng ý: “Nhưng nhà chú út to hơn, đẹp hơn nhà ông nội mà. Sao chú lì xì cho con ít hơn ông nội?”.
... Sau ngày đầu tiên trở lại trường học, về nhà bé thắc mắc: “Sao bạn Anh Khôi được lì xì 16 triệu mà con chỉ có 3.700.000 đồng?”. Rồi bé than: “Con rất buồn. Các bạn trong lớp ai cũng có nhiều tiền lì xì hơn con”. Và bé còn kết luận: “Con thật xui xẻo! Toàn gặp những người ki bo nên mới lì xì ít thế”. Đến đây tôi đành phải nhờ cô giáo chủ nhiệm giảng cho tất cả các bé trong lớp một bài học về tiền lì xì và cách tiêu tiền lì xì.
Ước được ăn thoải mái ở căng-tin
Sau buổi sum họp gia đình, ba chồng tôi gọi cháu vào phòng riêng tâm sự, thì ra anh chàng ước ao có tiền để đi ăn ở căngtin trường một cách thoải mái (tôi không cho con tiền mang đi học, chỉ thỉnh thoảng dẫn cháu vào căngtin ăn dưới sự kiểm soát của mẹ thôi), ước ao có máy bay điều khiển từ xa và mang đến lớp chơi để các bạn thèm thuồng. Món này bé nói thích từ đầu năm học.
Tôi thường không chiều ý con một cách dễ dãi. Tôi bảo con phải cố gắng học giỏi thì đến ngày sinh nhật vào cuối năm học ba mẹ sẽ tặng. Thì ra ở lớp của con, một số bạn con nhà giàu thường mang những loại đồ chơi đắt tiền đến lớp chơi một mình chứ không cho bạn khác chơi chung.