Những xu hướng mới về công nghệ và kỹ thuật số thu hút sự chú ý của loạt doanh nghiệp lớn trên thế giới, và ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc không phải ngoại lệ. Điều này được thể hiện qua loạt dự án xây dựng thế giới, vũ trụ ảo (metaverse) và ngôi sao AI tại Kpop.
Đặc biệt, xu hướng này đã dẫn tới sự xuất hiện của đồng tiền mã hóa và NFT ở nền âm nhạc Hàn Quốc. Tuy nhiên, việc các công ty giải trí tập trung đầu tư vào NFT đã làm dấy lên tranh cãi gay gắt trong công chúng.
Sự tham gia của các ông lớn ngành giải trí
Các loại tiền mã hóa như Bitcoin và Dogecoin từ lâu đã trở nên phổ biến với người tiêu dùng toàn cầu. Chúng được sử dụng như hình thức thay thế cho dạng tiền tệ truyền thống (tiền xu và tiền giấy). Theo SCMP, tiền mã hóa đem lại cơ hội sinh lợi cho nhà đầu tư có hiểu biết về công nghệ.
Năm 2021 chứng kiến sự gia tăng đáng kể của NFT trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là giải trí và nghệ thuật.
Những công ty giải trí hàng đầu Hàn Quốc tuyên bố kế hoạch đầu tư vào NFT. Ảnh: Naver. |
Ngày 4/10, HYBE - công ty quản lý của nhiều nhóm nhạc nổi tiếng như BTS, Seventeen, TXT - thông báo họ đang hợp tác cùng Dunamu, nhà điều hành tiền mã hóa lớn nhất Hàn Quốc, để khởi động dự án tích hợp công nghệ NFT với sản phẩm, dịch vụ đến từ nghệ sĩ của HYBE.
Dự án này không chỉ bao gồm các ngôi sao Kpop trực thuộc HYBE mà còn có Justin Bieber, Ariana Grande và nhiều nghệ sĩ khác.
Cùng ngày, truyền thông Hàn Quốc đưa tin YG Entertainment - công ty quản lý của Black Pink, Big Bang - đang đầu tư vào dự án kinh doanh NFT sắp ra mắt. Dự án này được tài trợ bởi một số doanh nghiệp và công ty giải trí.
Ngày 9/11, SM Entertainment - nơi quản lý nhiều nhóm nhạc xu hướng như NCT, aespa, Red Velvet - thông báo họ sẽ sáng tạo nội dung liên quan tới metaverse Vũ trụ Văn hóa SM (SMCU), và phát hành nội dung này thông qua NFT với sự hỗ trợ của nền tảng blockchain nổi tiếng Solana.
Những ông lớn trong ngành giải trí này không phải đơn vị đầu tiên thông báo áp dụng NFT vào kế hoạch phân phối nội dung giải trí. Trước đó, vào tháng 7, JYP Entertainment - công ty chủ quản của TWICE, Stray Kids, ITZY - cho biết họ sẽ hợp tác cùng Dunamu. Cùng lúc đó, một số công ty giải trí khác cũng công bố kế hoạch kinh doanh sử dụng công nghệ kỹ thuật số tân tiến.
Tính độc đáo của NFT
NFT được sử dụng để bán các mặt hàng kỹ thuật số có thể chuyển nhượng, điển hình như tác phẩm nghệ thuật, dựa trên quyền sở hữu đối với sản phẩm mà NFT đại diện cho. Dữ liệu NFT được lưu trữ trên blockchain - sổ cái kỹ thuật số ghi lại những thông tin liên quan tới giao dịch của đồng tiền mã hóa.
Điểm hấp dẫn của NFT nằm ở tính độc đáo, "có một không hai" của sản phẩm. Người tiêu dùng có thể mua NFT của tác phẩm nghệ thuật nhằm ủng hộ nghệ sĩ họ yêu thích, và mỗi NFT đại diện cho một tập tin độc nhất vô nhị. Koreaboo so sánh NFT với dấu vân tay - dù hình dáng bên ngoài có thể đem lại cảm giác tương đồng, mỗi NFT đều chỉ có một bản duy nhất trên toàn thế giới.
Công nghệ NFT và metaverse thu hút nhiều sự chú ý tại Kpop. Ảnh: Naver. |
Tuy nhiên, khách hàng không nhận được bất kỳ vật phẩm vật lý nào sau khi mua NFT. Bằng chứng duy nhất về quyền sở hữu của họ là bản ghi về cuộc giao dịch được lưu trữ trong blockchain. Dù vậy, bằng cách mua NFT, khách hàng nắm quyền sở hữu riêng biệt với sản phẩm họ mua.
Trong video tổng kết và báo cáo kế hoạch năm 2021, Bang Shi Hyuk - chủ tịch của HYBE - đưa ra ví dụ về cách NFT có thể được sử dụng trong ngành giải trí Hàn Quốc. Bang đề cập tới photocard (thẻ in ảnh idol) - vật dụng rất được ưa chuộng trong cộng đồng người hâm mộ Kpop.
Theo Bang Shi Hyuk, thay vì chỉ chứa hình ảnh tĩnh đơn thuần, công nghệ NFT có khả năng bổ sung thêm hình ảnh chuyển động, âm thanh, thậm chí là giọng nói của idol, vào photocard, qua đó nâng cao trải nghiệm của người tiêu dùng. Fan sẽ sưu tầm, trao đổi và trưng bày photocard phiên bản kỹ thuật số tại nền tảng mạng xã hội dành riêng cho người hâm mộ, điển hình như WEVERSE.
Từ đó, người hâm mộ vẫn giao dịch, trao đổi photocard với nhau như thông thường, tuy nhiên, họ sẽ tránh được những vấn đề liên quan tới làm giả photocard - vấn đề thường xuyên xảy ra khi sản phẩm giấy dễ dàng bị làm nhái.
Photocard dạng NFT mà người hâm mộ sở hữu có thể chứa hình ảnh, âm thanh tương tự với bản gốc, tuy nhiên, fan hoàn toàn nắm quyền sở hữu với nội dung NFT mà họ mua - trong trường hợp ở đây là photocard - thay vì chỉ đơn thuần sở hữu một bản sao, và mỗi photocard này đều là sản phẩm độc nhất vô nhị, chỉ có một bản trên đời.
Bang Shi Hyuk cho rằng công nghệ NFT giúp nâng cao trải nghiệm của người hâm mộ Kpop. Ảnh: Naver. |
Tác động tới môi trường của NFT
Dù nhiều công ty giải trí, nhà đầu tư quyết định tham gia vào thị trường NFT, metaverse và tiền mã hóa, SCMP cho rằng chưa thể khẳng định NFT có thể đem lại giá trị tương xứng với số tiền đầu tư khổng lồ mà những đơn vị đi đầu giới giải trí Hàn Quốc đã bỏ ra.
Đặc biệt, tác động tới môi trường của công nghệ blockchain hiện làm dấy lên tranh cãi gay gắt. Để theo dõi và lưu trữ tất cả thông tin giao dịch của NFT, blockchain cần sử dụng rất nhiều năng lượng, do vậy, công nghệ này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc khai thác tài nguyên.
Trước đó, họa sĩ người Pháp Joanie Lemercier tiết lộ rằng quyết định phát hành tác phẩm dưới dạng NFT của anh dẫn tới việc tiêu tốn 8,7 megawatt cho buổi đấu giá. Một studio đồ họa cần hai năm để sử dụng toàn bộ số năng lượng này, nhưng buổi đấu giá chỉ mất 10 giây.
Nhà báo người Mỹ Johnny Harris cho biết tính tới tháng 4/2021, Ethereum - một blockchain phổ biến - đã sử dụng khoảng 33 terawatt giờ (TWh). 1 terawatt giờ tương ứng với 1 tỷ kWh, và điều này có nghĩa Ethereum sử dụng năng lượng nhiều bằng toàn bộ đất nước Serbia.
Đặc biệt, nguồn điện NFT sử dụng thường đến từ nhà máy điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Các nhà máy này tiến hành thải carbon vào khí quyển, góp phần gây ra nguy cơ biến đổi khí hậu toàn cầu.
Với một số người ủng hộ NFT, họ cho rằng tác động môi trường không phải vấn đề hàng đầu của công nghệ này, khi thực tế tiền tệ vật lý cũng góp phần gây nên biến đổi khí hậu. Dù vậy, nhiều nhà phê bình lên tiếng chỉ trích hành động đầu tư vào hệ thống tiền "độc hại không kém cho môi trường".
"Trong suốt vòng đời, trung bình NFT để lại tổng cộng 211 kg CO2, tương đương với việc lái 513 dặm trên chiếc xe chạy bằng xăng thông thường của Mỹ", theo QUARTZ.
Do vậy, hành động khuyến khích người hâm mộ sử dụng NFT của công ty giải trí làm dấy lên phản ứng dữ dội từ công⁰ chúng. Người hâm mộ đặt nghi vấn về việc tại sao những ông lớn trong Kpop lại tập trung đầu tư vào NFT - ngành công nghiệp có khả năng tác động tiêu cực đến thế giới - vào thời điểm nhiều ngôi sao Kpop, bao gồm BTS, đang tích cực tham gia chiến dịch bảo vệ môi trường.
Đối tác của HYBE - Dunamu - được biết đến như đơn vị tạo ra NFT "phát triển sự bền vững của hệ sinh thái", dù vậy, nhiều khán giả vẫn bày tỏ lo ngại về hiệu quả bảo vệ môi trường của công nghệ này.
Các công ty giải trí bị chỉ trích vì kêu gọi người hâm mộ sử dụng sản phẩm có thể gây hại tới môi trường. Ảnh: Naver. |
"Động thái này của HYBE không chỉ đi ngược lại sứ mệnh của BTS với Liên Hợp Quốc, mà còn là hành động vô trách nhiệm với môi trường", The Korea Times trích dẫn bình luận của người hâm mộ.
Tại đây, người hâm mộ này đề cập tới việc BTS từng phát biểu về sự cấp thiết của việc chống lại biến đổi khí hậu trong Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Việc nắm giữ "quyền sở hữu" có thật sự đáng giá?
Bên cạnh vấn đề môi trường, không ít người hâm mộ đặt câu hỏi về giá trị của "quyền sở hữu sản phẩm kỹ thuật số", điển hình như hình ảnh hay video, mà công ty giải trí đem lại thông qua NFT.
Thực tế, trong cộng đồng người hâm mộ, họ thường xuyên chia sẻ với nhau "nội dung độc quyền" - ở đây có thể là hình ảnh, video của thần tượng do chính họ ghi lại - và những nội dung này thường được fan yêu thích hơn khi so sánh với hình ảnh, video chính thức của thần tượng mà công ty giải trí cung cấp.
Ngoài ra, công chúng đồng thời tỏ ra không hài lòng với việc thay thế sản phẩm vật chất bằng NFT.
"Tôi muốn sở hữu hàng hóa vật chất, không phải sản phẩm kỹ thuật số. Đó là lý do những người như tôi đi in lại các bức ảnh của BTS", khán giả để lại bình luận.
Một người hâm mộ khác chia sẻ: "HYBE dường như không hiểu nhu cầu của người hâm mộ. Chúng tôi không cần quyền sở hữu nội dung kỹ thuật số, mà chúng tôi mong muốn có sản phẩm chất lượng bằng vật chất".
Trong một số trường hợp, sản phẩm NFT do đơn vị giải trí cung cấp không đơn thuần là món hàng để sưu tầm. Hiểu rõ nhu cầu được giao tiếp cùng thần tượng, nhiều đơn vị giải trí lên kế hoạch quảng bá NFT như phương tiện giúp người hâm mộ tương tác cùng ngôi sao yêu thích của họ.
Đây cũng là phương án được công ty giải trí và nhà đầu tư đánh giá như "yếu tố mấu chốt giúp thu hút người hâm mộ", bất kể phản ứng trái chiều của họ hiện tại.
Sắp tới, một sản phẩm NFT hoạt động trên cơ chế này dự kiến ra mắt vào ngày 23/11. Với sản phẩm "The Show FanBox NFT Collection" phát hành bởi Featured và KStarLive, người hâm mộ có thể mua tập hợp video ngắn của những ngôi sao xuất hiện trên The Show - chương trình âm nhạc phát sóng hàng tuần tại Hàn Quốc.
Bộ sưu tập có sự góp mặt của một số thần tượng như Wei, Woo!Ah!, Kim Jae Hwan, B.I.G và Pink Fantasy. Đặc biệt, người hâm mộ chi trả cho mặt hàng có giá trị cao sẽ giành được cơ hội xem buổi biểu diễn trực tiếp của The Show.
"Các công ty giải trí sẽ tìm mọi cách để người hâm mộ mua sản phẩm NFT, kể cả khi người hâm mộ phải đi ngược lại với mối quan tâm dành cho môi trường của họ", một khán giả bày tỏ sự lo ngại.
Sản phẩm NFT trong tương lai có thể nhắm vào nhu cầu giao tiếp cùng thần tượng của người hâm mộ. Ảnh: SCMP. |