Bác sĩ Đỗ Thị Yến, khoa Tâm thần kinh, Bệnh viện 19/8, trò chuyện với bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. |
“Chữa lành” sức khoẻ tinh thần có thể hiểu là sự xoa dịu, chuyển hóa cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực, cảm giác bị tổn thương trở về trạng thái an yên, mãn nguyện, giúp mỗi người tìm lại niềm vui, ý nghĩa, sống lạc quan hơn.
Gần 43 triệu lượt hiển thị kết quả tìm kiếm liên quan đến từ khóa “chữa lành” trên Google cho thấy đây là một vấn đề sức khỏe “hot” trong những năm gần đây.
Nở rộ dịch vụ
Bạn Nguyễn Tường Vy (26 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội) đăng ký tham gia các khóa học chữa lành của một học viện để làm cho bản thân mình hạnh phúc hơn sau “cú sốc” của một du học sinh trở về nước.
Vy nhận thấy bản thân có những vấn đề chưa lớn lắm, nhưng người huấn luyện lại xoáy sâu hơn, khơi gợi nỗi đau trong quá khứ, gợi những kỷ niệm không tốt.
“Đầu tiên, các học viên sẽ được giao lưu, chia sẻ tại hội trường chung. Sau đó, được dẫn vào các phòng riêng để tư vấn tâm lý. Mình chợt nghĩ, ở đâu ra nhiều chuyên gia tâm lý có trình độ, bằng cấp đến vậy...”, Vy nói.
Mặc dù hoài nghi và bắt đầu thấy có dấu hiệu không ổn, Vy vẫn theo đến cuối vì đã trót đóng tiền. Trong quá trình trị liệu, Vy ít nhận được sự định hướng hay tư vấn về giải pháp cho những vấn đề gặp phải.
Nội dung của các cuộc tư vấn đa số phân tích về những quan điểm sống chung chung, hay lời khuyên mang tính lý thuyết, giống một số cuốn sách self-help (loại sách hướng dẫn, giúp người đọc tự hoàn thiện bản thân và rèn luyện kỹ năng) mà cô đã từng đọc.
“Học xong mình chẳng khơi thông được điều gì. Ngược lại còn buồn hơn vì mất tiền cho dịch vụ này. Bản thân vốn là người hay nghĩ tiêu cực, nghĩ quá mức nên càng thêm trách bản thân vì đã không tìm hiểu kỹ về khóa học”, Vy nói.
Trên một khoá học online, giới thiệu về khoá học này có tên “L chữa lành” của một TikToker, không có thông tin đề cập đến kinh nghiệm chuyên môn, quá trình đào tạo, bằng cấp liên quan đến tâm lý. Cách khoá học này thu hút người xem đó là kể câu chuyện, chia sẻ những trải nghiệm “chấn thương” tâm lý của cá nhân giáo viên.
Nếu người xem tâm đắc, muốn chữa lành sẽ được dẫn đến trang thông tin về lớp học có tên “Tỉnh thức và chữa lành”, gồm thông tin cơ bản (5 triệu đồng/7 buổi) và phần đăng ký mua bộ video chữa lành, mua sách chữa lành, đăng ký lớp thiền… bổ trợ cho khóa học
Theo công bố khoa học của Tiến sĩ Tâm lý học Giang Thiên Vũ, ĐH Sư phạm TP.HCM, về “Giải pháp chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho sinh viên sau dịch Covid-19: Tiếp cận ở góc độ quản trị trường học” cho thấy chỉ 13% sinh viên khi gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần tìm sự hỗ trợ từ bác sĩ, các nhà tâm lý học chuyên môn; 45% sinh viên không làm gì cả (không chia sẻ với người thân, bạn bè hay mạng xã hội) và dễ bị dẫn dụ bởi những dịch vụ tư vấn chăm sóc, “chữa lành” tinh thần đang nở rộ.
Cảnh giác kinh doanh trên “nỗi đau” của người khác
Theo tiến sĩ tâm lý học Giang Thiên Vũ, ĐH Sư phạm TP.HCM, sau đại dịch Covid-19, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ tinh thần ở người trẻ nói riêng, người dân nói chung tăng đột biến. Đây là điều kiện để các khóa học chữa lành ra đời và nở rộ.
Ngoài ra, tâm lý học tại Việt Nam đang dần trở thành một ngành “hot” trong xã hội. Điều này đã dấy lên sự tò mò của xã hội về lĩnh vực này và việc mở các khóa học chữa lành là một định hướng ứng dụng của nghề tâm lý.
Tuy nhiên, sẽ có nhiều hệ lụy nếu việc khai thác các khóa học này không đến từ các nhà tâm lý học, mà đến từ những chuyên gia tâm lý tự xưng, dẫn đến nguy cơ kinh doanh dựa trên “nỗi đau” của người khác khi gắn mác dịch vụ chữa lành.
Mỗi bạn trẻ hãy tự trang bị cho bản thân những kỹ năng sống, kỹ năng mềm và tinh tế hơn, đây là cách tốt nhất để tự chữa lành cơ thể. Ảnh: The Guardian. |
Tiến sĩ Giang Thiên Vũ cho rằng bạn trẻ hiểu đúng và thực hiện đúng các bước chăm sóc, tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp vẫn còn khá hạn chế. Bạn trẻ dễ bị tác động từ các yếu tố xã hội, mạng xã hội, các mối quan hệ cuộc sống... dẫn đến việc tham gia thiếu tỉnh táo và suy xét các lớp học, khóa học chữa lành.
Bạn trẻ tìm kiếm sự hỗ trợ tâm lý chuyên nghiệp từ các chuyên viên tham vấn, trị liệu tâm lý (được chứng thực từ quá trình đào tạo, năng lực chuyên môn) là rất cần thiết, để hỗ trợ kịp thời, từng bước, có chiều sâu vấn đề tâm lý của chính mình.
“Cách tốt nhất để tự chữa lành, mỗi bạn trẻ hãy tự trang bị cho bản thân những kỹ năng sống, kỹ năng mềm và tinh tế hơn là năng lực cảm xúc - xã hội. Đây là những nguồn lực nội tâm quan trọng giúp củng cố khả năng phục hồi và tự thích ứng, đương đầu với các khó khăn trong cuộc sống”, tiến sĩ Vũ nhấn mạnh.
Những quảng cáo về các lớp học, khóa học “Chữa lành bằng ngôn từ”, “Lớp hạnh phúc tự thân và quản trị hạnh phúc”, “Chữa lành trái tim”… xuất hiện ngày càng nhiều từ những người huấn luyện cảm xúc (coaching) tự xưng.
Trong khi, cả nước hiện có 605 bác sĩ tâm thần, đạt 0,62 bác sĩ/100.000 dân, thấp hơn chỉ số trung bình toàn cầu (1,7) - số liệu từ Hội thảo “Tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần” ngày 10/10/2023 (do Bộ Y tế cung cấp).
Dễ bị chẩn đoán sai bệnh
Mới đây, bác sĩ Đỗ Thị Yến, khoa Tâm thần kinh, Bệnh viện 19/8, tiếp xúc một ca bệnh là nữ sinh viên từng tham gia nhiều khóa trị liệu, chữa lành bên ngoài.
“Nữ sinh viên này do thay đổi môi trường học tập nên đã có những hành vi rối loạn tác phong, la hét, tự ở trong phòng một mình, không muốn tiếp xúc với ai. Gia đình không tin và không muốn đối mặt với sự thật con mình gặp vấn đề về tâm lý, thần kinh nên đã không cho đến bệnh viện ngay từ đầu”, bác sĩ Yến cho biết.
Trước khi xác định rõ vấn đề, loại bệnh về sức khỏe tâm thần, nữ sinh này được làm bài trắc nghiệm tâm lý, thực hiện các xét nghiệm, chụp chiếu có liên quan. Theo đó, lộ trình điều trị của nữ sinh trên kéo dài gần một tháng với liệu pháp điều trị kết hợp dùng thuốc và tư vấn tâm lý từ các bác sĩ.
Theo bác sĩ Yến, các lớp học, khóa học chữa lành hiện nay được quảng cáo và nói “dẻo” hơn bác sĩ, làm cho người bệnh dễ nghe và đỡ phải dùng thuốc vì sợ tác dụng phụ.
Nếu theo một lộ trình chữa lành các vấn đề sức khỏe tinh thần, tâm lý, tâm thần chuẩn, ở cấp độ nhẹ, họ có thể gặp chuyên gia tư vấn về tâm lý. Với những cá nhân chưa thích nghi được stress, chuyên gia tâm lý sẽ có bài tập làm vững hệ thần kinh nhưng để chữa lành hoàn toàn thì không có.
“Các khoá học chữa lành tràn lan, không chuyên nghiệp sẽ khiến người bệnh gia tăng cấp độ tổn thương, làm trầm trọng hoá bệnh, sai lệch chẩn đoán điều trị. Trong khi, việc chẩn đoán bệnh phải qua nhiều xét nghiệm, có những bệnh nhân tưởng như mắc bệnh tâm lý, nhưng chẩn đoán ra lại là bệnh liên quan đến não”, bác sĩ Yến nói.
Bác sĩ Yến cho biết thêm nhiều bạn trẻ đã trầm trọng hoá vấn đề của mình nên dễ bị lừa, thao túng tâm lý, bị dẫn dụ đến các sản phẩm chức năng, gói trị liệu.
Ở một số trường hợp bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm, nếu không điều trị theo quy trình chuẩn tại các cơ sở uy tín sẽ dễ không nhận biết “ngưỡng” nào cần điều trị và dẫn đến hành vi nghiêm trọng như tự tử.
Gen Z quan tâm đến thế giới nội tâm nhiều hơn trước
Nguyễn Đoàn Minh Thư, tác giả của cuốn sách Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều là một người trẻ, một Gen Z sinh năm 2000. Cô tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Tâm lý tại Đại học East Anglia và hiện làm thực tập sinh tư vấn tâm lý cho Bộ Y tế Anh (National Health Service). Minh Thư cho biết câu chuyện được viết từ chính trải nghiệm của cô và nhấn mạnh mỗi người chỉ có thể cảm thấy hạnh phúc và bình yên khi hiểu chính mình.