Ngày 24/10, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình - Thẩm mỹ, Viện Bỏng Quốc gia (Hà Nội), cho biết vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân 28 tuổi (Thường Tín, Hà Nội) bị sưng đau, có áp-xe cánh tay kích thước 5x10 cm, to như nắm tay.
Ổ áp-xe trên cánh tay của bệnh nhân. Ảnh: BSCC. |
Bệnh nhân cho hay cách đây một tuần, cô đã tiêm tan mỡ vùng cánh tay tại spa với giá 7 triệu đồng. Chủ spa (không phải bác sĩ) đã tiến hành tiêm 15-20 mũi xung quanh cánh tay của người phụ nữ này. Bệnh nhân cũng không biết chủ cơ sở làm đẹp này đã sử dụng loại thuốc gì để tiêm cho mình.
Sau khi kiểm tra, bệnh nhân được bác sĩ chích, rạch, tháo mủ. "Nếu để lâu, chúng có thể ảnh hưởng đến cơ, xương, mạch máu thần kinh", bác sĩ Tuấn nói.
Theo chuyên gia này, tất cả thuốc tiêm tan mỡ trên thị trường đều không được Bộ Y tế cấp phép. Thuốc này tiêm vào cơ thể để chuyển hóa mỡ. Tuy nhiên, mỡ khó đào thải ra ngoài nên gây viêm tại chỗ như bệnh nhân trên. Hiện nay, không ít người mất từ vài chục đến hàng trăm triệu để tiêm tan mỡ tại các spa. Song, biện pháp này không có tác dụng.
Bên cạnh đó, nhiều spa quảng cáo tiêm vitamin B12 có thể giảm cân. Cách làm đẹp này được lý giải là làm tăng tốc quá trình chuyển hóa, tiêu hao năng lượng. Thực thế, vitamin nói chung chỉ là chất xúc tác các phản ứng chứ không thể làm tiêu hao năng lượng. Tiêm vitamin B12 có thể gây dị ứng, thậm chí sốc phản vệ.
Tiêm thuốc giảm cân hay tan mỡ rất nguy hiểm vì gây ra nhiều phản ứng đối với cơ thể. Những người có nhu cầu giảm cân nên đến gặp bác sĩ hoặc chuyên viên dinh dưỡng để được tư vấn biện pháp thích hợp và an toàn.