Ở tuổi 30, Nguyễn Bá Hải là Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng giáo viên và đào tạo nhân lực công nghệ cao thuộc trường. Nhưng nhiều sinh viên vẫn quen gọi anh là tiến sĩ 1 đô.
TS Nguyễn Bá Hải nhận giải thưởng Nhà giáo trẻ tiêu biểu lần 5 năm 2013 của Thành Đoàn TP.HCM. |
Xin học bổng cao học từ năm thứ ba
Nguyễn Bá Hải quê ở huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Từ nhỏ, anh đã mê ô tô. Hết THPT, anh thi vào ngành Cơ khí động lực, ĐH Sư phạm Kỹ thuật để thỏa ước mơ với động cơ máy móc. Nhà nghèo nên thời sinh viên anh phải làm rất nhiều việc như bán sách báo cũ, dạy kèm, dịch thuật, hàn điện, phụ bàn, bán đồng hồ, bán mắt kính dạo… Sau 4 năm vừa học vừa đi làm thêm, anh tốt nghiệp với danh hiệu thủ khoa ngành Cơ khí động lực.
Tốt nghiệp đại học, anh nhận được học bổng đào tạo cao học của chính phủ Hàn Quốc, ngành Robot Sinh học. Học bổng này chỉ dành cho giảng viên nên khi tên anh được xướng lên, ai cũng ngỡ ngàng.
Hải nhớ lại: “Vì ước mơ được đi du học nên mình đã chuẩn bị hồ sơ xin học bổng cao học từ … năm thứ ba, dù chưa có bằng tốt nghiệp đại học hay bảng điểm. Thêm vào đó, mình còn có sự kết nối và tư vấn của các thầy cô trong trường với phía Hàn Quốc nên sớm có định hướng đúng đắn. Đặc biệt, trong các dịp giao lưu với sinh viên và giảng viên Hàn Quốc, mình làm MC kiêm thông dịch viên từ tiếng Anh sang Việt nên có mối quan hệ khá thân thiết với các thầy giáo người Hàn”.
Tại ĐH Công nghệ Giáo dục Hàn Quốc, khi vừa nhập học, Nguyễn Bá Hải đã muốn bỏ về Việt Nam vì mình thiếu quá nhiều kiến thức. Cố gắng không mệt mỏi trong một năm thì mọi thứ tốt hẳn lên: Anh bắt đầu thích thú với phòng thí nghiệm, làm các báo cáo chuyên đề về ô tô… Dần dần, anh có được những bài báo khoa học, những công trình nghiên cứu tạo được tiếng vang lớn.
Sau 2 năm cần cù, anh có 3 sáng chế được Văn phòng Bản quyền phát minh và sáng chế quốc tế Hàn Quốc công nhận cùng luận văn tốt nghiệp xuất sắc. Nhờ đó, anh nhận tiếp học bổng tiến sĩ trị giá 50.000 đô la Mỹ.
Thông thường, các nghiên cứu sinh phải mất từ 3–4 năm mới hoàn thành luận văn tốt nghiệp nhưng Hải chỉ cần đúng 2 năm. 27 tuổi, Nguyễn Bá Hải đã lấy bằng tiến sĩ tại Hàn Quốc và nhận chứng chỉ “Bằng tiến sĩ hay nhất trong năm của trường”.
Ngày nhận bằng, anh được các giáo sư người Hàn mời ở lại Hàn Quốc làm việc ở Viện Nghiên cứu quốc gia hàng đầu về ô tô KaTech, với mức lương 5000 đô la/tháng. Tuy nhiên, anh từ chối và trở về nước ngay sau ngày bảo vệ luận văn để bắt đầu một hành trình mới.
Lớp học 1 đô
Nguyễn Bá Hải tâm sự, quyết tâm trở về Việt Nam là tiếng gọi con tim. Trong thế giới phẳng hiện nay, bạn làm ở đâu không quan trọng bằng điều bạn thực sự đam mê cái gì, công việc đó có ích cho bản thân và xã hội như thế nào.
Về nước, Hải vấp phải khó khăn là mức lương khá thấp, gây khó khăn khi trang trải nghiên cứu. Anh vừa đi dạy, vừa tìm kiếm các dự án có liên quan lĩnh vực chuyên môn tại các doanh nghiệp, để kiếm thêm thu nhập. Trong quá trình dạy học, anh thấy sinh viên còn nhiều khiếm khuyết để hòa nhập với môi trường làm việc tại các doanh nghiệp. Ý tưởng lớp học 1 đô bắt đầu từ đó.
Vào cuối năm 2010, những lớp học 1 đô bắt đầu xuất hiện tại ĐH Sư phạm Kỹ thuật rồi lan sang các trường ĐH Giao thông vận tải, CĐ Kỹ thuật Cao Thắng…
Nguyễn Bá Hải cho biết: “Một đô la Mỹ là số tiền người học phải đóng tượng trưng để tránh tình trạng đăng ký tràn lan. Đối tượng theo học các lớp này là bất cứ ai có niềm đam mê kỹ thuật như học sinh, sinh viên hay kỹ sư hoặc những người lớn tuổi”.
1 đô để học khóa học ngắn hạn về sáng tạo kỹ thuật. 1 đô để học về những kiến thức cơ bản nhưng quan trọng của kỹ thuật như cảm biến, cơ cấu chấp hành, điều khiển tự động…
Nguyễn Phương Khanh (năm thứ ba, ngành Cơ khí ô tô, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) cho biết: “Tham gia khóa học, tụi mình được thầy Hải chỉ cho cách nhận diện đam mê sáng tạo, kỹ năng lý giải vấn đề, thực hành thiết kế và lập trình robot… Bài giảng của thầy thể hiện thông qua video về các thiết bị, hệ thống trong kỹ thuật và tương tác tại phòng thí nghiệm, nhà máy thực tế. Sau khi tham gia khóa học, mình yêu ngành học của mình hơn, biết được con đường mình sẽ đi ra sao và về đâu”.
Từ ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, khóa học 1 đô đã được mở rộng qua các trường khác trong khắp cả nước, thu hút hàng ngàn người theo học. Nguyễn Bá Hải cho biết thêm: “Qua mỗi mùa tuyển sinh, mình nhận thấy, ngày càng ít thí sinh chọn khối ngành Kỹ thuật mà thích thi vào Quản trị Kinh doanh, Kế toán, Tài chính – Ngân hàng… Mình muốn truyền lửa đam mê kỹ thuật cho các bạn và giúp sinh viên vững tin, nỗ lực hết mình với cái ngành mà mình đã chọn”.
Từ những khóa học 1 đô, nhiều sinh viên đã sáng tạo ra các sản phẩm có tính ứng dụng cao như: Xe năng lượng mặt trời cỡ nhỏ, thiết bị báo trộm, thiết bị tự bật đèn trong nhà hay xây dựng kế hoạch phát triển bản thân, sống có mục tiêu và biến những khó khăn thành những thuận lợi trong học tập, phát triển bản thân…
Để mởi lớp học 1 đô, Nguyễn Bá Hải bỏ ra 40 triệu đồng trang bị các dụng cụ thí nghiệm, đồ dùng cần thiết. Những khóa học tại các tỉnh, anh cũng bỏ ra gần 3 triệu đồng để trả chi phí tổ chức, di chuyển thiết bị thực hành.