Tiến sĩ Vật lý nổi tiếng ở Pháp về nước dạy phổ thông
Một tiến sĩ Vật lý của trường ĐH nổi tiếng ở Pháp lại quyết định về làm giáo viên ở VN. Nhưng những người từng biết cậu học trò giỏi của trường Hà Nội - Amsterdam thì đều hiểu chàng trai đã đặt mình vào lựa chọn nhiều đam mê nhất.
TS Đinh Trần Phương. |
TS Đinh Trần Phương đã có những chia sẻ về sự nghiệp giáo viên của mình.
TS Đinh Trần Phương sinh ngày 8/4/1981, hiện là giáo viên Vật lý trường THPT Hà Nội - Amsterdam. Tốt nghiệp Trường Ecole Polytechnique (ĐH Bách khoa Paris) năm 2004. Tốt nghiệp thạc sĩ Vật lý lý thuyết Trường Ecole Normale Supérieure d’Ulm (ĐH Sư phạm Paris) năm 2006. Bảo vệ luận án tiến sĩ vật lý hạt cơ bản liên quan đến dự án T2K (Nhật Bản) về dao động neutrino năm 2009. Dạy học ở trường THPT Hà Nội - Amsterdam từ năm 2010 đến nay. |
Nhiều người yêu quý tôi đều khuyên nên suy nghĩ kỹ, rồi chỉ ra những hướng đi khác ở viện nghiên cứu, ở trường ĐH... Chỉ mình tôi hiểu trường học với các em học sinh mới là nơi thuộc về mình.
- Trở về ngôi trường chuyên nổi tiếng mình từng theo học để dạy học, anh có khó khăn để bắt nhịp với công việc “gõ đầu trẻ”?
- Thời tôi học, hơn 10 năm trước, học sinh lớp chuyên cũng chỉ có mục đích phổ biến là vào ĐH trong nước, một số ít học xuất sắc có mục tiêu vào đội tuyển quốc gia cũng vẫn kèm mục tiêu vào được trường ĐH trong nước, một số ít đặt mục tiêu đi học nước ngoài.
Bây giờ thì ngược lại, học sinh phân hóa theo ba mục tiêu: đỗ ĐH trong nước, vào đội tuyển quốc gia, du học nước ngoài và số xác định sẽ đi du học chiếm đa số. Học sinh đi theo nhiều định hướng khác nhau, nên giáo viên gặp nhiều khó khăn hơn trong việc cung cấp, trang bị kiến thức để các em đạt mục tiêu khác nhau.
Các em giờ sử dụng điện thoại nhiều, nên khả năng tập trung cũng không cao như trước. Tất nhiên, các em có cái lợi ở một xã hội thông tin, tiếp cận được từ nhiều nguồn, nhưng cũng sẽ phải mất công sàng lọc thông tin hơn. Không thể phủ nhận những kênh thông tin mới mẻ này, giáo viên phải thêm một nhiệm vụ định hướng để các em sử dụng quỹ thời gian hợp lý.
- Nhiều thầy cô than phiền dạy học bây giờ rất khổ. Dạy trên lớp mệt, lương thấp, sau giờ học vẫn đủ thứ lo. Học sinh có bất cứ phản ứng, hành động tiêu cực gì, xã hội lại đổ lỗi ngay cho thầy cô giáo. Anh nghĩ gì về điều này?
- Khi còn ở Pháp, công việc của tôi chỉ là học, đời sống sinh viên rất phong phú, nhưng cuộc sống của chúng tôi khi đó bình lặng, tôi còn không dùng điện thoại di động. Nhưng về Việt Nam, cuộc sống của tôi nhiều xáo trộn hơn, nhịp sống căng hơn rất nhiều.
Tôi cũng nghe ở nơi này, nơi kia học sinh ghi âm, ghi hình những hành động phản cảm trong môi trường giáo dục. Tất nhiên sẽ có những thầy cô lo lắng vì không biết lúc nào sẽ vào “tầm ngắm” của học sinh thời công nghệ số. Với tôi, giáo viên không phải lúc nào cũng đúng.
Về chuyên môn phải chặt chẽ, nhưng trong cuộc sống phải chấp nhận những ý kiến trái chiều từ học sinh. Nếu thầy cô sai thì có thể dũng cảm nhận lỗi.
- Đã ba năm làm giáo viên phổ thông ở Việt Nam, anh có thấy hụt hẫng vì môi trường giáo dục có gì đó khác xa so với những hình dung trước đó? Theo anh, giáo dục phổ thông đang có những thiếu sót gì khiến học sinh Việt Nam chịu thiệt thòi?
- Với giáo dục phổ thông, tôi thấy phần lớn các môn học (ở cấp THPT) của Bộ GD-ĐT hiện nay chưa khai thác được niềm yêu thích tìm tòi của học sinh, chưa gắn được nhiều với thực tế (một cách vui vẻ) để tạo cảm hứng khi học cho học sinh.
Giáo dục của mình mới chỉ dừng ở mức cung cấp kiến thức các môn học chứ chưa gợi được cho học sinh tự xác định được mong muốn nghề nghiệp của mình trong tương lai. Các em học xong THPT thì vào ĐH, đi du học... nhưng thường là theo xu hướng hay khả năng chứ chưa thật sự tính đến yếu tố đam mê.
Tất nhiên còn nhiều bất cập khác, nhưng ở đây với ý kiến cá nhân thì tôi thấy điều quan trọng là làm sao cho học sinh thấy vui và hứng thú với những gì mình được học chứ không phải gò ép và nhà trường, thầy cô phải giúp học sinh xác định sớm nhất có thể nếu không thì cũng là một phần hướng đi (theo sở thích và khả năng) về nghề nghiệp trong tương lai.
Theo Tuổi Trẻ