Năm 2007, Phạm Thành Thái là học sinh lớp 12 Toán trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương), đã xuất sắc đoạt huy chương vàng tại Olympic Toán quốc tế (IMO).
Sau 10 năm, từ cậu bé vàng Toán học, chàng trai Việt trở thành nhà khoa học được công ty hàng đầu thế giới Amazon đón nhận.
Con đường đến Amazon
Trở về từ IMO lần thứ 48, Phạm Thành Thái chọn ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) làm điểm đến. Với niềm tin nếu muốn làm việc có tầm ảnh hưởng lớn, không đâu tốt bằng Mỹ, anh sớm xác định đây chính là mục tiêu của mình.
Phạm Thành Thái trong một lần gặp gỡ GS Ngô Bảo Châu. Ảnh: NVCC . |
Cũng từ lúc này, ngành Kinh tế đến với Thái hết sức tình cờ. Anh đã tự hỏi rất lâu rằng mình có muốn và hợp làm nghiên cứu Toán không. Câu trả lời là không.
“Tham gia IMO là niềm vui lớn nhất với tôi trong những năm THPT nhưng theo đuổi Toán cả đời lại là phạm trù khác. Tôi nghĩ rằng nếu dùng Toán học vào các ngành khác thì sự đóng góp sẽ trực tiếp hơn”, Phạm Thành Thái tâm sự với Zing.vn.
Tại thời điểm chàng trai 18 tuổi băn khoăn tìm hướng đi cho mình, một đàn anh từng thi IMO và đã tu nghiệp ở nước ngoài khuyên Thái nếu không chọn Toán, có thể theo học Khoa học Máy tính hoặc Kinh tế học, cụ thể là Lý thuyết Trò chơi (Game Theory).
Trúng tuyển Học Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) năm 2009, Thái quyết định chọn Lý thuyết Trò chơi và tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu chuyên ngành Toán, Kinh tế và Khoa học Quản trị 4 năm sau đó. Thành Thái tiếp tục theo học và mất 4 năm để lấy bằng tiến sĩ kinh tế tại ĐH Kinh doanh Stanford (học viên thông thường sẽ mất 5-6 năm).
Anh thừa nhận IMO là cuộc chơi mà phần thưởng nó mang lại không nhỏ. Tấm huy chương vàng Toán quốc tế góp phần quan trọng giúp chàng trai Việt giành được học bổng toàn phần của MIT.
“Stanford là câu chuyện khác vì ở bậc tiến sĩ, họ quan tâm chủ yếu những gì bạn làm được khi học đại học”, Thành Thái nói.
Phạm Thành Thái trong thời gian học tại MIT (hai người bên cạnh là vợ chồng Hiệu trưởng MIT Leo Rafael Reif). Ảnh: NVCC. |
Tại Stanford, anh chọn ngành nghiên cứu khác, mặc dù cũng trong lĩnh vực kinh tế. Lần này, nghiên cứu của "anh chàng Hải Dương" dùng nhiều dữ liệu hơn, và ngoài Toán ra còn có Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI).
Một phương thuốc mới có tác dụng thế nào đối với việc chữa bệnh? Mô hình trường chuyên có tác động thế nào đối với thành tích học tập của học sinh? Một tính năng mới của Facebook có ảnh hưởng thế nào đến người dùng? Trả lời các loại câu hỏi này là nghiên cứu về quan hệ nhân - quả (Causal Inference).
"Trong nghiên cứu, tôi trả lời các câu hỏi như vậy bằng cách sử dụng dữ liệu lớn (Big Data) và các kỹ thuật máy học (Machine Learning) tiên tiến kết hợp trong các mô hình nhân - quả”, Thành Thái giải thích về nghiên cứu của mình.
Anh nói thêm AI đang tạo nên cơn sốt trên toàn thế giới và đây là công cụ nhiều tiềm năng, đặc biệt là khi lượng dữ liệu có sẵn ngày càng lớn.
Thông thường, AI hay cụ thể hơn là Machine Learning, giải quyết các vấn đề về dự đoán rất tốt. Tuy nhiên, khi cần ra quyết định quan trọng liên quan chính sách chính phủ, y học, hay kế hoạch lớn ở công ty, dự đoán đơn thuần là không đủ.
"Lấy ví dụ khi nhận diện hình ảnh, nếu máy tính nhận diện sai cũng không gây ra hệ quả quá lớn lao. Nhưng nếu dự đoán sai trong các quyết định quan trọng nhắc đến bên trên, hậu quả sẽ vô cùng to lớn. Các phương pháp về quan hệ nhân quả sẽ khỏa lấp chỗ trống này”, Thành Thái nói.
Chàng trai này cũng có nhiều nghiên cứu quan trọng được xuất bản trên các tạp chí, trình bày tại hội thảo ở Mỹ cũng như trên thế giới. Tháng 5 vừa qua, anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ “Large Scale Causal Inference with Machine Learning”.
Sắp tới, Thành Thái gia nhập tập đoàn Amazon, nghiên cứu về lĩnh vực anh đang theo đuổi là quan hệ nhân - quả, học sâu (Deep Learning), tự động hóa (Automation)...
Quên đi tấm huy chương vàng Olympic
Chủ nhân huy chương vàng IMO 48 luôn coi Toán là điều kỳ diệu, là gốc của hầu hết ngành khác và có thể mở ra muôn vàn cánh cổng. Bản thân anh dùng Toán vào Kinh tế học, bên cạnh Tài chính và Khoa học máy tính.
Phạm Thành Thái chụp ảnh lưu niệm cùng vợ chồng TS Lê Viết Quốc - người Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách 35 nhà phát minh dưới 35 tuổi xuất sắc do tạp chí MIT Technology Review bình chọn. Ảnh: NVCC. |
Trong quá trình học tại Việt Nam, hai giáo viên Toán cấp ba là thầy Phí Văn Dương và Mạc Đăng Nghị đã giúp Thành Thái xây gốc vững chắc về môn này. Nhờ đó tại Mỹ, anh có thể thích nghi tốt ở môi trường giàu tính cạnh tranh hơn.
Phạm Thành Thái khẳng định các thầy cô ở Việt Nam đã và đang làm rất tốt việc xây dựng nền móng vững chắc cho học sinh. Câu hỏi đặt ra cho các em có lẽ là làm gì sau đó, sau IMO và những năm cấp ba.
“IMO hay những cuộc thi khác thời phổ thông chỉ là cuộc chơi mà người thắng đã chơi tốt hơn ở thời điểm đó. Điều đó không đồng nghĩa việc họ sẽ chơi tốt ở các cuộc khác. Tôi quen rất nhiều người, mặc dù không thi quốc tế, đã làm nghiên cứu khoa học rất thành công ở phạm vi thế giới”, Thành Thái nhận định.
Theo anh, những người thành công tại các cuộc thi quốc tế nên quên tấm huy chương càng nhanh càng tốt. Nó như con dao hai lưỡi, nếu dùng sai, bản thân sẽ bị tổn thương về mặt tinh thần.
Thành Thái nói: "Khi chưa được rèn nhiều về tâm lý ngoài cuộc sống mà phải đối diện nhiều áp lực hay kỳ vọng từ xã hội, chúng ta thường sẽ rất bối rối, căng thẳng. Theo tôi, có một cái đầu lạnh là điều tối cần thiết. Rồi sau này, cứ mỗi khi ta đạt đến một cột mốc mới, hãy mỉm cười nhưng đừng hài lòng mà bước tiếp trên con đường mình chọn".
Với thế hệ sau, Phạm Thành Thái khuyên các em nên tìm một người hướng dẫn để được tư vấn về hướng đi phù hợp. Gần 10 năm trước, nếu không nhờ những người đi trước chỉ dẫn, anh không thể trở thành một trong những người Việt đầu tiên được nhận vào chương trình đại học ở MIT trực tiếp từ Việt Nam.
Phạm Thành Thái cũng luôn sẵn lòng tư vấn cho những thí sinh bước ra từ IMO và hy vọng các em tìm được hướng đi chính xác.